CEO Huy Phạm và cuộc dấn thân, trưởng thành cùng gỗ

CEO Huy Phạm và cuộc dấn thân, trưởng thành cùng gỗ

0:00 / 0:00
0:00
Kiến trúc sư Phạm Thanh Huy (Huy Phạm), sáng lập kiêm CEO 282 Design có niềm đam mê đặc biệt với gỗ, đến độ “thấy gỗ có tính cách tựa con người”.

Bước vào không gian 282Workshop (156 Phú Viên, Long Biên, Hà Nội), nhiều người sẽ ngỡ như đang lạc vào một quán cà phê vườn, một khu triển lãm gỗ hay một resort cao cấp nào đó.

Ít tai biết rằng, nơi đây được cải tạo từ nhà máy sản xuất mũ cối của một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang để lại. Các hạng mục đều sử dụng vật liệu tái chế. Qua bàn tay “phù thủy” của các kiến trúc sư 282 Design, những vật vô tri, vô giác, thậm chí là rác thải cũng trở nên độc đáo, khác lạ, và rất có hồn.

Kiến trúc sư, CEO Huy Phạm cho hay, ban đầu, 282 Design tiếp quản lại khu đất mục đích cải tạo làm xưởng sản xuất đồ gỗ, không gian xoay quanh một khoảng trống tạo sự thoải mái khi làm việc cho người công nhân và không gây tác động xấu đến môi trường xung quanh.

Sau 12 năm sử dụng, năm 2020 nhà máy gỗ 282Factory chuyển vào khu công nghiệp Bắc Đồng Hới (Quảng Bình). 282 Design được “phù phép” trở thành 282Workshop, một không gian sáng tạo đúng nghĩa, nhằm tạo sân chơi dành cho các hoạt động thiết kế, thể thao, triển lãm kết hợp sản xuất nhẹ, khuyến khích con người sống lành mạnh và giao tiếp với nhau nhiều hơn.

Với cách ngăn chia không gian linh hoạt, 282Workshop cung cấp không gian nền tảng để các bạn trẻ, người sáng tạo đến có thể tự tùy biến những không gian của mình, tùy vào mục đích sử dụng và không giới hạn cho sự sáng tạo.

Nói các khác, 282Workshop với chức năng đa dạng có thể kết hợp nhiều mô hình hoạt động cộng đồng khác nhau. Người công nhân, nhân viên có thể chơi thể thao, tán gẫu sau những giờ làm việc. Các bạn học sinh, sinh viên có nơi để thực hành bên ngoài những giờ học lý thuyết trên trường. Trẻ em có thể leo trèo, chạy nhảy và tách mình ra khỏi các thiết bị giải trí điện tử. Người sáng tạo có không gian để tổ chức sự kiện, giao lưu và kết nối.

Dù mới đi vào hoạt động năm 2020, nhưng 282 Design đã trở thành nơi ươm mầm, thực hành sáng tạo, một điểm hẹn của giới mộ điệu nghệ thuật và nhiều nhà khởi nghiệp trẻ tại Hà Nội.

Anh Huy này, là kiến trúc sư, nhưng sao anh lại luôn tự nhận mình là thợ mộc?

Dông dài một chút về bản thân, thuở nhỏ tôi rất nghịch, nhưng thích vẽ, có chút cảm xúc với mộc bởi gia đình có bác tôi theo nghề.

Trước đây làm kiến trúc, tôi cũng tham gia thiết kế nhưng chỉ làm theo đề bài của chủ đầu tư. Lúc đó, tôi nghĩ kiến trúc cần đẹp và đầy đủ công năng.

Nhưng trong cơn lốc đô thị hóa, nhà dân xây dựng tràn lan dọc theo các đường phố, len lỏi vào các ngõ ngách, mặt nhà hẹp 4 – 7m, cao 2 – 5 tầng. Phong cách kiến trúc đa dạng, thường là sự chắp vá, bắt chước các phong cách khác nhau: hiện đại, cổ điển, phương Tây… Những ngôi nhà ở hoặc khu dân cư có phong cách rõ ràng, trang nhã rất hiếm.

Những ngôi nhà có công năng cơ bản, đóng cửa lại nhốt trong cái hộp 4 bức tường, may mắn lắm thì có cửa sổ, bố mẹ luôn áp đặt cảm quan của con, thuê thiết kế mà quên đặt câu hỏi thực sự là “tụi nhỏ muốn căn phòng và nơi sống của mình ra sao?”.

