CEO Phạm Duy Nghĩa: Khởi nghiệp để góp sức tạo ra những tập đoàn kinh tế khổng lồ

CEO Phạm Duy Nghĩa: Khởi nghiệp để góp sức tạo ra những tập đoàn kinh tế khổng lồ

0:00 / 0:00
0:00
Khởi nghiệp không đồng nghĩa là phải làm chủ. Hãy sử dụng trí tuệ của mình, góp sức tạo ra những tập đoàn kinh tế khổng lồ, giúp nền kinh tế đất nước vững mạnh, hùng cường.

Ngày đầu Đông, gió mang hơi lạnh nhè nhẹ, nắng vẫn rót những giọt vàng hanh hao, CEO Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa diện quần rằn ri, áo ghi-lê túi hộp đón tiếp các doanh nghiệp lữ hành và du khách tham dự Lễ ra mắt chùm 18 tour du lịch bằng xe đạp với sự mở màn là sản phẩm "Vgreen bike tours- Tinh hoa Tràng An", do Vietfoot Travel là đơn vị trực tiếp xây dựng, điều hành và phối hợp cùng Câu lạc bộ du lịch bền vững Vgreen - Hội lữ hành Hà Nội triển khai bán sản phẩm dưới thương hiệu chung: Vgreenbiketours.

Nụ cười rạng rỡ như bao lần, dường như Covid-19 chẳng hề khiến vị CEO 42 tuổi này thêm chút nếp nhăn hay nhành tóc bạc. Anh vẫn tươi vui, hoạt ngôn mà sâu sắc, đầy lạc quan mà chắc chắn và giàu sáng tạo.

“Sóng thần” Covid-19 càn quét suốt 2 năm khiến 95% doanh nghiệp lữ hành phải rời thị trường hoặc đóng cửa thì CEO Phạm Duy Nghĩa chẳng những mở thêm hai mảng nội địa và inbound (đón khách quốc tế đến Việt Nam) bên cạnh hoạt động chính của doanh nghiệp là outbound (đưa người Việt du lịch nước ngoài), mà còn xây dựng trụ sở chính khang trang cho Vietfoot Travel.

Với CEO Vietfoot Travel, Covid-19 mang đến khoảng lặng quý giá để vị doanh nhân hoàn thiện hệ sinh thái lữ hành, xây ngọn hải đăng định hướng đường dài cho doanh nghiệp vươn ra biển lớn.

“Thuyền trưởng” Phạm Duy Nghĩa bật mí, ở Vietfoot Travel, giá cả 4 sao, chất lượng luôn đạt 5 sao. Chính việc đặt khách hàng lên trên hết, không ngừng nỗ lực tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, an toàn, phù hợp với xu hướng mới đã làm nên thương hiệu, uy tín và giúp doanh nghiệp vượt qua mọi gian khó để ngày càng lớn mạnh.

“Cơn cuồng phong” Covid-19 càn quét suốt gần 2 năm đã giáng cú sốc kinh hoàng lên ngành kinh tế xanh toàn cầu. Du lịch Việt Nam không nằm ngoài “lốc xoáy” đó, nhưng thấy ông chẳng những không chút buồn rầu mà vẫn tươi vui, thậm chí còn trẻ ra?

Vietfoot Travel may mắn nằm trong số 5% doanh nghiệp lữ hành còn hoạt động, bởi sau 14 năm phát triển, trưởng thành Công ty đã tích lũy tài chính nhất định để xây dựng cho mình tòa nhà Lotus West Lake Building làm trụ sở văn phòng tại số 16, ngõ 71, phố Trịnh Công Sơn, Tây Hồ, Hà Nội.

Hiện tòa nhà này đang được Công ty cho người nước ngoài thuê và là thu nhập thực tế của cán bộ nhân viên Vietfoot Travel, bên cạnh nguồn thu từ việc triển khai dịch vụ đón khách Việt kiều hồi hương, khách chuyên gia nước ngoài làm đến việc tại Việt Nam.

