Ren Zhengfei.

Ren Zhengfei.

CEO Huawei chơi một nước cờ lạ

(ĐTCK) Ren Zhengfei đã chính thức bác bỏ các cáo buộc của Chính phủ Mỹ với Huawei có liên quan đến bảo mật và an ninh mạng, hay nói thẳng ra cáo buộc Huawei làm gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc.

Trong tuần qua, ông Ren Zhengfei, 68 tuổi, người sáng lập và hiện là Giám đốc điều hành (CEO) của Huawei, tập đoàn sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn thứ hai thế giới của Trung Quốc, sau Ericsson (Thuỵ Điển) đã có động thái hết sức bất ngờ. Đó là lần đầu tiên, sau hơn 26 năm lãnh đạo Huawei, ông chủ động trực tiếp trả lời phỏng vấn của báo giới. Từ trước đến giờ, ông luôn giữ nguyên tắc bất di bất dịch là tuyệt đối im lặng trước báo chí. Vì thế, đây có thể coi là một động thái lạ, hay có thể hiểu là một nước cờ bí hiểm đã được cân nhắc kỹ lưỡng, với dụng ý sâu xa gì thì mọi người còn phải xem xét, phán đoán.

Đặc biệt hơn nữa, ông Ren Zhengfei lại chọn địa điểm là một khách sạn tại Wellington (thủ đô New Zealand ) để làm việc này, chứ không phải ở Mỹ, hay ở Australia hoặc Canada .

Buổi trả lời phỏng vấn thực ra cũng có thể coi là cuộc họp báo nho nhỏ (bởi ngoài ông cùng người phiên dịch, thì chỉ có 4 nhà báo New Zealand và không ai được phép chụp ảnh, quay phim). Nội dung chính của buổi họp báo là, thay mặt Huawei, ông Ren Zhengfei đã chính thức bác bỏ các cáo buộc của Chính phủ Mỹ với Huawei có liên quan đến bảo mật và an ninh mạng, hay nói thẳng ra cáo buộc Huawei làm gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc. Vì các cáo buộc này, nên gần như Huawei không còn cửa làm ăn ở thị trường Mỹ. Sự việc trên đã dẫn tiếp đến việc các sản phẩm của Huawei cũng bị cấm không được tham gia đấu thầu các hợp đồng cung cấp thiết bị mạng chính phủ của Canada và Australia.

Không chỉ ở 3 nước trên, mà mới đây, ngay cả Ấn Độ cũng chính thức đưa ra các biện pháp phòng vệ cảnh giác cao độ với nhiều thiết bị của Huawei và ZTE (cũng của Trung Quốc). Ấn Độ đã đầu tư xây dựng riêng một phòng thí nghiệm đặc biệt tại Bangalore để kiểm tra các thiết bị do Huawei, ZTE sản xuất, sau khi cơ quan tình báo của nước này bày tỏ sự lo ngại về tính an ninh, bảo mật của sản phẩm Trung Quốc.

Tại buổi họp báo, ông Ren Zhengfei khẳng định: “Từ trước đến nay, Huawei không hề liên quan đến hoạt động tấn công và gián điệp trên mạng nhằm vào Mỹ. Công việc của chúng tôi có thể so sánh như làm các đường ống. Đường ống của chúng tôi chuyển tải dữ liệu và thông tin. Nếu nước chảy trong đường ống bị bẩn, bị đục thì không thể đổ lỗi cho đường ống được”.

Các phát biểu tiếp theo của ông cũng xoay quanh việc Huawei muốn xoá đi hình ảnh của một công ty khá bí ẩn, có nhiều điều chưa minh bạch, đáng ngờ. 

Nhiều nhà phân tích nhận xét, không phải ngẫu nhiên mà ông Ren Zhengfei lại chọn New Zealand làm nơi để giãi bày. Là nền kinh tế phát triển, có quan hệ gắn bó về nhiều mặt với Australia, Mỹ, nhưng New Zealand lại có quan hệ khá thân thiết với Huawei nói riêng và Chính phủ Trung Quốc nói chung. New Zealand là nước phương Tây đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc năm 2008. Hơn thế nữa, bất chấp các lời cảnh báo từ các chính phủ Mỹ, Australia và cả công luận trong nước, Chính phủ New Zealand vẫn dành những hợp đồng béo bở cho Huawei.

Cụ thể, Huawei vừa giành được hợp đồng xây dựng mạng 4G LTE và mạng băng thông rộng siêu nhanh (Ultra-Fast Broadband - UFB) ở New Zealand , vượt qua đối thủ lớn là Alcatel Lucent. Huawei cũng là nhà cung cấp thiết bị chính cho 2 hãng viễn thông lớn ở New Zealand là Vodafone New Zealand và Two Degrees Mobile. Tháng 4 vừa qua, Telecom New Zealand, tập đoàn viễn thông lớn nhất New Zealand cũng đã ký hợp đồng với Huawei cung cấp công nghệ, thiết bị cho mạng băng thông rộng.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, New Zealand vẫn là thị trường nhỏ so với tham vọng của Huawei. Huawei hiện có 120 nhân viên ở New Zealand , một con số lẻ so với tổng số nhân viên 144.000 của Tập đoàn trên toàn cầu. Trong vòng 3 năm trở lại đây, Huawei chỉ đầu tư trực tiếp vào New Zealand 139 triệu dollar New Zealand (chưa tới 113 triệu USD), một con số cũng rất không đáng kể so với doanh thu  35,7 tỷ USD (số liệu năm 2012).

Trong buổi phỏng vấn, ông cũng đề cập các mục tiêu của Huawei. Theo đó, Huawei phấn đấu ngay năm nay đạt được tổng doanh thu là 40 tỷ USD; 70 tỷ USD vào năm 2017 và 100 tỷ USD vào năm 2022. Mọi người đều tỏ ra băn khoăn, không biết bằng cách nào mà Huawei có thể đạt được những con số cao vời vợi trên, nếu như không có cơ hội chen chân trở lại thị trường Mỹ, Australia, Canada.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, không được xem nhẹ Huawei, bởi giá cả các thiết bị của Huawei luôn rẻ hơn nhiều so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Hơn nữa, ông Ren Zhengfei được coi bộ não và cũng là linh hồn của Huawei. Theo Tạp chí Forbes (Mỹ), tổng tài sản của ông hiện ước là 475 triệu USD.

Tất nhiên, ở vị thế của mình, ông không thể phát biểu một cách vu vơ được.