Thử sức nhiều, nhưng giá trị vẫn nằm ở cốt lõi
Tổng hành dinh của AhaMove đặt tại quận 10 (TP.HCM) trong một toà nhà phức hợp với các tầng cao là văn phòng cho thuê, căn hộ, còn dưới tiền sảnh là khu vực bán lẻ. Mới đầu giờ trưa, nhưng phía trước tòa nhà đã trở thành bãi đậu xe tạm thời cho các tài xế giao nhận của nhiều thương hiệu gọi xe phổ biến ở Việt Nam.
Ngồi ở đây, Phạm Hữu Ngôn, CEO của AhaMove nhìn thấy đội quân tài xế giao nhận đủ màu sắc, màu cam xanh của AhaMove len trong sắc xanh lá, sắc đỏ... của các hãng khác. Sức nóng của thị trường dịch vụ đặt xe máy theo yêu cầu luôn hiện hữu.
Được Grab đưa vào Việt Nam năm 2014, dịch vụ đặt xe máy theo yêu cầu đã nhanh chóng mở thêm dịch vụ đặt hàng ăn, giao hàng thương mại điện tử. Ở Việt Nam, thị trường này được mệnh danh là “chiến trường” của những người khổng lồ, khi có các công ty nước ngoài giá trị hàng tỷ USD tham gia giành thị phần. Có thể kể đến Grab (Singapore) hiện được định giá 14 tỷ USD, Go-Việt (công ty con của Go-jek - Malaysia) được định giá 10 tỷ USD và gần đây nhất là Baemin trực thuộc Woowa Brothers của Hàn Quốc vừa được bán lại với giá 4 tỷ USD.
Trong cuộc chiến nóng bỏng này, AhaMove do Phạm Hữu Ngôn xây dựng nền tảng công nghệ từ ngày đầu tiên là một doanh nghiệp thuần Việt.
Thành lập năm 2015, AhaMove trực thuộc Scommerce, công ty chuyên về dịch vụ giao nhận, chủ quản các đơn vị khác như Công ty cổ phần Dịch vụ Giao hàng nhanh, chuyên làm dịch vụ giao hàng thương mại điện tử Giao Hàng Nhanh; Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Xuyên biên giới GIC, với dịch vụ giao hàng xuyên biên giới Gido…
Phải nhắc lại, cùng phát triển với AhaMove còn có Lala, dự án giao thức ăn và Phạm Hữu Ngôn cũng là người đặt nền móng công nghệ cho dự án này. Nếu AhaMove là ứng dụng quản lý việc giao nhận cho chủ cửa hàng, quán ăn, thì Lala là ứng dụng tập trung phục vụ khách hàng là người dùng cuối.
Mục đích đầu tư vào hai đơn vị cũng khác nhau. Lala được đầu tư để tìm cách gia tăng người sử dụng. AhaMove được đầu tư để tối ưu hoá việc giao hàng, kiểm soát quá trình giao hàng cũng như đưa ra mức phí phù hợp cho thị trường. Từng có thời điểm, số lượng đơn hàng thức ăn của Lala đạt ngưỡng 20.000 đơn/ngày, với tốc độ giao hàng vượt trội nhờ tích hợp với các nhà hàng sử dụng phần mềm iPOS.
Tuy nhiên, trong vai Giám đốc công nghệ (CTO), Phạm Hữu Ngôn đã quyết định dừng Lala vào tháng 12/2018, do nhận thấy thị trường thời điểm đó đốt tiền quá khốc liệt và việc khác biệt về công nghệ không đủ giúp Công ty có thể cạnh tranh với các đối thủ.
“Về bản chất, chúng tôi là đơn vị giao hàng, nên sau thời gian thử nghiệm Lala, chúng tôi quyết định quay về giá trị cốt lõi của mình, là đầu tư cho hạ tầng hỗ trợ giao nhận của AhaMove”, Phạm Hữu Ngôn chia sẻ quyết định đã khiến ông từng nhận nhiều chỉ trích.
Nhưng chính quyết định trở về cốt lõi đã đưa AhaMove đến “cửa” các quỹ đầu tư có tiếng. Tháng 10/2019, Scommerce xác nhận thông tin nhận đầu tư từ Temasek, quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore. Đây cũng là quỹ đã đầu tư và đưa Go-jek trở thành thế lực lớn ở Indonesia.
Giá trị khoản vốn được rót vào Giao Hàng Nhanh và AhaMove cho đến nay vẫn được giữ bí mật, nhưng một số nguồn tin cho biết, vòng gọi vốn tương đương vòng C, nghĩa là tương đương vốn góp từ 20 - 100 triệu USD. Các công ty nhận vòng C thường khá thành công (mức doanh thu từ 1 triệu USD/tháng) và đang cần vốn để phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường và thậm chí là mua lại các công ty trong ngành.
Thời điểm nhận đầu tư, AhaMove đang xử lý 60.000 đơn hàng/ngày và tạo thu nhập cho 20.000 tài xế. Mức lương của các tài xế AhaMove dao động từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. 80% doanh thu của AhaMove đến từ việc cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
CEO Phạm Hữu Ngôn cảm thấy mừng bởi điều này và ông gọi đó là tin vui kép. Thứ nhất, đó là bảo chứng cho các đối tác là quán ăn, chủ cửa hàng rằng, Công ty vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với những người khổng lồ. Thứ hai, cũng quan trọng không kém, đó là thông điệp gửi đến các tài xế, lực lượng lao động quan trọng trong mô hình gọi xe.