Tòa nhà Lotus West Lake Building của Vietfoot Travel

Tòa nhà Lotus West Lake Building của Vietfoot Travel

Cùng với mảng lữ hành, Vietfoot Travel còn phát triển kế hoạch dài hạn với mảng xây dựng, hệ thống hóa lại tất cả sản phẩm outbound, làm lại toàn bộ trang web, thiết kế sản phẩm, chương trình, hệ thống hóa các đối tác tại các thị trường châu Âu, Mỹ, Úc, Nga, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc để triển khai ngay sau khi dịch bệnh được chống chế.

Bên cạnh đó, Công ty phát triển thêm mảng inbound và nội địa song song với mảng outbound. Từ khi Covid-19 ập đến, Vietfoot Travel đã chuyển sang kinh doanh nội địa và khá thành công.

Những nhân sự của Công ty rất năng động, chuyên nghiệp, vừa có thể kinh doanh du lịch nội địa, vừa đảm trách tốt mảng kinh doanh du lịch quốc tế và cả mảng outbound thế mạnh, cộng với quản lý bất động sản cho thuê.

Ồ! Có vẻ như cơn “đại hồng thủy” Covid-19 mang đến cho ông và Vietfoot Travel nhiều cơ hội hơn thách thức?

Dịch bệnh vẫn đang khiến cho ngành du lịch Việt Nam gần như “đóng băng”. Nhưng tôi phải nói lời cảm ơn đại dịch thế kỷ mang tên Covid-19, bởi đây chính là khoảng lặng giúp Vietfoot Travel nhận ra khiếm khuyết, cải tổ bộ máy, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch cả lữ hành và lưu trú cũng như xây “ngọn hải đăng” vững chắc, định hướng, chỉ đường cho Vietfoot Travel vượt mọi sóng to, gió lớn, ứng biến linh hoạt, thích ứng nhanh với hoàn cảnh, xu hướng để vươn ra biển lớn. (khẽ mỉm cười)

Tôi tin, những doanh nghiệp còn “sống sót” và chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình tiếp theo sẽ có nhiều lợi thế để bứt phá. Bởi, sau 2 năm bị dịch bệnh hoành hành, nhu cầu nghỉ dưỡng, khám phá của khách du lịch đang rất lớn. Lúc này, doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, doanh nghiệp đó sẽ có những bước phát triển vượt bậc.

Tôi cho rằng, nếu không phát triển một sinh thái kinh doanh thì sẽ không thể trường tồn và sẽ tự bị đào thải. Cuộc sống luôn luôn biến động và thay đổi, chúng ta không thể bất biến giữa dòng đời vạn biến. Doanh nghiệp nào theo được nhịp độ phát triển của thị trường, doanh nghiệp đó sẽ thành công, thậm chí vươn lên trở thành thương hiệu lớn mạnh khi cơ hội chín muồi và gặp thời.

Hoàn thiện hệ sinh thái lữ hành với cả ba thị trường khách du lịch inbound, outbound và nội địa ngay trong “tâm bão”, giữ được những nhân sự giàu kinh nghiệm, hẳn thế nên ngay khi Covid-19 lần 4 được kiểm soát tốt, Vietfoot Travel đã lập tức xây dựng và tung ra các bộ sản phẩm xanh, an toàn cho du khách?

(Mỉm cười và gật đầu). Nhờ sẵn sàng nhân sự, Vietfoot Travel đã phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước lên trên hết, theo vòng tròn khép kín “Home – Green – Home”. Tức là, tất cả mọi khâu phục, đón tiếp, di chuyển, tham quan đều đảm bảo an toàn, giãn cách, gần gũi thiên nhiên, văn hóa bản địa.

Đơn cử, với thị trường nội địa, ở cương vị ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ du lịch bền vững Vgreen (Hội Lữ hành Hà Nội), tôi đã dẫn dắt Vietfoot Travel xây dựng bộ 18 tour du lịch xe đạp “Vgreen Bike Tours” không chỉ trong địa bàn Hà Nội mà còn liên tỉnh, vừa được Câu lạc bộ du lịch bền vững Vgreen ra mắt ngày 20/11 để các thành viên trong CLB và các công ty du lịch có hứng thú cùng bán.

