Cuộc trò chuyện với Lưu Minh Tiến đã dẫn dắt người viết đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành tự động hóa, Lưu Minh Tiến có nhiều cơ hội công việc tốt, đúng sở trường, mức lương so với bạn bè cùng trang lứa thời ấy cũng khá cao. Nhưng rồi một ngày, anh quyết định dừng lại để tìm kiếm và thử sức với hoạt động kinh doanh riêng.

Bước ngoặt thực sự diễn ra sau khi anh tích cực tham dự các hội thảo về năng lượng tái tạo do các tổ chức quốc tế như GIZ, USAID tổ chức.

Tình cờ anh gặp được đối tác Cenergy Power USA, đơn vị nằm trong Top 10 nhà thầu EPC về năng lượng mặt trời lớn nhất của Mỹ và được tư vấn về công nghệ, chiến lược, định hình phát triển doanh nghiệp, xu hướng phát triển cũng như những khó khăn thách thức khi hoạt động trong lĩnh vực này. Từ đó, anh có thêm tự tin thành lập công ty. Và năm 2015, Solar Electric Việt Nam chính thức ra đời.

Ý tưởng hay, nhưng khi bắt tay vào thực tế thì lại vấp phải vô vàn khó khăn. Anh Tiến cho hay, ba năm trước, thời điểm Solar Electric Việt Nam được thành lập, chưa có nhiều người quan tâm đến việc sử dụng năng lượng mặt trời.

Người dân, đặc biệt là người miền Bắc vẫn giữ suy nghĩ năng lượng mặt trời không có hiệu quả vì có mùa đông, hay như chỉ nắm bắt công nghệ cũ về năng lượng mặt trời là phải tích điện vào ban ngày để dùng ban đêm, hoặc như chỉ phù hợp cho vùng sâu vùng xa những nơi chưa có lưới điện…

Các cơ quan, công sở, nhà máy, tòa nhà lớn cũng chưa quan tâm đến việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời. Vì vậy, doanh nghiệp lập ra nhưng không có khách hàng.

Sau những ngày “chạy đôn chạy đáo khắp nơi” tìm nguồn việc, anh Tiến và các cộng sự cũng có được hợp đồng đầu tiên.

“Tháng 7/2015, chúng tôi có hợp đồng đầu tiên là cung cấp giải pháp tối ưu về hệ thống năng lượng mặt trời cho một tòa nhà. Tôi vỡ òa trong cảm xúc vui mừng, nhưng ngay sau phút vui ấy nỗi lo lại ùa về. Khách đồng ý ký kết hợp đồng 2,6 tỷ đồng, vượt khả năng có thể làm được của Công ty lúc đó là 10 lần”, anh Tiến nhớ lại.

Làm thế nào để có vốn thực hiện hợp đồng? Doanh nghiệp mới thành lập rất khó vay vốn, nếu vay được cũng phải chịu lãi suất cao, làm sao còn lãi? Rồi làm thế nào để mở được bảo lãnh thực hiện hợp đồng? Nhân lực triển khai dự án ở đâu, khi anh em trong Công ty chưa có kiến thức thực tế?… Bao câu hỏi quay mòng mòng trong đầu anh Tiến khi đó.

Và anh đã từ từ tìm lời giải cho từng bài toán. Xác định nếu thành công với hợp đồng này, SEV sẽ gây dựng được uy tín trên thị trường, tạo đà cho những thành công về sau, anh quyết tâm làm thật tốt dù lợi nhuận có thể không nhiều.

Về kỹ thuật, anh ký hợp đồng tư vấn với Cenergy Power để thiết kế chi tiết hệ thống theo đúng tiêu chuẩn Mỹ. Anh đã thế chấp sổ đỏ ngôi nhà của mình để có vốn thi công. Về nhân lực triển khai, anh may mắn được đối tác quen từ trước hỗ trợ. SEV đã bắt tay vào làm hợp đồng đầu tiên với một quyết tâm cao độ, làm tốt nhất những gì mình có thể, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Và rồi may mắn đã mỉm cười với Tiến, dự án đầu tiên thành công đã trở thành tiền đề để Công ty có những hợp đồng mới. SEV liên tiếp trúng thầu xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời tại dự án Ecolife Tây Hồ, Tháp Thủ Đô Xanh, Vịnh Hạ Long, IDC Tiên Sơn, Ecohome Phúc Lợi, Nhà máy May MXP Thái Bình… Mới đây, SEV được chọn là đối tác triển khai dự án năng lượng mặt trời tại nhà máy ABB Bắc Ninh – một tập đoàn đa quốc gia với những yêu cầu tiêu chuẩn rất cao.