Những sự chịu đựng đó thay vì được thấu hiểu thì dần bị coi là một điều hiển nhiên. Nghĩ rằng nếu sau này có con và ở một ngôi nhà như tôi đang vẽ thì sẽ là sai lầm. Tôi học kiến trúc để làm những điều hay ho chứ không phải để lại những sản phẩm ngược tự nhiên.

Mặt khác, khi làm kiến trúc, nghề mộc vẫn luôn chảy tràn trong tôi, qua chuyến đi học tập ở trong khu vực và châu Âu, tôi nhận ra nghề mộc truyền thống của Việt Nam đang mai một dần.

Buồn hơn là việc khai thác gỗ rừng nguyên sinh vô tội vạ, đi ngược với sự phát triển của tự nhiên. Bởi thế, năm 2008, tôi quyết định rẽ hướng, dừng công việc làm theo đơn đặt hàng, vẫn giữ nghề thiết kế kiến trúc song song với xây dựng và phát triển nghề mộc nhưng theo tư duy bền vững.

282 Design đã ra đời như thế.

Những ngày đầu khởi nghiệp, anh đã bắt đầu thay đổi như thế nào?

Người ta hay bảo rằng việc “đi” quan trọng hơn “làm” vì ngộ ra được nhiều điều dễ dàng hơn. Tôi dành thời gian vào việc tự học, hoặc là đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm học hỏi các nước phát triển như ở Tây Âu, Nhật Bản,...

Tôi nhận ra, nếu theo công nghiệp hóa thì muôn đời ta chỉ chạy sau họ, nhưng nếu kết hợp giữa kỹ thuật và thủ công thì đó là một thế mạnh ở Việt Nam. Cuối cùng, tôi chọn phát triển ngành gỗ theo hướng Đan Mạch đã đi.

Tôi nhớ, sinh viên Việt Nam nhiều người rảnh thì ăn uống tụ tập, chơi game,.. nhưng người trẻ ở các nước phát triển, phần lớn họ sẽ vào thư viện đọc sách, tự mày mò nghiên cứu khoa học.

Ở các nước phát triển chậm, thì ta chặt cây không thương tiếc, còn ở các nước phát triển, họ lại đi trồng rừng,…

Đến lúc phát triển công nghệ, người Việt ta thích mọi thứ trên điện thoại, tivi,.. nhưng người phương Tây thì dành thời gian bên con cái, ưu tiên sự gắn kết tự nhiên với những thành viên trong gia đình.

25 tuổi, tôi thấy mình phải thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực, không muốn thụ động nữa.

Thực tế, thế mạnh của người thợ mộc Việt Nam là những sản phẩm gỗ truyền thống, hoạ tiết mỹ nghệ, “sập gụ tủ chè”. Các sản phẩm gỗ hiện đại ở Việt Nam đa phần làm vội và thặng dư thấp. Chúng ta chưa có riêng cho mình một dòng sản phẩm nội thất nào đủ sức thuyết phục những khách hàng hiện đại và mong muốn những sản phẩm nội thất gỗ thật sự chất lượng và cao cấp.

Để đáp ứng được nhu cầu này, đa phần các công ty nội thất đang nhập khẩu sản phẩm từ các nước Châu Âu, giá thành rất cao nhưng không có điều kiện chăm sóc, bảo hành sản phẩm.

Thời điểm ấy, tôi khát khao tạo ra những sản phẩm gỗ hiện đại, có độ khó cao và đòi hỏi yếu tố chau chuốt, tỉ mỉ như Đan Mạch và các nước Châu Âu.

Từ đó đến nay, tôi cùng đội ngũ 282 Design, luôn nỗ lực để sản xuất được những chiếc ghế đẹp nhất thế giới tại Việt Nam, mà vẫn vẹn nguyên từng đường nét kỹ thuật của sản phẩm.

Khi bắt tay vào sản xuất, chắc hẳn 282 Design đối mặt với không ít khó khăn, thưa anh?

Vâng. Khó khăn đầu tiên là làm sao lựa chọn được một loại nguyên liệu gỗ tự nhiên vừa phù hợp với yêu cầu chất lượng sản phẩm nhưng có thể thích nghi với môi trường nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam.

Thật may là khi ở châu Âu tôi đã biết đến gỗ Teak qua câu nói: “Đừng làm bẩn sàn Du thuyền gỗ Teak của tôi bằng rượu vang đỏ, nó rất quý!”.