Thay vì ô tô đưa đến các địa điểm tham quan, du khách sẽ được đạp xe ngắm 36 phố phường, trải nghiệm những cung đường, địa danh nổi tiếng như: cầu Long biên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn, hồ Gươm…

Với các tỉnh, thành khác, du khách có thể trải nghiệm đạp xe cung đường từ Mai Châu (Hòa Bình) đi Pù Luông (Thanh Hóa), vượt đèo Mã Pì Lèng ở Hà Giang… Đặc biệt, tất cả đối tượng du khách từ người già, phụ nữ đến trẻ nhỏ đều có thể khám phá, trải nghiệm những cánh đồng, đồi núi tự nhiên, khám phá chiều sâu văn hóa, đời sống tinh thần của người dân bản địa bằng xe đạp thể thao và xe đạp trợ lực điện với sự hỗ trợ của các chuyên gia, hướng dẫn viên của Vietfoot Travel.

Cùng với đó, Vietfoot Travel còn phát triển dòng sản phẩm chia nhóm nhỏ đi Caravantours và Motortours bằng xe ô tô và xe máy tự lái, nhằm giảm tối đa tiếp xúc.

Với tour di chuyển bằng tàu hỏa, mỗi toa cũng giảm lượng khách để đảm bảo giãn cách, hướng đến du lịch xanh với các du khách xanh, cung đường xanh, điểm đến xanh.

Vietfoot Travel cũng đang phối hợp với Việt Nam Airlines và Bamboo Airways thuê nguyên chuyến bay (charter) đưa du khách đã tiêm hai mũi vaccine và test nhanh kết quả âm tính trước khi khởi hành đến Nha Trang, Đà Lạt, Mũi Né, Phú Quốc vào dịp Tết Dương lịch và Tết nguyên Đán.

Đó là những bộ sản phẩm khác biệt Vietfoot Travel tạo ra hoặc triển khai với mục tiêu định hướng tiêu dùng du lịch xanh trong bối cảnh sống chung với Covid-19.

Về thị trường quốc tế, chúng tôi đã làm việc với Câu lạc bộ golf Tokyo và Osaka (Nhật Bản) phối hợp thuê tàu bay charter đưa du khách Nhật Bản du lịch Việt Nam, tới hệ thống nghỉ dưỡng, golf khép kín của Vin Group, Sun Group, FLC, để tạo ra bộ sản phẩm trọn gói 5 ngày 4 đêm và 6 ngày 5 đêm.

Dự kiến, dịp Tết Dương lịch và tháng 3/2022, chúng tôi có thể đón du khách Nhật Bản và đưa du khách Việt Nam tới Nhật Bản ngắm hoa anh đào bằng những chuyến bay charter.

Đặc biệt, với thị trường outbound, Vietfoot Travel đã phối hợp với Canada Airlines và các đối tác ở Canada, chuẩn bị tổ chức Famtrip đến Bắc cực ngắm cực quang ngay khi có thể. Hiện Vietfoot đã có danh sách khách hàng đăng ký (với điều kiện khi trở về không phải cách ly). Đây là sản phẩm độc đáo, khác biệt, hấp dẫn trong thời gian tới.

Chúng tôi hi vọng khó khăn dần được tháo gỡ, hết quý II/2022, du lịch Việt Nam sẽ thực sự phục hồi với cả 3 mảng outbound, inbound và nội địa.

Hiện, Vietfoot Travel đã sẵn sàng hồi sinh và bứt phá mạnh mẽ!

Lúc nào cũng thấy ông tươi vui, dư nhiệt huyết, thừa sáng tạo, hẳn ông có đam mê và tình yêu đặc biệt với nghề du lịch?

(Đặt tay lên lồng ngực). Tất nhiên rồi! nghề du lịch là một nghề hạnh phúc và mang tới cho tôi nhiều thứ quý giá. Du lịch đã mang đến cho tôi một cuộc sống đủ đầy, ý nghĩa.

Mỗi khi đưa du khách ra nước ngoài, tôi lại được cùng họ trải nghiệm đặc trưng văn hóa của những miền đất mới. Nào là thưởng thức pizza đích thực của Italy, nào là mì Ramen của Nhật Bản, hay hương vị tuyệt hảo của rượu vang nho Pháp…

Tất cả đều là những kỷ niệm, xúc cảm khó quên trong cuộc đời. Tôi yêu cuộc sống này, yêu khách hàng, yêu đồng nghiệp như những người ruột thịt trong gia đình mình.

Cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghề hạnh phúc?

