Ảnh: Giang Huy.

Ảnh: Giang Huy.

Chần chừ chuyện thoái vốn

Bộ Tài chính đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại DN.

Để sớm đạt tỉ lệ rút vốn đầu tư ra ngoài ngành xuống còn 15% như dự thảo, Chính phủ và Bộ Tài chính đang hối thúc các DNNN giảm từ 50% vốn đầu tư ngoài ngành hiện tại, nhất là đối với lĩnh vực nóng là NH, CK, BĐS, nhưng phải đảm bảo sự an toàn tài chính cho DN và “không làm thất thoát vốn nhà nước”.

 

Khó vì thị trường chưa thuận

 

Theo thông tư 117/2010/TT-BTC, ngày 5.8.2010 do Bộ Tài chính ban hành, DNNN phải sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào ngành nghề kinh doanh chính. Thông tư 117 cũng quy định, tổng mức đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính không được vượt quá VĐL của Cty. Thêm nữa, mỗi Cty chỉ được góp vốn vào 1 DN trong lĩnh vực NH, bảo hiểm, CK. DNNN nào có mức đầu tư ra ngoài ngành vi phạm các quy định trên phải thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình theo Nghị định 09/NĐ-CP của Chính phủ. Hạn chót là ngày 25.3.2011, các DN phải báo cáo tình hình và phải có kế hoạch thoái vốn rõ ràng để báo Bộ Tài chính.

 

Tuy nhiên, hết tháng 3 các DN vẫn đang ở tình trạng rục rịch chuẩn bị. Một lý do được các DN đưa ra là khi đầu tư vào các lĩnh vực nóng này (vào thời điểm thuận lợi) thì dễ, nhưng khi rút vốn ra thì khó. Cái khó được các DN nêu ra là từ 2010 tới nay, tình hình TTCK giảm sút. Sau đó, thị trường BĐS rơi vào tình trạng ảm đạm, các giao dịch gần như đóng băng. Do đó, việc thoái vốn khó thực hiện. Thêm nữa DN cho rằng, quy định thoái vốn nhưng “không làm thất thoát vốn nhà nước” đã khiến DN khó thực hiện.

 

Nhưng theo lãnh đạo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), có nguyên nhân khách quan, nhưng một phần cũng do chính các DN này triển khai thiếu nghiêm túc. Cục này hiện vẫn đang rà soát, tổng hợp hoạt động đầu tư ngoài ngành của tất cả các tập đoàn, TCty nhà nước. Kết quả bước đầu cho thấy, tiến độ thực hiện của các DN còn chậm. Quan điểm của Bộ Tài chính là không lùi, hoãn, thậm chí còn tiếp tục siết chặt hơn nữa.

 

Băn khoăn “vốn nhà nước”

 

Khi đưa ra các lý do chậm trễ cho việc chậm thực hiện việc thoái vốn đầu tư trái ngành, các DN còn cho rằng hiện vẫn có nhiều khái niệm về vốn nhà nước, cần hiểu như thế nào cho đúng. Trước đó, bà Phạm Nguyên Hạnh - Phó TGĐ Tập đoàn Dệt-May Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất băn khoăn, vốn vay của NH phát triển; vốn vay của DN được Chính phủ bảo lãnh; tài sản của các DN như đất... có phải là vốn nhà nước hay không?” Với cơ chế và phương thức đầu tư vốn của Cty mẹ như hiện nay thì việc đầu tư vốn của Cty mẹ vào các Cty con cũng được coi là vốn nhà nước đầu tư tại DN.

 

Có ý kiến cho rằng như vậy là không hợp lý, vì vốn đầu tư của Cty mẹ vào các Cty con có thể là vốn vay, vốn huy động của Cty mẹ. Tuy nhiên, trong một trao đổi với Lao Động mới đây về việc đầu tư ngoài ngành của các DNNN, luật sư Trần Hữu Huỳnh- Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, vốn đầu tư của Cty mẹ vào Cty con cũng là vốn nhà nước. Bởi Cty mẹ đầu tư vào Cty con dù bằng vốn vay hay vốn huy động thì cuối cùng Cty vẫn phải trả trên cơ sở vốn nhà nước. “Cái gốc vẫn là vốn nhà nước” - ông Huỳnh nói.

 

Ba khái niệm vốn nhà nước

 

*  Khoản 10, điều 3, Luật Đầu tư: Vốn nhà nước là vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư khác của Nhà nước.

 

*  Khoản 1, điều 4, Luật Đấu thầu: Vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của DN nhà nước và các vốn khác do Nhà nước quản lý.

 

*  Khoản 3, điều 2, Quy chế quản lý tài chính của Cty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác ban hành kèm theo Nghị định số 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ: Vốn do Nhà nước đầu tư tại Cty nhà nước là vốn cấp trực tiếp trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho Cty nhà nước khi thành lập, trong quá trình hoạt động kinh doanh; vốn nhà nước được tiếp nhận từ nơi khác chuyển đến theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; giá trị các khoản viện trợ, quà biếu, quà tặng; tài sản vô chủ, tài sản dôi thừa khi kiểm kê Cty nhà nước được hạch toán tăng vốn nhà nước tại Cty nhà nước; vốn bổ sung từ lợi nhuận sau thuế; giá trị quyền sử dụng đất và các khoản khác được tính vào vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.