CEO MF Global: Sai lầm đến từ vầng hào quang

CEO MF Global: Sai lầm đến từ vầng hào quang

(ĐTCK-online) Đệ đơn xin phá sản hôm thứ Hai vừa rồi, hãng môi giới đầu tư MF Global hiện là nạn nhân Mỹ lớn nhất của khủng hoảng nợ công châu Âu đang diễn ra. Sự sụp đổ này được cho là bắt nguồn từ người đứng đầu MF Global, John Corzine, người đã từng điều hành Goldman Sachs.

Với lý lịch làm việc suốt gần 25 năm trời cho Goldman Sachs và đã từng giữ vị trí quan trọng trong ban quản trị, Corzine được xem như một nhà đầu tư thông minh, xông xáo với bảng dài thành tích các phi vụ đầu tư thành công. Ông cũng là một chính trị gia có tiếng với cả một thập kỷ lăn lộn trên chính trường trên cương vị thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ kiêm Thống đốc bang New Jersey . Vào thời điểm Corzine nắm MF Global một năm về trước, ông đã luôn nói rằng, ông muốn biến MF Global của mình thành một "tiểu Goldman".

Ở phố Wall, việc đã từng là người của Goldman từ lâu đã được coi như một điều đáng ngưỡng mộ. "Những người này bước đi với vầng hào quang xung quanh họ. Nhiều câu chuyện đã được thêu dệt nên ở phố Wall. Không nơi nào, những câu chuyện thêu dệt lại nhiều như ở Goldman", William Cohan, tác giả của cuốn "Tiền và quyền, làm thế nào Goldman Sachs thống trị thế giới" nói về lịch sử và văn hóa của tập đoàn tài chính nổi tiếng Goldman Sachs, phát biểu trong một buổi phỏng vấn. Câu chuyện của Corzine thực sự là một bài học đắt giá cho những nhân vật xuất sắc bước ra từ "lò đào tạo" Goldman. Sai lầm của Corzine gây ra cho MF Global nằm ở việc ông đã đánh cược quá lớn vào các công cụ nợ quốc gia châu Âu, trong đó nhiều khoản do chỉ cá nhân ông quyết. Các khoản đòn bẩy quá lớn chi cho các khoản đầu tư rủi ro đã đẩy tập đoàn xuống vực thẳm.

Theo báo cáo tài chính cuối tháng 6 vừa rồi, MF Global ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 44,4 tỷ USD, trong khi Hãng chỉ có 1,4 tỷ USD vốn chủ sở hữu. Số đòn bẩy này đủ khiến các hãng đánh giá tín nhiệm phải hốt hoảng hạ bậc MF Global, và do đó các đối tác cũng ngừng các giao dịch với Hãng.

Thực ra, những khoản đầu tư của Corzine có thể đúng. Rất nhiều trái phiếu Italy và Tây Ban Nha mà Corzine đã mua sẽ đáo hạn vào năm 2012 và vẫn đang được giao dịch ở thị giá rất cao so với mệnh giá. Nhưng các khoản đầu tư của Corzine luôn dựa trên một giả định là Ngân hàng Trung ương châu Âu cùng với Liên minh châu Âu sẽ tìm ra cách để tự cứu mình, trong khi còn quá nhiều nghi ngại xung quanh vấn đề này. Hơn thế nữa, các khoản đầu tư ấy lại lấy nguồn từ các khoản tiền ngắn hạn, điều đó đã khiến các đối tác của MF Global tháo chạy.

Nói về chiến lược sai lầm của Corzine, người ta nói rằng, nếu còn ở Goldman Sachs ông có thể đã không liều lĩnh đến vậy.

"Có một điều Goldman thực sự đã làm rất tốt - tốt hơn mọi hãng khác - đó là cơ chế giải trình và tuân thủ trong nội bộ", Cohan nhận xét. Kiểm soát rủi ro là một yếu tố quan trọng ở Goldman. Đồng thời với việc khuyến khích tính mạo hiểm trong các thương vụ, Goldman cũng trao quyền cho các nhà quản trị rủi ro để kiềm chế ngay cả những lãnh đạo cao nhất không để họ đi quá giới hạn. Lloyd Blankfein, giám đốc điều hành đương nhiệm của Goldman, rất thích nói với mọi người về chủ trương của ông là dành "98% thời gian để suy nghĩ về 2% khả năng xảy ra của mỗi sự việc".

Còn với MF Global, Corzine là chủ tịch và là giám đốc điều hành. Những người duy nhất có thể có quyền kiểm soát với ông là ban quản trị. Và có thể, vầng hào quang của Goldman đã khiến những người này quên mất nhiệm vụ của họ. "Ai là người có thể chống lại Jon Corzine? Không ai. Họ không có khái niệm hay sự đồng thuận về việc đó", Cohan nhận xét. Không chỉ riêng Corzine, một loạt các nhân vật khác bước ra từ Goldman Sachs cũng đang khiến người ta nghi ngại về "vầng hào quang" mà những người này mang theo khi bước ra thương trường khởi nghiệp cho riêng mình.

Robert Rubin, nguyên là đồng chủ tịch của Goldman, khi vào làm ở Citigroup với vai trò cố vấn cao cấp và thành viên hội đồng quản trị vào năm 1999 đã tư vấn cho Citigroup rằng hãng nên mạo hiểm hơn. Citigroup dưới nhiệm kỳ của ông đã mất hơn 70% giá trị khiến chính phủ đã phải hai lần ra tay cứu trợ. John Thain, nguyên là giám đốc tài chính của Goldman, vào làm ở Merrill Lynch và bị sa thải sau khi ông không thể xoay sở với các khoản lỗ khổng lồ của Hãng.

Cũng tương tự như vậy, Flowers, một trong các cựu lãnh đạo Goldman, bắt đầu sự nghiệp của riêng mình vào năm 1998. Sau phi vụ đầu tư mạo hiểm đầu tiên thu về hơn một tỷ USD lợi nhuận, các khoản đầu tư tiếp theo của ông trở nên lãi lỗ bất thường. Quỹ đầu tư gần đây nhất của ông cũng đã lỗ mất 4 tỷ USD.

Điều thú vị là Corzine lại là bạn thân của Flowers, đồng thời là một đối tác và là nhà đầu tư cho Hãng của Flowers. Flowers, ngược lại, lại cũng là một nhà đầu tư của MF Global và quỹ của ông cũng sẽ lỗ 48 triệu USD do sự phá sản của MF. Điều đó khiến người ta suy nghĩ: họ dường như thật lẻ loi khi không có hệ thống quản trị rủi ro của Goldman Sachs.    Hải Linh (Theo báo chí nước ngoài)