Tôi yêu lịch sử Việt Nam và thế giới, thích du lịch, khám phá, thăm thú những miền đất mới từ nhỏ nên thi vào Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và đạt số điểm môn lịch sử cao nhất Trường. Ngay từ năm đầu tiên, tôi đã may mắn được xếp vào nhóm sinh viên xuất sắc nhất của Khoa du lịch học và được cử đi học lớp đào tạo tiếng Nhật do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Là người khá năng động, sang năm thứ hai tôi đã thi đậu vào Khoa Tiếng Anh và song song học tại Trường Đại học Ngoại ngữ. Năm thứ ba thì đi làm thêm cho các công ty du lịch ở khu phố cổ. Tình yêu nghề du lịch qua những công việc, trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế càng thấm đẫm và lớn lao.

Đặc biệt, 3 tháng trước khi tốt nghiệp đại học, tôi được tuyển vào Nghitamtours, một công ty du lịch có thế mạnh về du lịch outbound. Từ một hướng dẫn viên, rồi Trưởng phòng kinh doanh, tôi đã trở thành cánh tay chủ lực của Ban giám đốc công ty.

Chính môi trường làm việc năng động cũng như những kiến thức, kinh nghiệm quản lý, điều hành suốt 7 năm ở Nghitamtours là nền tảng vững chắc giúp tôi tự tin thành lập Vietfoot Travel vào năm 2007, với mảng outbound.

Những ngày đầu khởi nghiệp, ông đã làm thế nào để dẫn dắt Vietfoot Travel từ một doanh nghiệp tí hon trở nên nổi bật như hiện nay?

Với kinh nghiệm làm outbound nhiều năm, ban đầu, tôi hướng Vietfoot Travel khai thác mạnh mảng khách Hàn Quốc, đạt đến mức được Đại sứ quán Hàn Quốc giao cho quyền ký bảo lãnh visa. Sau đó, Công ty phát triển thị trường Nhật Bản và cũng được Đại sứ quán Nhật giao cho quyền ký bảo lãnh visa Nhật.

Những năm gần đây, Vietfoot Travel làm thị trường châu Âu, được Đại sứ quán Pháp giao cho quyền ký bảo lãnh visa từ năm 2015. Đặc biệt, Đại sứ quán Cộng hòa Séc giao quyền ký bảo lãnh duy nhất ở Việt Nam từ năm 2019.

Bên cạnh khách hàng do công ty khai thác được, mỗi năm, Vietfoot Travel còn tổ chức cho hàng chục ngàn du khách Việt Nam của nhiều doanh nghiệp khác sang nước ngoài. Đó chính là sự khác biệt của Vietfoot Travel so với các hãng lữ hành khác.

Trước khi Covid-19 ập đến, Vietfoot Travel phát triển mạnh mảng outbound ở 3 thị trường: Nhật, Hàn, châu Âu, các thị trường khác như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Nam Mỹ, vương quốc Anh, Nga cũng được Công ty chú trọng với những dòng sản phẩm cao cấp.

Bí quyết duy nhất của tôi và Vietfoot Travel luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Công ty đã làm việc với các hãng hàng không, đối tác nước ngoài ôm hàng ngàn vé máy bay, phòng khách sạn, trước cả năm trời nên giá cả luôn được mức tốt nhất.

100% du khách tham gia tour do Vietfoot Travel tổ chức đều hài lòng và tiếp tục đặt dịch vụ khi có nhu cầu. Nhiều người còn giới thiệu người thân, bạn bè, công ty, cơ quan đặt dịch vụ của Vietfoot Travel. Bởi, chúng tôi luôn mang đến cho các “thượng đế” của mình những giá trị vượt trội so với giá thành cũng như giới thiệu tour ban đầu.

Với Vietfoot Travel, giá cả 4 sao, chất lượng luôn đạt 5. Chính việc đặt khách hàng lên trên hết, không ngừng nỗ lực tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, an toàn, phù hợp với xu hướng mới đã làm nên thương hiệu, uy tín và giúp doanh nghiệp vượt qua mọi gian khó để ngày càng lớn mạnh.

