Chân dung 2 DN trả cổ tức "khủng"

Chân dung 2 DN trả cổ tức "khủng"

(ĐTCK) Thời buổi khó khăn, nhiều DN phải thắt lưng buộc bụng, thì một số DN vẫn lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền rất cao. Họ là những đơn vị nào?

HGM, “nhà giàu” trong ngành khoáng sản

Theo kế hoạch, ngày 22/11 tới, CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM) sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền lần 2 năm 2012 cho cổ đông theo tỷ lệ 70% (7.000 đồng/CP). Nếu tính cả đợt tạm ứng lần trước với tỷ lệ 30% bằng tiền (thanh toán ngày 28/8/2012), thì mỗi cổ đông nhận được 10.000 đồng/CP chỉ trong vòng 4 tháng.

Chân dung 2 DN trả cổ tức "khủng" ảnh 1

Khai khoáng là một trong những ngành vẫn “sống khoẻ” trong điều kiện kinh tế chung khó khăn

So với thị giá cổ phiếu ở mức 80.000 - 90.000 đồng/CP, thì tỷ lệ cổ tức này không cao. Tuy nhiên, so với thị trường thì HGM đang là DN dẫn đầu về sự “rộng rãi” với cổ đông. Năm ngoái, HGM cũng trả cổ tức “khủng”, mức cổ tức bằng tiền mà Công ty đã trả là 80%. Theo giới phân tích, sở dĩ HGM hào phóng vì HGM là “nhà giàu”. Ở thời điểm cuối quý I/2012, riêng lợi nhuận của HGM, SQC và BMC đã chiếm khoảng 75% tổng lợi nhuận của ngành khoáng sản.

Về lợi thế, HGM hiện là DN duy nhất tại Việt Nam đang khai thác, chế biến và xuất khẩu antimony ở quy mô công nghiệp. Antimony là á kim quý hiếm, được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thiết yếu như vật liệu chống cháy, công nghệ bán dẫn, pin..., nên nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này rất lớn. Trong khi đó, Trung Quốc - nước sản xuất antimony lớn nhất thế giới, giữ 40% trữ lượng và thị phần chiếm 80% có chính sách hạn chế xuất khẩu antimony. Vì thế, đầu ra ở HGM luôn được đảm bảo.

Antimony của HGM có hàm lượng tinh đạt trên 99%, thuộc nhóm sản phẩm chất lượng cao, nên giá bán cao hơn giá trung bình thế giới 40%. Trong khi đó, Mỏ Antimony Mậu Duệ II của HGM là mỏ lộ thiên, hoạt động khai thác dễ dàng hơn, công nghệ tinh luyện đơn giản, giúp giá thành rẻ. Đó là lý do vì sao giá vốn của HGM luôn thấp. Như trong 9 tháng đầu năm nay, giá vốn của HGM chỉ chiếm 27,6% doanh thu.

Về tài chính, HGM là một trong rất ít DN không vay nợ. Tiền và tương đương tiền cuối tháng 9/2012 của HGM còn hơn 249 tỷ đồng. Tính ra, 44,1 tỷ đồng để trả cổ tức lần này chỉ bằng 17,6% lượng tiền mà HGM có tại thời điểm cuối tháng 9.

Xét tiềm năng dài hạn, do HGM có quyền khai thác Mỏ Antimony Mậu Duệ ở tỉnh Hà Giang, gồm ba thân quặng và đang khai thác thân quặng II, trữ lượng khoảng 371.800 ngàn tấn quặng, với hàm lượng antimony đạt gần 10%. Giả sử công suất tối đa theo giấy phép cho thân quặng II là 10.500 tấn quặng/năm, thì trữ lượng của riêng thân quặng II đã đủ cho HGM khai thác đến năm 2040. Ngoài ra, với trữ lượng của mỗi thân quặng I & III được ước tính xấp xỉ thân quặng II, HGM sẽ có nguồn quặng dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất trong tương lai. Tuy nhiên, lợi thế của HGM có thể giảm nếu Việt Nam có thêm những nhà khai thác antimony mới hoặc Trung Quốc thay đổi chính sách xuất khẩu antimony.

 

HCI, mơ hồ thông tin

CTCP Đầu tư Xây dựng Hà Nội (HCI) là DN có kế hoạch trả cổ tức năm 2012 ở mức 60% bằng tiền mặt. Ngày 10/10, HCI đã tạm ứng cổ tức 50%, tức 5.000 đồng/CP. Tính ra, HCI đã chi 26,15 tỷ đồng để trả cổ tức.

HCI cũng có lịch sử trả cổ tức cao. Cổ tức năm 2010, 2011 đều ở mức 50% bằng tiền mặt. Tuy nhiên, NĐT không nắm được nhiều thông tin về DN này, vì đây là DN đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Tài liệu, thông tin cho NĐT nghiên cứu rất sơ sài. Dựa vào những thông tin đã công bố thì HCI hoạt động chính trong ngành bất động sản, xây lắp; cổ đông lớn, nội bộ nắm gần 50% vốn.

Báo cáo tài chính mới nhất mà HCI cung cấp ra thị trường là báo cáo kiểm toán năm 2011. Căn cứ vào báo cáo này thì kết quả kinh doanh của HCI khá tốt, với doanh thu hơn 324 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 32,7 tỷ đồng, tăng 43,6% về doanh thu và giảm nhẹ về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Tính ra, EPS năm 2011 của HCI là hơn 6.000 đồng. HCI không có chi phí lãi vay trong năm 2011; cuối năm còn 285,1 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Riêng tiền lãi gởi tiết kiệm đã góp 38 tỷ đồng trong lợi nhuận của HCI năm 2011.

Theo bản cáo bạch thì HCI có 3 dự án đầu tư, đó là Dự án Trung Văn - Hancic, Dự án Nhà biệt thự BT1 và Dự án Khu nhà ở cho công nhân (đều ở Hà Nội). Tuy nhiên, webiste và báo cáo thường niên gần nhất của HCI có lỗi kỹ thuật, nên NĐT không được rõ tiến độ xây dựng, bán hàng ở những dự án này ra sao. Kết quả kinh doanh của HCI trong 9 tháng qua cũng không được cập nhật.