Thị trường chứng khoán Việt Nam cần nhiều hơn những định chế, nhà đầu tư tổ chức.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cần nhiều hơn những định chế, nhà đầu tư tổ chức.

CEO Passion Investment: Hướng dòng tiền vào đầu tư dài hạn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán bứt phá mạnh mẽ trong năm qua đã mang lại cơ hội sinh lời cho nhiều nhà đầu tư, song đó không hẳn là con đường trải toàn hoa hồng. Nhân dịp Tết Nhâm Dần, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment chia sẻ trải nghiệm cũng như kinh nghiệm đầu tư của mình.

Ông nhìn nhận ra sao về làn sóng thứ 2 của thị trường với sự chủ động gia nhập của nhà đầu tư trong nước?

Năm 2021, dòng tiền chảy rất mạnh vào thị trường chứng khoán, với sự tham gia sôi động của nhà đầu tư mới, đã giúp thị trường đạt mục tiêu lan tỏa tới số đông. Đây là cơ sở để thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển với chức năng là kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế và dần thay thế vai trò phân bổ vốn dài hạn cho ngân hàng thương mại.

Song, mặt trái là nhiều nhà đầu tư chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường tài chính - chứng khoán nói chung và hoạt động đầu tư chứng khoán nói riêng, nên có xu hướng lao theo các trào lưu đầu cơ vốn chứa đựng nhiều rủi ro. Cũng vì lý do này mà dòng tiền vào thị trường đôi khi còn chưa được phân bổ đúng vào những doanh nghiệp tốt - là những doanh nghiệp tạo giá trị cho nền kinh tế và nhà đầu tư trong dài hạn.

Làn sóng đầu tư vào thị trường chứng khoán với sự chủ động gia nhập của nhà đầu tư trong nước kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra vô cùng mạnh mẽ, điều mà ngay cả những thành viên lâu năm nhất cũng không thể tưởng tượng ra. Tuy nhiên, đặc điểm của nhà đầu tư cá nhân là vào nhanh, ra cũng ra nhanh, họ xuống tiền mạnh mẽ bao nhiêu thì xả hàng cũng quyết liệt bấy nhiêu.

Dù vậy, sau giai đoạn này, rất nhiều nhà đầu tư đã biết đến chứng khoán và có một trải nghiệm cần thiết để dần dần hình thành suy nghĩ xem đầu tư chứng khoán là một kênh đầu tư tài sản.

Thực tế, sau mỗi một giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ của thị trường chứng khoán với số đông nhà đầu tư cá nhân sẽ là một giai đoạn đổ vỡ, đào thải nhà đầu tư. Số đông nhà đầu tư mất tiền sẽ rời bỏ cuộc chơi, một số ít nhà đầu tư trưởng thành và trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, hoặc sẽ không tự đầu tư chủ động mà phân bổ tài sản vào thị trường thông qua các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Trong một cuộc trao đổi gần đây với lãnh đạo các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, báo giới có để ý đến một ý kiến rằng, sẽ chẳng có cách nào giáo dục nhà đầu tư tốt hơn là việc họ phải trải qua các bài học thực tế thương đau về thua lỗ. Ông nghĩ sao về điều này và chúng ta có thể làm gì để chứng khoán trở thành kênh đầu tư thực sự, giảm thiểu tối đa yếu tố “đỏ đen”?

Muốn chứng khoán thực sự trở thành kênh đầu tư, mang lại lợi nhuận ổn định trong dài hạn cho nhà đầu tư thì yếu tố tiên quyết là cần phải có nhiều định chế, nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường, định hình và hướng dòng tiền vào đầu tư dài hạn, vì chức năng của thị trường chứng khoán là kênh dẫn vốn dài hạn của nền kinh tế.

Các nhà đầu tư tổ chức sẽ đầu tư vào các công ty tạo ra lợi nhuận, tạo ra cổ tức cho nhà đầu tư trong thời hạn dài và họ tập trung vào lợi nhuận các công ty tạo ra, dòng tiền các công ty trả cho nhà đầu tư, hơn là tập trung vào việc tăng giá cổ phiếu.

Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân muốn kiếm tiền nhanh, nên thường tập trung vào việc tăng giá cổ phiếu trong ngắn hạn, dẫn tới ưa chuộng các cổ phiếu có tính đầu cơ cao, giá cổ phiếu biến động lớn trong thời gian ngắn.

Việc tạo điều kiện để các nhà đầu tư tổ chức ngày càng tham gia đông vào thị trường sẽ giúp thị trường chứng khoán hướng dần tới mục tiêu là kênh đầu tư cho tất cả mọi người.

Ông và các cộng sự đã có nhiều trải nghiệm cũng như kinh nghiệm trên thị trường. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc của Báo Đầu tư Chứng khoán về một trải nghiệm tốt và một trải nghiệm xấu mà ông ấn tượng nhất, để từ đó rút ra được bài học trên hành trình đầu tư?

Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment.
Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment.

