Không hề vay tiền của một CTTC có trụ sở chính tại TP.HCM, song nhiều người dân vẫn bị nhân viên CTTC này gọi điện quấy rầy mỗi ngày, thậm chí là nhiều lần trong ngày. Chị Minh Hương (quận Thủ Đức, TP.HCM) là một nạn nhân như vậy.
Chị Hương kể, cuối năm 2017, chị bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên của một CTTC, hỏi chị có phải là chị họ của cô Nguyễn Minh Anh. Nhân viên này cho biết, bà Anh đã vay một khoản tiền 10 triệu đồng, đến nay đã qua thời hạn tất toán được 6 tháng, nhưng vẫn chưa thanh toán.
Chị Hương đã hỏi lại chị Minh Anh thì chị này cho biết không hề vay tiền của CTTC nào, nhưng liên tục những ngày sau đó, chị Anh và chị Hương vẫn nhận được điện thoại từ nhiều nhân viên của công ty tài chính trên yêu cầu đến trả nợ.
Cho dù chị Anh giải thích rất nhiều lần, song những người này không chịu buông tha, mà tiếp tục dùng lời lẽ không hay để buộc chị trả nợ.
Đây không phải trường hợp cá biệt. Nhiều người còn cho biết, họ liên tục bị nhân viên các CTTC gọi điện hỏi thông tin về những khách hàng vay nợ, dù họ không vay, không liên quan, thậm chí không biết gì về người đi vay hay CTTC nào cả.
Hiện nay, có CTTC yêu cầu người vay ngoài địa chỉ, số điện thoại của mình thì phải cung cấp thêm địa chỉ và số điện thoại của ít nhất của hai người thân, đồng thời yêu cầu cung cấp địa chỉ facebook của người thân, bạn bè khi ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Từ facebook con nợ, chủ nợ sẽ kết bạn với nhiều bạn bè khác trong danh sách.
Và tới thời điểm trả nợ, con nợ không trả sẽ bị gây sức ép, rêu rao bêu xấu ngay trên facebook. Cách đòi nợ này hiệu quả hơn là đòi qua điện thoại vì qua điện thoại thì chỉ một người biết, nhưng lên facebook thì rất nhiều người biết.
Điều này gây áp lực lớn cho khách hàng, cho dù khoản nợ đó là 500 nghìn đồng, 1 triệu hay 5 triệu đồng...
Hiện nay, có CTTC yêu cầu người vay ngoài địa chỉ, số điện thoại của mình thì phải cung cấp thêm địa chỉ và số điện thoại của ít nhất của hai người thân, đồng thời yêu cầu cung cấp địa chỉ facebook của người thân, bạn bè khi ký hợp đồng tín dụng vay vốn. Từ facebook con nợ, chủ nợ sẽ kết bạn với nhiều bạn bè khác trong danh sách.
Tình cảnh bị làm phiền do đòi nợ nhầm này đã có gần 100 trường hợp người tiêu dùng phản ánh về Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vài tháng trước.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, sở dĩ có kiểu đòi nợ trên là vì quy định pháp lý hiện không đảm bảo quyền lợi của chủ nợ, dẫn đến các thất thoát, khách hàng trốn nợ. Do bị vi phạm nhiều nên các đơn vị cho vay buộc tìm cách ứng xử khác. Trong đó, có những đơn vị đã làm quá khiến nhiều người bức xúc.
Để chấm dứt tình trạng đòi nợ theo kiểu “khủng bố” nói trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai một số nội dung nhằm chấn chỉnh tình hình hoạt động của công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách hàng, đặc biệt là những quy định về hoạt động dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật; không thực hiện đòi người không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC tiêu dùng.
Ngoài ra, ngân hàng nhà nước các tỉnh được yêu cầu phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc tuân thủ quy định nội bộ, quy định của pháp luật về hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống ở các đơn vị kinh doanh trong mạng lưới hoạt động của CTTC trên địa bàn;
Phát hiện các bất cập, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để có biện pháp ngăn chặn, xử lý toàn diện.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tiếp nhận thông tin về việc một số CTTC có áp dụng hình thức thu hồi nợ thông qua tín dụng hoặc chuyển khoản để thu lợi.
Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các CTTC yêu cầu chấm dứt ngay việc này và đề nghị rà soát, khắc phục, chấn chỉnh nhân viên, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong việc cho vay tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chấn chỉnh vấn đề cho vay tiêu dùng, trong đó có yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; các đơn vị chức năng của Nhà nước tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng tiêu dùng; chấn chỉnh phong cách làm việc của nhân viên, tăng cường kiểm soát nội bộ hoạt động cấp tín dụng khác của CTTC.