Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Theo Nghị quyết, thời gian qua, việc lựa chọn dự án đầu tư và thứ tự ưu tiên đầu tư chưa hợp lý; đa số dự án tập trung trong lĩnh vực đường bộ; việc cải tạo nâng cấp tuyến đường độc đạo chưa đảm bảo quyền lựa chọn của người dân.
Vì vậy, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải tổng kết việc thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT.
Trong thời gian tới, tiêu chí lựa chọn dự án để đầu tư BOT phải được quy định chặt chẽ; bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, sớm ban hành định mức, đơn giá liên quan.
Đối với dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT, Thường vụ Quốc hội nêu rõ chỉ áp dụng đối cho tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Cũng theo Nghị quyết, việc lựa chọn nhà đầu tư phải tổ chức đấu thầu công khai theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa chỉ định thầu; thực hiện đầy đủ việc minh bạch thông tin về dự án để thuận tiện cho người dân giám sát.
Chính phủ cũng phải hoàn thiện việc rà soát tổng thể vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ để hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.
Nghị quyết yêu cầu Chính phủ ban hành tiêu chí thành lập trạm thu giá dịch vụ, xây dựng mức giá phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến; ban hành khung tiêu chuẩn chung làm cơ sở thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu giá, phí tự động không dừng, tránh tình trạng độc quyền trong lĩnh vực này và giám sát doanh thu của các trạm.
Từ năm 2019, cơ quan chức năng triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.
Phát biểu trong phiên làm việc ở tổ của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách sáng 24/10, ông Trần Quốc Vượng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên thường trực Ban bí thư, cho rằng BOT là chủ trương đúng và đề nghị truyền thông cần "nói mặt tích cực chứ không chỉ tiêu cực của BOT".
Theo ông, BOT là huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở hạ tầng, các nước cũng tiến hành theo cách này.
"Điều quan trọng là ngăn chặn tình trạng lợi dụng cái này để làm không đúng, mà lâu nay chúng ta vẫn quen gọi tay không bắt giặc.
Anh phải làm BOT thực sự bằng nguồn vốn của anh", ông Vượng nhấn mạnh và cho rằng tới đây cần phát triển mạnh hình thức đầu tư BOT để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Báo cáo giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về BOT được công bố hồi tháng 10 đã đề cập đến việc nhiều dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT là dự án cải tạo, nâng cấp được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo (các tuyến quốc lộ và Đường Hồ Chí Minh), hạn chế sự lựa chọn của người dân.
Giai đoạn 2011-2016, Bộ Giao thông đã huy động khoảng hơn 169 nghìn tỷ đồng đầu tư vào 57 dự án BOT giao thông đường bộ. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 55 dự án với tổng mức đầu tư hơn 137 nghìn tỷ đồng.
Tại 43 tỉnh, thành đã huy động được hơn 80.000 tỷ đồng cho các dự án BOT. Nhiều công trình trọng điểm, có tính kết nối cao giữa các vùng miền đã được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa (mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...).