Phối cảnh dự án Sonasea Villas & Resort

Phối cảnh dự án Sonasea Villas & Resort

CEO Group: Triển vọng “cất cánh” với tương lai Đảo Ngọc

(ĐTCK) Tin tưởng vào triển vọng cất cánh của Đảo Ngọc Phú Quốc, CEO Group sẽ tiếp tục đổ hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án tại đây, trong đó M&A là con đường mà Tập đoàn sử dụng để mở rộng quỹ đất trong thời gian ngắn nhất.

Chiến thuật M&A

Trong quý III vừa qua, CEO Group đã thực hiện thành công thương vụ M&A một công ty sở hữu hai dự án tại Phú Quốc, nâng tổng số quỹ đất tại Đảo Ngọc của Tập đoàn từ 300 ha lên hơn 450 ha. Hai dự án này có vị trí liền kề Sonasea Villas & Resort và Sonasea Residences mà CEO Group đang triển khai.

Theo ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group, M&A dự án liền kề với các dự án đang được CEO Group đầu tư tại Phú Quốc có nhiều cái lợi. Trước hết, chiến lược này sẽ giúp Tập đoàn tiết kiệm về hạ tầng, bộ máy nhân sự, ban quản lý, tiết kiệm các thủ tục xây dựng thương hiệu…

Với những kinh nghiệm và bộ máy đang triển khai dự án tại Phú Quốc, CEO Group có thể bắt tay vào triển khai ngay dự án vừa M&A, đảm bảo tiến độ nhanh, giúp giảm giá thành, chi phí thực hiện, thủ tục xin cấp phép…

Quan trọng nhất là hai dự án này còn giúp Tập đoàn mở rộng không gian đủ lớn để phát triển khu tổ hợp bất động sản du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, góp phần thúc đẩy khu vực Bãi Trường nói riêng và Phú Quốc sôi động hơn, qua đó khẳng định cam kết đầu tư lâu dài tại Đảo Ngọc.

Ông Bình không tiết lộ, nhưng giới thạo tin nói rằng, một lợi thế rất lớn của thương vụ này là, ngoài 52 ha mặt biển, 108 ha còn lại của dự án đô thị được quy hoạch làm nhà ở (tức là khách hàng mua bất động sản tại dự án này được cấp sổ đỏ vĩnh viễn, thay vì chỉ là sổ hồng sở hữu có thời hạn như các dự án bất động sản nghỉ dưỡng). Đây là một lợi thế không nhiều dự án ở Phú Quốc có được.

Theo kế hoạch, CEO Group dự kiến triển khai dự án mặt biển ngay trong năm 2017, dự án đô thị sẽ là bước tiếp theo. Trong lộ trình đầu tư mà ông Bình ấp ủ, ngoài các sản phẩm khu nghỉ dưỡng, khách sạn mini, condotel, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, shophouse, còn có những điểm nhấn mang ý nghĩa “phải đến” cho du lịch Phú Quốc như một nhà hàng hải sản lớn nhất Phú Quốc, câu lạc bộ biển với sức chứa hàng nghìn người…

Không chỉ với 2 dự án vừa hoàn tất M&A, ông Bình cho biết, trong định hướng phát triển của CEO Group, Phú Quốc là cứ điểm trọng yếu, bởi vậy, Tập đoàn tiếp tục tìm kiếm các dự án, doanh nghiệp phù hợp để mở rộng quỹ đất tại Đảo Ngọc thông qua hình thức này. CEO Group có lợi thế bởi với kinh nghiệm phát triển dự án Sonasea Villa & Resort, khu nghỉ dưỡng Novotel Phu Quoc Resort, biệt thự nghỉ dưỡng Sonasea Villas, Sonasea Sophhouse và sắp tới là Sonasea Condotel…, Tập đoàn có thể triển khai các dự án M&A thành công để góp phần thúc đẩy Phú Quốc phát triển. 

Tương lai tươi sáng của Đảo Ngọc

Đây đó còn không ít băn khoăn khi cả những đại gia am tường về bất động sản nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Đà Nẵng đã đặt câu hỏi: Bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc có bán được không? Với các dự án của CEO Group, câu trả lời thể hiện trong kết quả bán hàng và kinh doanh.

Chẳng hạn, Khách sạn Novotel Phu Quoc Resort và khu resort 5 sao đưa vào hoạt động từ ngày 18/1/2016 hiện đạt tỷ lệ lấp đầy trên 50%; 200 căn shophouse đã có người mua. Có nhà đầu tư đến từ Hà Nội mua liền 2 căn, các tầng trên đầu tư thành phòng nghỉ cho thuê, tầng dưới làm cửa hàng ăn, cà phê…

Trực tiếp quản lý và khai thác cơ sở này, nhà đầu tư cho biết, sau khi trừ đi các chi phí, mỗi tháng chị kiếm được hơn 200 triệu đồng. Rõ ràng là bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc đang có ưu thế, cho phép người mua có dòng tiền ổn định, bên cạnh khả năng tăng giá trị khi tương lai của Đảo Ngọc đang dần khẳng định sẽ ngày một tươi sáng hơn.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ Việt Nam bắt đầu coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và sẽ có những cơ chế, chính sách để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. 10 tháng đầu năm nay, ngành du lịch đã ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, khách nội địa đạt gần 60 triệu lượt, tăng 35%; khách du lịch nước ngoài đạt gần 8 triệu lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.