Gỗ Teak và du thuyền là hai danh từ luôn đi cùng với nhau để thể hiện sự cao cấp. Có thể chịu được sự khắc nghiệt của nắng, gió và nước biển mà vẫn giữ được vẻ sang trọng và cao cấp của du thuyền, duy nhất chỉ có gỗ Teak.

Tại Châu Âu, sản phẩm từ gỗ Teak rất quý, không chỉ ở giá trị của cây gỗ, mà còn ở sự khó khăn trong kỹ thuật chế tác của gỗ Teak.

Gỗ Teak ổn định với mọi thời tiết, nhưng nhẹ, không cong vênh, chống nước, chống mối mọt, nấm mốc. Thiên nhiên đã tạo nên một loại nguyên liệu không thể phù hợp hơn cho khí hậu nhiệt đới của Việt Nam.

Nhưng sự khó tính của gỗ Teak là ở chỗ thân gỗ nhiều dầu khó chế tác và cần nhiều thời gian thử nghiệm.

Sau 13 năm làm bạn với gỗ, tìm hiểu tính cách của gỗ Teak như tìm hiểu tính cách con người, tới nay 282 Design có thể tự tin khẳng định có thể làm chủ được nguyên liệu quý giá nhưng đầy khó khăn này.

Va chạm với gỗ, tôi thấy nó có đặc tính và cảm xúc như con người, làm mộc dễ nhưng hiểu gỗ khó. Tôi luôn nghĩ cách tuần hoàn nguyên liệu áp dụng trong sản xuất. Toàn bộ gỗ dùng chế tác, đều là gỗ trồng, tận dụng nguyên liệu tối đa, gỗ thừa ra khỏi xưởng chỉ là dăm bào, mạt cưa.

Bên cạnh việc thi công, tôi tham gia nghiên cứu vùng nguyên liệu, chủ yếu là gỗ Teak, lập nhóm trồng rừng, và 100% nguyên liệu 282 Design sử dụng đều là gỗ rừng trồng.

Liệu có phải anh đang tự làm khó mình khi chọn 100% nguyên liệu từ gỗ rừng trồng?

Năm 2008, khi tìm hiểu sâu, tôi biết có tình trạng rừng Việt Nam bị khai thác rất nhiều, khai thác sang cả rừng của nước bạn Lào, Campuchia. Sau đó, mượn đường bán gỗ khối hộp, hoặc về làng nghề Việt Nam sản xuất dạng thô chưa lắp ráp và bán sang Trung Quốc, họ về sơ chế lại rồi bán giá sản phẩm làm ra cao gấp 20 – 30 lần.

Người Việt Nam mình khi đó giống như người làm chân tay, đi chặt gỗ trái phép của các nước, để lại đồi trọc, làm thượng nguồn mất đi lớp rào bảo vệ, vì vậy lũ lụt, hạn hán xảy ra nhiều hơn. Cây hàng trăm, hàng nghìn năm mà mình lại chặt về làm đồ của riêng mình. Đó là sự tận diệt.

Trong khi, ở các nước phát triển thường sử dụng cây rừng trồng, đặc biệt là gỗ Teak rất được ưa chuộng làm nội thất và du thuyền.

Ở Việt Nam cũng có rất nhiều cánh rừng giá tị lớn ở La Ngà (Đồng Nai), Sơn La… nhưng dân ta chỉ thích các loại cây gỗ quý như lim, hương, trắc nguyên sinh nên mới dẫn đến tình trạng chặt phá rừng.

Lúc đó, tôi quyết định sẽ làm nghề chế tác gỗ và nhất định phải là cây rừng trồng để duy trì sự bền vững. Logo của 282 Design bao gồm hai hình tròn, nó như đại diện cho những vòng vân gỗ. Mỗi nhát chặt cây sẽ lộ dần ra vòng tròn ở thân gỗ, vòng tròn đó tương ứng với số tuổi của cây.

Cây teak du nhập vào Việt Nam từ những năm 1930, đến những năm 1950 đã có gần 200 ha rừng teak được trồng tập trung ở Định Quán (Đồng Nai), và cho đến nay nơi đây vẫn là nguồn cung cấp cây giống cho cả nước. Diện tích rừng Teak ở Việt Nam ước tính hơn 2.500 ha, còn quá khiêm tốn.

Qua các chuyến khảo sát, nghiên cứu, tôi quyết định góp sức trồng rừng, lập nhóm có tên 282 Teak Forest, nhân giống teak từ vùng Đông Nam bộ và Sơn La về hai vườn ươm ở Quảng Bình và Bắc Ninh trồng cho 200 ha rừng đặc dụng trên Bắc Kạn.