“Chúng tôi luôn cam kết đem lại một công việc ổn định cho các đối tác tài xế, chưa bao giờ thay đổi”, Phạm Hữu Ngôn chia sẻ tâm tư.
Khi giám đốc công nghệ lên ngôi
Hơn nửa năm trước, Phạm Hữu Ngôn nhận vị trí CEO từ đồng nghiệp cũ, trong bối cảnh Công ty phải tái cơ cấu để tiếp tục phát triển. Xuất thân từ CTO, việc ông Ngôn ngồi vào ghế nóng lúc đó là điều khá bất ngờ.
Một mặt, kỹ năng CTO vốn chuyên sâu vào các con số, thích đọc dữ liệu, không dễ xử lý các mối quan hệ đa dạng trong tổ chức. Mặt khác, bản thân ông cũng không mấy thành công khi nói chuyện với trưởng các bộ phận bán hàng, tiếp thị...
Trước khi đầu quân cho các công ty Việt Nam, vị CEO sinh năm 1984 của AhaMove từng có thời gian làm việc với bộ phận tìm kiếm của Google, là kỹ sư trưởng cho Caterva, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực dữ liệu lớn của Mỹ, được Facebook mua lại vào năm 2013.
Nhưng, như Phạm Hữu Ngôn từng nói khi nhận vai CEO của AhaMove, đây là lúc AhaMove cần một CEO công nghệ, nên ông đã bỏ qua mục tiêu trở thành CTO tốp đầu của Việt Nam và khu vực.
Nhờ vậy, một CEO công nghệ đã xuất hiện cùng với bộ gen công nghệ cấy trong mọi thành viên của AhaMove. Khi tất cả nhân sự, mọi phòng ban sử dụng thành thạo các công cụ về dữ liệu, biết con số nào chứng minh luận điểm mình đang nói và con số đó mang ý nghĩa gì, thì dần có thể tháo “nút cổ chai” tại bộ phận công nghệ.
“Khi truy xuất dữ liệu phục vụ công việc không còn là chức năng hay nhiệm vụ của riêng phòng công nghệ, thì công cụ công nghệ đó đã thật sự có giá trị. Hơn thế, dữ liệu không biết nói dối”, CEO Phạm Hữu Ngôn lý giải cách quản lý đã mang thương hiệu cá nhân của mình, nhưng cũng được cho là chìa khóa để AhaMove tiếp tục chơi trong sân chơi của những người khổng lồ.
Báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain&Co gần đây cho biết, thị trường gọi xe tại Việt Nam đạt quy mô 1,1 tỷ USD vào năm 2019, tăng hơn 5 lần so với năm 2015. Dự báo đến năm 2025, quy mô thị trường này sẽ đạt mốc 4 tỷ USD.
Phạm Hữu Ngôn đang tính, thị trường giao hàng nội thành chiếm khoảng 35% số lượng giao dịch và phát triển dựa trên 2 mảng chính là giao nhận thức ăn và thương mại điện tử. Cả hai thị trường đều đang nhạy cảm về giá giao hàng và Công ty cần có một mức giá đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tăng thu nhập cho tài xế.
Sắp tới, đối với lĩnh vực giao hàng thức ăn, AhaMove sẽ cung cấp thêm dịch vụ Giao Gần, 2 cây số giá 18.000 đồng, cộng thêm 5.000 đồng cho mỗi cây số phát sinh, thay vì block giá hơn 23.000 đồng cho 4 cây số như trước kia. Cách làm này sẽ kích thích việc giao các đơn có đoạn đường di chuyển gần. Mức giá này của Grab đang là 15.000 đồng, do có trợ giá, nếu không, con số có thể lên đến hơn 20.000 đồng.
Như vậy, theo ước tính của AhaMove, với 800.000 đơn hàng/ngày, thị trường giao thức ăn ở Việt Nam sắp đạt ngưỡng bão hòa. Các công ty sẽ phải tính đến việc phát triển bền vững và việc trợ giá sẽ sớm chấm dứt.
“Vấn đề của AhaMove là đưa ra mức giá phù hợp trong từng giai đoạn”, Phạm Hữu Ngôn nói.
Tương tự, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng gặp rào cản về giá như giao nhận thức ăn. Ở các thị trường Trung Quốc, Indonesia, giá giao nhận nội vùng đang giữ ở mức tương đương dưới 30.000 đồng/đơn hàng, nhưng đây là các thị trường mà GDP cao hơn Việt Nam. Chính vì thế, mức giá của AhaMove đưa ra cần hợp lý so với cột mốc trên.
Trong kế hoạch sắp tới, mức giá giao hàng 4 tiếng nội thành của AhaMove phải được giữ ở mức 20.000 đồng/đơn hàng, và trong khoảng 25.000 - 27.000 đồng với các đơn ngoại thành. Ngoài ra, Phạm Hữu Ngôn còn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng thu nhập tài xế đạt 20% trong năm nay.
“Đối với các công ty công nghệ, áp lực trước và sau khi nhận đầu tư không mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”, ông Ngôn dí dỏm.