So với các nước trong khu vực, chẳng hạn Thái Lan, có 683.000 buồng phòng, đón xấp xỉ 30 triệu khách nước ngoài; doanh thu đạt 81,6 tỷ USD, số ngày lưu trú bình quân là 9,1 ngày, chi phí 149,44 USD/người/ngày, tỷ lệ quay lại lần 2 lên tới 51,3%, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng, nếu quyết tâm tập trung cho ngành công nghiệp không khói.

Cụ thể, hiện cả nước mới có khoảng 355.000 phòng, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 8 triệu khách nước ngoài, tổng thu nhập từ du lịch đạt 26,7 tỷ USD. Với mỗi khách nước ngoài, số ngày lưu trú bình quân là 7,8 ngày, chi phí du lịch ở Việt Nam là 125,74 USD/người/ngày, tỷ lệ quay lại lần 2 chỉ đạt 11,2%.

Đáng lưu ý là trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, 38% dành cho thuê phòng lưu trú, tiếp đến là ăn uống, mua hàng hóa, đồ lưu niệm… Như vậy, bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều cơ hội tiếp tục tăng trưởng, bởi nó đem lại cho khách hàng dòng tiền tương đối ổn định trong thời gian lâu hơn so với nhóm bất động sản cho thuê, bất động sản kinh doanh và phát triển nhà ở.

Với riêng Phú Quốc, ông Bình có niềm tin đặc biệt vào tiềm năng của Đảo Ngọc. Chỉ 2 giờ bay từ Phú Quốc là đến thủ đô các nướcASEAN, tiếp cận thị trường 700 triệu dân, khoảng cách 3 giờ bay có thể tiếp cận thị trường 1 tỷ dân.

Đặc biệt, Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, nên không có bão, không chịu rủi ro gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm tài sản thấp. Với 150 km đường bờ biển với nhiều bãi cát trắng, thoải, trải dài, nước biển ấm, nhiệt độ bình quân 28 độ C, độ ẩm thấp, Phú Quốc có thể đón khách du lịch nghỉ dưỡng quanh năm.

Hạ tầng của Đảo Ngọc đã và đang được đầu tư quy mô lớn với sân bay quốc tế có thể đón 5 triệu lượt khách/năm, cảng tàu biển quốc tế đón được tàu với sức chứa 7.000 khách dự kiến hoàn thành năm 2017. Hệ thống giao thông vòng quanh và xuyên đảo quy mô lớn đã cơ bản hoàn thành. Casino Phú Quốc dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2017, hệ thống cáp treo vượt biển đi vào hoạt động từ tháng 12/2016….

Nếu như các thành phố du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang đã phát triển và hiện đạt hơn 15.000 buồng phòng/nơi, thì tại Phú Quốc, đến thời điểm này mới có 4.000 phòng. 6 tháng đầu năm 2016, số liệu của Tổng cục Du lịch cho biết, khách du lịch đến với Phú Quốc đạt hơn 2,2 triệu lượt, tăng100% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đạt trên 1 triệu lượt, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện có 4 đường bay trong nước (Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Hải Phòng ) và 3 đường bay quốc tế (Nga, Trung Quốc, Thụy Điển) tới Phú Quốc, tới đây các đường bay thẳng tới Singapore, Hàn Quốc sẽ được thiết lập. Các thương hiệu quản lý quốc tế lớn nhất đều đã có mặt tại Phú Quốc như Intercontinental, Accor, Melia, Marriot… hứa hẹn sẽ tạo sức hút với khách du lịch quốc tế và tạo ra sự sôi động cho thị trường nơi đây.

Kỳ vọng của các nhà đầu tư đặt cược vào Phú Quốc còn lớn hơn rất nhiều, với mong muốn trong tương lai, Đảo Ngọc sẽ trở thành đặc khu kinh tế của Việt Nam. Cơ sở pháp lý để Việt Nam có các đặc khu kinh tế đã được thể hiện trong Hiến pháp 2013, vấn đề chỉ là mô hình nào sẽ được triển khai. Nếu giấc mơ trở thành hiện thực, với một loạt cơ chế đột phá, không chỉ có khách du lịch bùng nổ tại Đảo Ngọc, mà dân số cơ học và tự nhiên cũng sẽ gia tăng mạnh mẽ. Hãy nhìn sang Bali để kỳ vọng, khi hiện nay, dân số của hòn đảo này đã lên tới 3 triệu người.

Tin bài liên quan