Tôi quan niệm, trồng rừng, hoặc là đã trồng, hoặc ngay bây giờ, đừng để đến ngày mai.

Còn những người thợ mộc cao tay hiện nay, làm thế nào anh mời được họ đồng hành cùng mình và 282 Design?

Tôi nhớ như in, năm 2008, tôi vẫn chạy chiếc xe Dream từ hồi sinh viên đi khắp nơi tìm thợ, nhưng họ thường không ở lâu, chỉ khoảng vài một tuần hoặc một vài tháng lại rời đi.

Nghề mộc nói riêng, thợ thủ công truyền thống Việt Nam nói chung nặng đặc tính cá nhân, thiếu thiên hướng tập thể.

Thợ khi làm thường vứt cưa, đục lung tung dưới đất rồi chẳng may đứt tay là chuyện bình thường. Họ biện minh chúng là thói quen khó đổi và rời đi dù được trả lương cao hơn so với các làng nghề.

Sau đó, tôi dừng tìm và quyết định chuyển hướng sang đào tạo.

Tôi tự mày mò học cách sản xuất, cách pha gỗ, cách tận dụng gỗ như thế nào,… Và trong suốt hơn 2 năm sau đó, 282 Design vẫn chưa có sản phẩm để bán vì tiêu chuẩn đặt ra phải bằng chất lượng nội thất nhập Đan Mạch.

Để nuôi ước mơ, tôi bán dần các mảnh đất dành dụm mua được, vay tiền người thân để thực hiện bằng được dự định của mình.

Mãi tới năm 2013, tôi mới mở được một showroom nhỏ, bán những gì mình cho là tốt nhất có thể.

Dần dần tiếng lành đồn xa, anh em thợ trẻ đến học nghề và ở lại làm. Và nếu ai không cùng suy nghĩ, họ rời đi là sự tất yếu, bộ lọc nhân sự tự nhiên sẽ tìm ra những người cùng chung niềm tin và lý tưởng với mình.

Tìm được thợ làm việc cùng đã khó, giữ họ còn khó gấp vạn lần, thưa anh?

Đúng vậy. Để giúp họ giữ nghề, việc đầu tiên tôi làm là xây dựng tinh thần lớn, hướng đi lớn, tạo cho thợ thấy những thứ họ làm rất giá trị, và thợ là người nặng trách nhiệm giữ nghề, giữ kỹ thuật thủ công. Tôi không tiếc gì với thợ từ nguyên liệu cho đến thời gian.

Về mặt cá nhân, cuối tuần xưởng cho thợ nghỉ, được hỗ trợ tiền xe về quê, tôi nhấn mạnh gia đình phải là cốt lõi để thợ sống, làm việc với trách nhiệm. Thường ngày, tôi làm việc như một người thợ, không phân biệt chủ – thợ nên anh em quý mến, ở lại với mình, cũng là cách giữ họ lại với nghề.

Tôi không lấy yếu tố cá nhân để áp đặt vào công việc, mà lấy tinh thần tập thể xây dựng thói quen. Ở 282 Design, mọi người ăn, ngủ và trưởng thành với gỗ. Mỗi thành viên 282 Design là một người thợ mộc rất yêu nghề. Họ trân quý từng mẩu gỗ nhỏ bởi hành trình trưởng thành với chế tác gỗ là một hành trình gian nan, không có điểm dừng.

Để tạo ra những sản phẩm gỗ cao cấp, ngoài việc xây dựng một tinh thần tập thể đoàn kết, gắn bó, còn là kỷ luật và cuộc hành trình rèn rũa cá nhân: không hút thuốc, luôn có tư trang bảo hộ, không sử dụng điện thoại, trao đổi riêng trong thời gian làm việc. Từng đó những quy tắc thôi cũng chiếm trọn vẹn 7 năm cuộc hành trình 282 Design mang những sản phẩm gỗ cao cấp tới gia đình Việt.

Việc tạo ra những chiếc ghế gỗ, sản phẩm “không góc chết” hẳn sẽ đòi hỏi cả kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và một tấm lòng của người thợ, thưa anh?

Không có tác phẩm nào tự nhiên đến, vì để làm ra được, chúng ta phải suy tư, ấp ủ và nghiên cứu trong hàng năm dài.

Tôi muốn sản phẩm của 282 Design phải mang giá trị lâu đời và sâu rộng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Người dùng sử dụng sản phẩm không chỉ bởi sự hoàn mỹ từ kiểu dáng đến chất liệu bền đẹp mà còn bởi giá trị tinh thần trong suốt thời gian sử dụng sản phẩm mang lại.

