Trong 3 tháng qua, startup có giá trị lớn nhất thế giới liên tiếp vướng vào rắc rối. Cụ thể, hồi tháng 1, Uber mất hơn 200.000 khách hàng chỉ trong 1 tuần, sau khi Công ty bị cáo buộc ngầm phá hoại một cuộc biểu tình phản đối lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chiến dịch tẩy chay này khiến Kalanick phải rời Ban Cố vấn của ông Trump vào tháng 2. Đó cũng là khởi đầu cho một loạt bê bối xảy đến với Uber chỉ trong thời gian ngắn sau đó.
Tôi cần phải thay đổi, đặc biệt trong vai trò của một người đứng đầu. Tôi phải trưởng thành hơn và cần sự trợ giúp về mặt lãnh đạo.
Ngày 19/2, Susan Fowler , cựu kỹ sư phần mềm của Uber tiết lộ, cô bị cấp trên quấy rối tình dục và phân biệt đối xử khi còn làm việc tại Công ty. Cô này đồng thời cho biết, các lãnh đạo Uber đã “cố tình làm ngơ” trước sự việc này.
Ngày 23/2, Alphabet, Công ty mẹ của Google, đã kiện Uber với cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại về xe tự lái.
5 ngày sau, tức ngày 28/2, đoạn video về vụ tranh cãi giữa Travis Kalanick với một lái xe Uberblack được đưa lên mặt báo. Đoạn video cho thấy, trong khi lái xe phàn nàn về thu nhập và giá cước giảm, thì ông chủ Uber cho rằng, các lái xe phải chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình. CEO Uber sau đó đã phải công khai xin lỗi về việc này.
Đầu tháng 3, hàng loạt lãnh đạo cấp cao liên tiếp rời Công ty, trong đó có Giám đốc trí tuệ nhân tạo, Phó chủ tịch sản phẩm và tăng trưởng. Uber gần đây còn bị phát hiện đã sử dụng một phần mềm bí mật là Greyball để né tránh sự kiểm soát của nhà chức trách trong nhiều năm qua.
Các scandal liên tiếp khiến hình ảnh của Uber bị hủy hoại đáng kể. Trên tờ Financial Times , một chuyên viên tuyển dụng cho biết, số nhân viên muốn rời bỏ Uber đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều nhân viên Uber đã rời Công ty để gia nhập công ty đối thủ trong tháng qua. Trong khi đó, đối thủ của Uber là Lyft cũng nhanh chóng chớp lấy cơ hội để “hạ bệ” Uber, khi tuyên bố muốn gọi vốn khoảng 500 triệu USD.
Sau một loạt bê bối và nỗ lực tuyển “phó tướng” của Kalanick cho thấy, Uber cần một phong cách lãnh đạo khác. Kalanick đảm nhận vị trí CEO Uber từ khi Công ty được thành lập năm 2009. Theo giới phân tích, tính cách của ông góp phần tạo dựng hình ảnh một Uber khá “hung hăng và kiêu ngạo”, nhưng giờ đây, giữa tâm bão chỉ trích từ nhà đầu tư, nhân viên và khách hàng, đã đến lúc Kalanick phải nhìn nhận lại.
“Tôi đang tích cực tìm kiếm COO, một người có thể hợp tác với tôi trong hành trình mới của Uber”, Kalanick viết trên blog của mình vào sáng ngày 7/3 vừa qua.
Trước đó, trong email xin lỗi sau vụ tranh cãi với tài xế Uber, Kalanick cũng thừa nhận: “Tôi cần phải thay đổi, đặc biệt trong vai trò của một người đứng đầu. Tôi phải trưởng thành hơn và cần sự trợ giúp về mặt lãnh đạo”.
Thực tế cho thấy, Uber đã đi hết chặng đầu tiên trên con đường phát triển tổ chức. Việc tăng số lượng nhân viên rõ ràng phải được quản lý bằng một hệ thống chuyên nghiệp. Cơ chế kiểm soát nội bộ phải được kiểm soát tốt hơn nữa để tránh những bê bối khác trong tương lai. Vì vậy, việc tuyển một COO dày dạn kinh nghiệm sẽ trấn an được các nhà đầu tư, mà phần lớn trong số họ vẫn luôn ủng hộ Kalanick.
Jason Calacanis, một nhà đầu tư tại Uber nhận định: “Một COO đẳng cấp thế giới sẽ san sẻ được gánh nặng cho Kalanick”.
Cuộc khủng hoảng tại Uber dường như đang gợi nhắc đến một câu ngạn ngữ khá quen thuộc với giới kinh doanh: “Thành công hôm nay, chưa chắc thành đạt ngày mai” (What got you here, won't get you there). Những sai lầm tưởng chừng như nhỏ, nếu không được quan tâm đúng mức, cũng có thể khiến một doanh nghiệp lớn “sảy chân”. Người lãnh đạo thông minh không thể chìm trong men say của thành công ban đầu, càng không thể làm ngơ trước từng vấn đề có thể gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, dù là nhỏ nhất.