Tôi luôn khát khao đưa Vietfoot Travel trở thành tập đoàn du lịch mạnh với đầy đủ hệ sinh thái từ lữ hành, lưu trú, vận chuyển, nhà hàng đến dịch vụ vui chơi, giải trí đẳng cấp. Bởi, doanh nghiệp mạnh sẽ đóng góp cho xã hội lớn hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của điểm đến, nâng tầm vị thế quốc gia về mọi mặt thông qua kinh tế.

Doanh nghiệp được coi là xương sống của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam hiện rất quan tâm đến phong trào Quốc gia khởi nghiệp”, ông đánh giá thế nào về phong trào này?

(Ánh mắt trầm tư). Trước tiên, tôi muốn nói đến tinh thần khởi nghiệp của người Việt Nam. Tôi nhận thấy, người Việt ai cũng mong muốn và khát khao được làm chủ, ít người thích làm nhân viên. Thế nên, vô hình chung, tinh thần khởi nghiệp của người Việt rất cao.

Tuy nhiên, Việt Nam có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng bởi tâm lý thích làm chủ, không thích làm thuê và không tạo ra được những doanh nghiệp lớn.

Theo quan sát của tôi, dù Chính phủ rất quan tâm đến phong trào “Quốc gia khởi nghiệp”, song hiện nay đa số các công ty khởi nghiệp, các sự án start-up đều mang tính chất tự phát, theo phong trào.

Thậm chí, ngay cả một chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp cũng mang tính làm theo phong trào, 80% dự án chết yểu, chỉ hoành tráng lúc lên sóng. Kể cả người thực hiện dự án lẫn người có ý định đầu tư đều chưa thực sự tâm huyết, không đủ năng lực.

Quan điểm của tôi là tư duy của người Việt Nam cần phải thay đổi. Nếu như không đủ tiềm lực, thiên thời địa lợi, nhân hòa để làm chủ thì hãy đi làm thuê trước để tích lũy nguồn lực.

Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là ngành giáo dục định hướng cho các bạn trẻ tư duy về khởi nghiệp. Khởi nghiệp là tạo một sự nghiệp. Trở thành một kỹ sư giỏi là đã tạo được sự nghiệp chứ không phải khởi nghiệp bằng cách mở một doanh nghiệp nhỏ rồi trở thành ông chủ tồi, khiến doanh nghiệp phá sản, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần.

Tại sao những người trẻ có khát vọng, có tri thức không liên kết, hợp tác cùng nhau khởi tạo một sự nghiệp lớn mà cứ lao vào xây dựng những doanh nghiệp bé xíu rồi chẳng đi được tới đâu? Tôi mong điều này phải được đưa vào giáo dục cho giới trẻ ngay trong trường học, từ cấp Trung học Phổ thông.

Ngành giáo dục dường như đang quá coi trọng việc đào tạo những ông chủ biết quản trị kinh doanh, chạy đua bằng cấp hơn là những người thợ giỏi. Trong khi, không có thợ giỏi, thì chẳng ông chủ nào thành công, phát triển được.

Đừng khởi nghiệp bằng mơ mộng, hãy khởi nghiệp bằng lý trí. Bởi, một người có năng lực hoàn toàn có thể trở thành nhân viên, lãnh đạo trong các tập đoàn lớn và có mức thu nhập “khủng” cũng với thời gian, công sức như thế mà không cần đầu tư khoản kinh phí nào.

Những tập đoàn lớn sẽ tạo ra bộ mặt của nền kinh tế khang trang hơn, hiện đại hơn, đẳng cấp hơn. Đơn cử với ngành du lịch Việt Nam, nếu như không có những tập đoàn đa lĩnh vực như Vin Group, Sun Group hay FLC thì 10 năm gần đây, ngành kinh tế xanh của chúng ta khó có thể thăng hạng trên đấu trường quốc tế, và có lẽ cũng chẳng dám mơ tới những cơn mưa giải thưởng được thế giới vinh danh như vài năm gần đây.

Tôi chỉ muốn gửi tới các bạn trẻ một thông điệp: “Khởi nghiệp không đồng nghĩa là phải làm chủ. Hãy sử dụng trí tuệ của mình, góp sức tạo ra những tập đoàn kinh tế khổng lồ, giúp nền kinh tế đất nước vững mạnh, hùng cường, không gì đánh đổ và không bao giờ bị quật ngã.

Tin bài liên quan