Hiểu được sứ mệnh đó, người thợ thủ công sẽ thổi linh hồn vào những thứ họ làm, để mỗi sản phẩm chính là một tác phẩm nghệ thuật đáng trân quý.

Người thợ mộc giỏi không sử dụng miếng gỗ tồi cho tấm lát sau lưng tủ, dù chỗ đó không ai nhìn thấy. Cách chúng ta làm một việc là cách chúng ta làm mọi việc. Đó là cả một quá trình hoàn thiện sản phẩm làm ra và rèn luyện bản thân, chỉ cần một sự cẩu thả nhỏ cũng sẽ phá đi toàn cảnh bức tranh.

Khi thiết kế, sáng tác, và chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm thực tế, tôi thường đi theo định hướng mỗi sản phẩm phải là một tác phẩm, dù là công trình kiến trúc hay chỉ là chi tiết trang trí nhỏ nhất trong nội thất. Tôi không theo hướng sản xuất nhanh, bớt giai đoạn, hạ giá thành, tăng số lượng, thu lợi nhuận cao mà chọn hướng đi hẹp, nghiên cứu kỹ, làm chậm, tốt nhất có thể.

Anh có thể bật mí bí quyết thành công của mình?

Khi ta nấu ăn ngon, đó là cả quá trình từ việc chúng ta chọn miếng xương để hầm, miếng thịt sạch, và nó giúp ta khỏe. Làm mộc tôi cũng suy nghĩ như vậy. Hãy hiểu trước khi làm.

Có một khách cũng được, nhưng lâu dài, 282 Design sẽ có 2 khách, 3 khách và con số sẽ dần tăng lên.

Tôi muốn 282 Design là một hệ ý thức để những người em, thế hệ con cháu mình về sau duy trì sự bền vững này. Và may mắn, tôi có những khách hàng ủng hộ.

Khi thu nhập còn ít, họ mua ủng hộ bằng những lọ dầu Osmo olive lau gỗ thay vì sơn PU độc hại để kéo dài thêm tuổi thọ cho các sản phẩm đang có. Khá giả hơn, họ bắt đầu sắm dần chiếc ghế, chiếc bàn cho ngôi nhà của mình. Họ nhìn nhận được giá trị của một sản phẩm thân thiện bền vững, rằng sau cùng chúng ta quay về ưu tiên chất lượng hơn số lượng.

Năm 2020, tại sao thay vì duy trì nhà máy ở Hà Nội, 282 Design lại đưa nhà máy về Quảng Bình, quê anh?

Ở các vùng quê nghèo như Quảng Bình, tình trạng thanh niên rời quê đi xuất khẩu lao động nhiều, người ở lại đa phần là người già và trẻ nhỏ.

Vì thế, tôi muốn tạo nhiều việc làm, trồng nhiều cây xanh, tạo hướng sản xuất thủ công mỹ nghệ thật tốt để níu chân những người yêu nghề mộc truyền thống, để họ có cuộc sống tốt hơn, lúc ấy họ sẽ giữ và truyền nghề.

Và ở 282 Design, sự chia sẻ, thực hành được chú trọng và ưu tiên hàng đầu.

Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng tổ chức các sân chơi để các bạn trẻ có thể tự đến lắp ráp, đan dây, hiểu được làm ra một cái ghế, cái bàn cần nhiều công sức ra sao,…

Tôi đã mở Quỹ 282 Forest để mở lớp đào tạo nghề, tiếp đến là định hướng trồng rừng Teak và cây gỗ nhiệt đới để một phần hạn chế thiên tai lũ lụt, một phần giữ được nguyên liệu sản xuất cho các thế hệ về sau.

Bởi như vậy thì kể cả khi tôi không còn tồn tại thì lớp đàn em và con cháu mình vẫn tiếp tục tiếp nối, phát triển, lan tỏa hơn nữa. Một xã hội mạnh khi có nhiều người trẻ cùng chung tay tạo thành sự cộng hưởng.

Với tôi, khi chặt 1 cây thì phải trồng lại 100 cây hoặc hơn thế nữa.

Triết lý sống và làm việc của anh có phải là “thuận tự nhiên” không?

Bạn thật tinh ý. Tôi luôn đặt quan niệm “thuận tự nhiên” lên trên. Thuận là tạo sự hòa hợp, tự nhiên là bản chất vốn có của nó.