Năm 2017, chỉ sau hai năm thành lập, SEV đã thực sự tìm được chỗ đứng tại thị trường Việt Nam. Dù tuổi đời doanh nghiệp còn non trẻ, SEV đã được nhiều đối tác lớn đến từ Nhật Bản, EU, USA thảo luận về vấn đề hợp tác trong thời gian tới. CEO SEV cho biết: “Chúng tôi đã đi đúng hướng. Nhu cầu về năng lượng của Việt Nam tăng trung bình 6 - 7% hàng năm, các công việc liên quan tới năng lượng luôn có chỗ đứng trong thị trường, bởi nó là cái gốc của sự phát triển”.

Theo anh Tiến, điện năng lượng mặt trời đã phát triển rất mạnh ở các nước phát triển như Đức, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha… và đang trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu. Việt Nam chắc chắn cũng không nằm ngoài xu hướng đó, nên SEV sẽ còn nhiều “đất” để phát triển. Vấn đề làm sao phải thực sự là một doanh nghiệp phát triển bền vững và uy tín trên thị trường.

SEV vừa trở thành nhà phân phối đầu tiên và duy nhất của Tập đoàn ABB tại Việt Nam về thiết bị chuyển đổi điện mặt trời tính đến thời điểm này; đồng thời đang là nhà phân phối của REC Solar, Canadian Solar, nhóm các nhà sản xuất hàng đầu thế giới (TIER 1) về tấm pin năng lượng mặt trời. SEV cũng ký các thỏa thuận nguyên tắc với Cenergy Power, Univergy,..

Tất nhiên, việc thuyết phục được các đối tác lớn hợp tác với mình là cả một hành trình, chứ không hẳn qua một hai buổi tiếp xúc, anh khẳng định. Trong quá trình đó, SEV luôn thể hiện là doanh nghiệp đặt uy tín lên hàng đầu và giữ thái độ tích cực. Hiện diện cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng của SEV trong tất cả các buổi gặp gỡ, tọa đàm có liên quan tới lĩnh vực này.

Tháng 10/2017, SEV đã tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Giải pháp năng lượng mặt trời cho tăng trưởng xanh” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn của Việt Nam, gây được tiếng vang trong cộng đồng.

Anh Tiến tiết lộ, anh đã chủ động tiếp cận các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo khi họ có ý định mở rộng thị trường tại Việt Nam; đồng thời chấp nhận tốn kém để ra nước ngoài thăm quan nhà máy sản xuất, gặp gỡ các nhà sản xuất với mong muốn trở thành đối tác chiến lược của họ.

Từ khởi đầu con số 0 tròn trĩnh, SEV đã có doanh thu tốt trong năm 2017 và dự kiến đạt 100 tỷ đồng trong năm 2018. Con số này sẽ tăng gấp 5 lần vào năm 2020.

Hiện tại, các dự án về năng lượng mặt trời có quy mô từ 50 - 1.000 kWp Solar Electric Việt Nam đều làm chủ được công nghệ và thực hiện trọn gói cho khách hàng.

Cùng với việc xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời tại các tòa nhà, nhà máy, Solar Electric Việt Nam đang có mục tiêu hướng tới các khu công nghiệp, sử dụng mặt mái đang để không để xây dựng hệ thống năng lượng mặt trời, tạo ra điện sử dụng trực tiếp cho nhà máy; đồng thời giảm nhiệt độ từ trên mái hấp thụ xuống.

Sau những nhọc nhằn thuở lập nghiệp, Lưu Minh Tiến và SEV đang có con đường đi nhiều thuận lợi khi hội tụ được nhiều yếu tố về kỹ thuật, kinh nghiệm, năng lực quản lý để vươn xa hơn trên hành trình tạo dòng điện từ nguồn năng lượng xanh.