Ông cho biết rằng, AstraZeneca hiện không có “câu trả lời chính xác” về việc liệu có cần tiêm thêm liều tăng cường hay không.
“Có hai khía cạnh đối với khả năng miễn dịch này, ở khía cạnh thứ nhất là kháng thể vốn suy giảm theo thời gian nhưng ở khía cạnh thứ hai rất quan trọng của việc tiêm chủng được gọi là tế bào T. Chúng có xu hướng bảo vệ mọi người chống lại bệnh tật nghiêm trọng nhưng chúng cũng duy trì lâu dài”, ông cho biết.
“Với công nghệ chúng tôi sử dụng, chúng tôi có số lượng tế bào T rất cao. Chúng tôi hy vọng có thể có một loại vắc xin bền bỉ có khả năng bảo vệ trong một thời gian dài. Vì vậy, liệu chúng ta có cần đến liều vắc xin thứ ba hay không vẫn chưa rõ ràng, chỉ có thời gian mới trả lời được”, ông cho biết.
Theo đó, tế bào T là một loại tế bào bạch cầu đóng các vai trò khác nhau trong việc bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus. Tế bào T có thể tấn công mầm bệnh hoặc hỗ trợ các tế bào bạch cầu khác nhau sản xuất kháng thể. Các kháng thể ngăn không cho virus xâm nhập vào tế bào nhưng không tồn tại lâu như tế bào T.
Ông Soriot nói thêm rằng, cách duy nhất để chắc chắn liệu có thực sự cần tiêm liều thứ ba hay không là theo dõi xem hiệu quả của vắc xin có giảm theo thời gian hay không.
“Chúng tôi biết rằng vắc xin của chúng tôi có sự suy giảm kháng thể theo thời gian. Nhưng chúng tôi chưa thấy sự suy giảm hiệu quả và còn hơi sớm để đánh giá và chỉ có thời gian mới trả lời được. Tôi hy vọng tế bào T sẽ cung cấp sự bảo vệ lâu dài, bền bỉ này”, ông cho biết.
Vào thứ Tư (28/7), Giám đốc điều hành của Pfizer, Albert Bourla cho biết, Pfizer rất tự tin rằng liều thứ ba của vắc xin Pfizer sẽ cung cấp đủ khả năng miễn dịch để bảo vệ chống lại biến thể delta.
Bình luận của ông Bourla được đưa ra sau khi một nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vắc xin Pfizer-BioNTech giảm trung bình 6% sau mỗi 2 tháng và vắc xin này có hiệu quả cao nhất trong khoảng từ 1 tuần đến 2 tháng sau khi tiêm liều thứ hai. Hiệu quả của vắc xin giảm xuống còn khoảng 84% từ 4 - 6 tháng sau liều thứ hai.
Bên cạnh đó, dữ liệu do Bloomberg thu thập cho thấy gần 4 tỷ liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm trên toàn thế giới.
Theo Our World in Data, các chương trình tiêm chủng hiện đã bắt đầu ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ và hầu hết trong số đó đã chấp thuận sử dụng vắc xin Oxford-AstraZeneca.