Doanh nhân Đinh Hữu Thạnh
Tinh thần con ong
Bee Logistics vừa trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất được trao tặng giải thưởng Hội nhập trong hệ thống Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN nhân Tuần lễ cấp cao ASEAN.
Cái tên doanh nghiệp ít nhiều đã gợi cho người nghe liên tưởng đến những chú ong luôn cần mẫn, tích cực, miệt mài làm việc để cùng xây dựng tổ ấm. Cuộc trò chuyện với ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bee Logistics càng khiến người nghe cảm nhận rõ tinh thần “chiến binh Con Ong” của doanh nghiệp.
Ông Thạnh bảo, nhiều người thường mặc định rằng đầu tư ra nước ngoài đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn và điều này chỉ dành cho các công ty lớn, nhưng không hẳn như vậy.
Ngay từ khi thành lập Bee Logistics, ông và các cộng sự đã có khát vọng xây dựng doanh nghiệp toàn cầu và những gì Công ty đạt được sau 15 năm hoạt động đã chứng tỏ, có khát vọng lớn sẽ chinh phục được những mục tiêu xa.
“Tất nhiên, chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn và thất bại, từ việc phát triển và gìn giữ nhân tài, chảy máu chất xám, quản trị tài chính, quản lý công ty đến các vấn đề về cấu trúc, quy trình, chọn lựa đối tác. Nhưng tất cả những thất bại đó đều được rút kinh nghiệm, để biến thành nguồn lực trí tuệ của Công ty”, ông Thạnh chia sẻ.
Giai đoạn đầu hoạt động, dù điều kiện nguồn lực rất hạn chế, nhưng ông Thạnh vẫn quyết tâm phải áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại cho Bee, như quản trị tinh gọn, quản trị theo mục tiêu, khơi thông dòng chảy thông tin trong nội bộ và tương tác với khách hàng thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn như ISO 9001:2015…
Để vượt qua khó khăn, theo ông Thạnh, bí quyết quan trọng nhất vẫn là xây dựng được niềm tin và tư duy tích cực, gắn kết vì mục tiêu chung trong đội ngũ.
Dịch Covid-19 là cú đòn đánh mạnh vào các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế và hoạt động logistics bị ảnh hưởng không nhỏ của những lệnh “ngăn sông cấm chợ” nhằm phòng dịch.
Ông Thạnh kể, cùng với những tin tức và hướng dẫn của Chính phủ, Bee Logistics đã nhận thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, thay vì lo lắng, Công ty đề ra giải pháp phòng dịch và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đến hoạt động kinh doanh.
Bee Logistics đã thành lập các văn phòng tạm, chia nhóm làm việc ngay sau khi Chính phủ chỉ thị giãn cách xã hội, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho phép chia nhóm nhân sự làm việc tại các điểm và tại nhà, điểm này có thể hỗ trợ điểm kia, đảm bảo hoạt động thông suốt, không ảnh hưởng đến dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Ông Thạnh thậm chí còn rất tự hào khi cho biết năng suất lao động của người lao động trong Công ty trong giai đoạn giãn cách xã hội thậm chí còn cao hơn so với điều kiện thông thường.
Trong khó khăn cũng là lúc tinh thần sáng tạo được phát huy cao độ. Các giải pháp phù hợp với thời đại dịch như thuê nguyên chuyến máy bay, vận tải đa phương thức, xuyên biên giới… được triển khai để nhanh chóng đưa hàng hóa đến các thị trường toàn cầu.
“Với tinh thần tư duy tích cực và những giá trị cốt lõi mang đậm bản sắc của gia đình Con Ong, chúng tôi quan niệm thách thức luôn đi liền với cơ hội. Khi thị trường biến động cũng là lúc chúng tôi thể hiện chất lượng dịch vụ, giải pháp tin cậy, đồng hành và phát triển cùng khách hàng”, ông Thạnh nói.
Thành quả của những nỗ lực này là doanh số của Công ty vẫn đạt mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn vừa qua.
Cho đến nay, cơ đồ của gia đình Con Ong là đáng kể, với doanh số đạt 111 triệu USD vào năm 2019, bộ máy nhân sự hơn 800 người, thiết lập 28 văn phòng trên thế giới. Một kế hoạch tham vọng đang được ông Thạnh và các cộng sự theo đuổi, đó là Bee hiện diện tại 15 nước và 5 châu lục vào năm 2025
Khát vọng tiến ra thị trường khu vực
Trở lại với câu chuyện tiến ra thị trường khu vực, yếu tố giúp doanh nghiệp vừa được vinh danh, ông Thạnh cho biết, hiện Bee Logistics đã đầu tư tại thị trường Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và thiết lập đại diện tại Australia.