Ngày nay, phụ huynh ép trẻ con học, là nụ nhưng bắt nở hoa sớm, quên đi cảm xúc của trẻ thơ. Các bạn trẻ đi làm có thu nhập thì lại quấn vào vật chất và phải chứng tỏ được nhiều thứ.

Người trung tuổi lại chọn cuộc sống vội vã, luôn tạo áp lực trong việc phải đạt được vị thế, danh vọng này kia, nhưng những cái đó chỉ là bề ngoài. Cái đẹp chiều sâu bên trong lại không rèn dũa, dần dần cuộc sống trở thành vô nghĩa, thiếu lý tưởng.

Cái đẹp chỉ tồn tại trong một khoảng thời khắc ban đầu và nếu thiếu đi chiều sâu bên trong, cái đẹp đó dần trở thành vô nghĩa.

Được biết anh đang xây dựng không gian xưởng 282 Design thành một không gian sáng tạo dành cho các nhà thiết kế, anh kỳ vọng gì ở sân chơi này?

Tôi thường kết hợp cùng các kiến trúc sư đi nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở châu Âu nhằm học hỏi các công ty, nhà máy sản xuất ứng dụng như tôi đang thực hiện.

Tôi nhận ra, nếu theo công nghiệp hóa như Đức thì muôn đời chỉ chạy sau, nhưng khi sang Đan Mạch, cách làm của họ là kết hợp giữa khoa học và kỹ thuật con người.

Tôi ứng dụng chi tiết đó vận hành công ty và xưởng vì người Việt Nam mạnh về thủ công mỹ nghệ, cần học thêm tinh thần tiết chế, tiết kiệm, thuận với thiên nhiên như người Bắc Âu.

Tôi đang vận hành một không gian có tên S+ (Six Senses Space), gồm sáu giải pháp kiến trúc thuộc các mảng thiết kế, kiến trúc, gỗ, ánh sáng, điện lạnh, rèm, nhà thông minh. Đây cũng là nơi mọi người đến tham quan, trải nghiệm ngôi nhà hiện đại theo tinh thần Á Đông.

Ở khía cạnh khác, tôi thấy đời sống thực hành nghề thủ công cho người thiết kế thiếu trầm trọng nên quyết định biến không gian 282 Design thành 282 Factory, nhằm tạo dựng sân chơi dành cho các nhà thiết kế.

Mọi người tự do đến tham quan tìm hiểu thông tin về chế tác, sản xuất gỗ, về không gian trưng bày dụng cụ mộc truyền thống, được thực tập những việc nhỏ nhất như bắt vít, liên kết vật liệu, khớp mộng…

Không gian này giúp người thiết kế có nơi nghiên cứu, thực hành, có trải nghiệm làm việc như người thợ. Qua thời gian các bạn sẽ cho ra sản phẩm, đưa vào sản xuất sẽ có nguồn thu, kích thích đam mê nghiên cứu và tạo hiệu ứng lan tỏa.

Người nước ngoài đến Việt Nam muốn tìm hiểu làng nghề, cũng có thể đến sân chơi này tham quan trải nghiệm các dụng cụ về nghề, sản phẩm, trò chuyện cùng thợ thủ công…

Tất cả đều là văn hóa, là giá trị, nếu không quan tâm sẽ chẳng thể có tương lai.

Hiện các không gian sáng tạo cho những người khởi nghiệp trẻ như 282Workshop ở Hà Nội nói riêng, trên cả nước nói chung đang rất thiếu, theo anh, Việt Nam cần làm gì để thực sự trở thành một quốc gia khởi nghiệp?

Có lẽ điều này cần bắt đầu từ việc thay đổi quan điểm, ý niệm tương sinh của các nhà quản lý.

Một quốc gia khởi nghiệp có lẽ nên bắt đầu từ việc tạo những con đường để đi bộ, đi xe đạp, tạo những công viên, khu vui chơi công cộng mà ở đó, các bạn nhỏ có thể vui chơi và trồng thêm nhiều cây xanh. Đồng thời, phát huy tác động của giáo dục theo dạng thực hành.

Nếu Việt Nam cũng có những quỹ kinh tế lớn để làm những điều ý nghĩa như vậy thì không lâu đâu, Việt Nam cũng sẽ giống Đan Mạch: Thủ tướng thích đi xe đạp, người dân yêu thích đi bộ, đi xe đạp; thích trồng cây; thích ra ngoài cộng đồng vận động thể thao, vui chơi, cười nói với nhau, thay vì ở nhà xem iPad, ti vi, điện thoại…

Tin bài liên quan