Tôi sẽ chia sẻ trải nghiệm xấu trước, đó là với cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Vào năm 2018, ngân hàng này có triển vọng rất tích cực với hoạt động kinh doanh tăng trưởng vượt bậc và khi đó, mức giá cổ phiếu VPB tôi mua vào khá cao, với P/E quanh khoảng 10 lần và P/B khoảng 3 lần.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán năm đó giảm mạnh, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng cũng không như kỳ vọng, dẫn tới thị giá cổ phiếu VPB giảm sâu và kết quả là tôi bị lỗ khoảng 20% so với giá mua bình quân ban đầu.

Kinh nghiệm rút ra với trường hợp VPB là diễn biến thị trường rất quan trọng, khi thị trường chung sụt giảm mạnh thì rất hiếm cổ phiếu có thể đi ngược thị trường.

Với một công ty tốt, nếu mua cổ phiếu ở mức giá chưa đủ an toàn thì vẫn có thể lỗ trong ngắn hạn, còn nếu mua ở mức giá quá cao thì sẽ phải đợi đến khi giá trị thực của công ty tăng lên.

Dù vậy, việc nắm giữ dài hạn một cổ phiếu tốt thì không lo lỗ, bởi trước sau gì giá cổ phiếu cũng sẽ tăng vì giá trị thực của các công ty tốt sẽ tăng dần theo thời gian.

Còn trải nghiệm tốt là với cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Năm 2015, khi PNJ phải trích lập do lỗ đầu tư tài chính, dẫn tới lợi nhuận sụt giảm mạnh, thị giá cổ phiếu cũng giảm sâu.

Thời điểm cuối 2015, đầu 2016, tôi đã đầu tư khá nhiều vào PNJ khi nhận thấy hoạt động kinh doanh của PNJ có sự cải thiện rõ nét, vấn đề xấu về tài chính chỉ xảy trong ngắn hạn và tác động vào kết quả kinh doanh năm 2015, còn về dài hạn thì lợi nhuận chắc chắn sẽ phục hồi và đi lên.

Tôi đã thành công với cổ phiếu PNJ do đầu tư vào công ty tốt ở mức giá rẻ, khi mà công ty gặp khó khăn ngắn hạn. Trong năm 2016, khi khó khăn qua đi, giá cổ phiếu PNJ đã tăng gấp 3 lần.

Từ 2 ví dụ này có thể rút ra bài học là khi giá cổ phiếu giảm thì rủi ro giảm đi chứ không tăng lên và ngược lại. Do đó, khi đầu tư, nên lựa chọn cổ phiếu có mức giá thấp để mua sẽ an toàn hơn và có mức độ upside cao hơn. Trường hợp mua cổ phiếu khi đã tăng nhiều, nếu phán đoán đúng cơ hội có lợi nhuận vẫn còn song không nhiều, nhưng nếu phán đoán sai thì thiệt hại sẽ rất lớn.

Tương tự, khi mua cổ phiếu đã giảm mạnh, cho dù phán đoán sai thì thua lỗ cũng không quá nhiều, còn nếu phán đoán đúng thì lợi nhuận sẽ rất lớn.

Tất nhiên, đầu tư ở đây là nói về việc đầu tư vào các công ty tốt, có hoạt động kinh doanh thực và có một giá trị nhất định, chứ không phải là các công ty tệ, không có một chút giá trị nào đằng sau cổ phiếu. Các công ty được “bơm thổi” thường không có giá trị thực tế, nên ngay cả khi giá cổ phiếu giảm mạnh thì việc mua vào vẫn đối mặt với khả năng thua lỗ lớn.

Chúng tôi được kể những câu chuyện rằng, khi làn sóng đầu cơ tăng mạnh, có không ít tổ chức đầu tư cũng bị lạc lối. Passion Investment đã có năm 2021 thành công khi tỷ suất lợi nhuận tăng 2,5 lần so với tăng trưởng của thị trường, cũng là năm thứ 5 liên tiếp Quỹ duy trì được tỷ suất lợi nhuận cao hơn chỉ số VN-Index. Ông có thể chia sẻ bí quyết giữ lợi nhuận tăng trưởng ổn định như vậy?

Để có thể duy trì tỷ suất lợi nhuận cao và ổn định, theo tôi, yếu tố tiên quyết là lựa chọn phương pháp, cách thức tiếp cận phù hợp.

Thực tế, có nhiều phương pháp/trường phái đầu tư và mỗi một phương pháp/trường phái sẽ phù hợp với một/một số nhóm nhà đầu tư nhất định, cho nên nhà đầu tư cần lựa chọn phương pháp phù hợp với thế mạnh của mình và kiên định với lựa chọn đó.

Với Passion Investment, phương pháp chúng tôi lựa chọn là đầu tư giá trị dựa trên nền tảng thực tế của doanh nghiệp, bởi thế mạnh của chúng tôi là nghiên cứu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc liên tục duy trì sự tập trung trong đầu tư cũng rất quan trọng, vì thị trường ngày càng biến động rất nhanh và để duy trì được sự tập trung cao độ trong một khoảng thời gian dài, sự chuyên nghiệp và đam mê là rất cần thiết.

Tóm lại, để duy trì “phong độ” cao, bên cạnh thái độ chuyên nghiệp, chăm chỉ làm việc, thì bạn phải kiên định với thế mạnh của mình.

Tin bài liên quan