Khó khăn khi thâm nhập thị trường nước ngoài thì rất nhiều, nhưng ông chủ của Bee lại chỉ nhấn mạnh một điều “muốn làm được, phải có hoài bão, niềm khát khao xây dựng thương hiệu Việt ra thị trường nước ngoài. Nói cách khác là phải có tinh thần doanh nhân Việt Nam và niềm tin người Việt có thể làm được”.
Việc tiếp cận thị trường thế giới của Bee rất thận trọng, từng bước một và phù hợp với điều kiện phát triển của Công ty. Các đối tác đều được thẩm định, lựa chọn rất kỹ càng.
Hiệp định RCEP và nhiều FTA được ký kết, theo đánh giá của CEO, sẽ chắp cánh cho việc giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và thế giới, các thủ tục đầu tư và bảo hộ đầu tư được coi trọng hơn.
Điều đó sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tự tin để xây dựng kế hoạch tiến ra nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng năng lực cốt lõi để cạnh tranh tại Việt Nam và vươn ra thế giới, tầm nhìn của doanh nghiệp sẽ không còn bó hẹp ở thị trường trong nước, mà là tầm nhìn khu vực và toàn cầu.
“Với Bee Logistics, các FTA đem lại cả cơ hội và thách thức nhưng chúng tôi tự tin, chúng tôi như được chắp thêm cánh để hoàn thành tầm nhìn là một công ty toàn cầu cung cấp dịch vụ logistics trong tương lai”, ông Thạnh nói.
Tinh thần tích cực, khát vọng lớn của người lãnh đạo Bee Logistics đã truyền lửa cho đội ngũ. Ông Thạnh đã thành công khi xây dựng được văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự tin tưởng, cần mẫn, sẻ chia, học hỏi, cải tiến, sáng tạo không ngừng. Và với nền tảng văn hóa đó, kỳ vọng Bee Logistics sẽ còn tiến xa.
Trò chuyện với CEO Đinh Hữu Thạnh
Sự thành công thường được nhắc đến nhiều ở yếu tố may mắn. Ông có nghĩ rằng Bee Logistics và ông rất may mắn không?
May mắn của chúng tôi là đã xây dựng được một đội ngũ những con người đầy gắn kết, với đam mê, khát vọng xây dựng doanh nghiệp Việt cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng quốc tế.
Chúng tôi luôn nỗ lực từng ngày, chắt chiu từng cơ hội trong và ngoài nước, xây dựng hệ thống đối tác, đặt mục tiêu cao cho chất lượng dịch vụ và không ngừng mở rộng mạng lưới khách hàng thông qua mở rộng sự hiện diện, tương tác thân thiện, xây dựng sản phẩm dịch vụ đa dạng, phù hợp với từng khách hàng và từng thị trường.
Các FTA và thế giới phẳng đang tạo ra những mô hình làm việc, kinh doanh hoàn toàn khác. Các doanh nghiệp vươn ra thế giới có nhất thiết theo những cách truyền thống như trước đây?
Trong thế giới phẳng như hiện nay, nơi nào tri thức có thể phát huy giá trị cao nhất thì nơi đó là nơi phù hợp, không nhất thiết phải trong hay ngoài nước, chỉ cần có tấm lòng hướng về đất nước và luôn canh cánh với việc phát triển đất nước thì sẽ có các hành động phù hợp.
Bản thân tôi thấy, chỉ cần có môi trường phát triển phù hợp, minh bạch, an toàn và có thể dự đoán, doanh nghiệp Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ và vươn tầm.
Mỗi khi đến một vùng đất mới, một thị trường mới, ông có nghĩ đến chuyện thành công, chuyện được mất, thành bại?
Thực ra, tôi ít suy nghĩ về thành công, thành công mang tính thời điểm nếu chúng ta không liên tục cải tiến và hành động phù hợp để phát triển. Tôi luôn nghĩ đôi khi bên cạnh núi cao sẽ là vực sâu, vì vậy, luôn luôn phải nỗ lực, phải chấp nhận hy sinh, thiệt thòi để phát triển tổ chức.
Thành công có thể được nhắc đến khi chúng ta đạt được các mục tiêu, đem lại các giá trị cho tổ chức, cộng đồng và xã hội, bản thân cảm thấy vui vẻ, tỏa sáng và hạnh phúc với những gì mình và đồng đội của mình cùng nhau làm được. Thành công và thất bại luôn song hành, quan trọng chúng ta học được gì từ thất bại và duy trì tư duy tích cực, nguồn năng lượng dồi dào để mạnh mẽ bước tiếp sau mỗi thất bại.