Những đồn điền bông và thân phận người nô lệ đã in đậm trong tôi từ ngày nhỏ qua cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Túp lều bác Tom”. Đây là cuốn sách bán chạy nhất hồi thế kỷ 19 và đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đấu tranh chống nô lệ. Đến mức mà khi gặp tác giả Stowe vào năm 1862, Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln đã phải thốt lên: “Hóa ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại”.
Cây bông, trái phiếu và nội chiến Hoa kỳ
Từ Thủ đô Washington ngày nay, chúng tôi đi ngược hướng Tây Bắc chừng 70 dặm đến địa danh Harpers Ferry - nơi còn những dấu tích chiến tranh dữ dội giữa quân đội Liên bang và quân ly khai miền Nam. Tận mắt nhìn thấy những đường ray, hầm mỏ khai thác than, những cỗ trọng pháo, tôi mới hiểu hết nhận định lịch sử rằng, nội chiến Hoa Kỳ là một trong những cuộc chiến tranh công nghiệp thực sự đầu tiên. Tuy nhiên, thắng thua trong cuộc nội chiến này không phải chỉ nhờ nền công nghiệp của miền Bắc với đường sắt, điện báo, tàu hơi nước và vũ khí sản xuất hàng loạt, nó được quyết định bởi nguồn tài chính và thị trường trái phiếu.
Để có tiền cho chiến tranh, Chính phủ miền Nam đã bán trái phiếu cho công dân của mình. Nhưng miền Nam thời ấy nghèo hơn so với các bang miền Bắc, nên tiền thu về từ việc bán trái phiếu không nhiều. Trước tình thế ấy, Chính phủ miền Nam tìm tới thị trường tài chính châu Âu với đích nhắm đầu tiên là dòng họ Rothschild, vì dòng họ này đã từng giúp Wellington đánh bại Naponleon và thu lợi lớn từ trái phiếu.
Mặc dù trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống năm 1860, đại diện của dòng họ Rothschild ở New York đã có những dấu hiệu đồng cảm với miền Nam chống lại đường lối của Đảng Cộng hòa do Abraham Lincoln lãnh đạo. Nhưng khi Lincoln trúng cử Tổng thống thì nhà Rothschild đã do dự và tính toán lại. Cân nhắc nhiều yếu tố và cảm thấy quá rủi ro nên nhà Rothschild quyết định đứng ngoài cuộc. Việc này đã khiến trái phiếu của Chính phủ miền Nam Hoa Kỳ mang bán ở Amsterdam ở Hà Lan trở nên ế ẩm. Tình thế tưởng bế tắc, nhưng Chính phủ miền Nam đã tìm ra một lối thoát khi dùng một diệu kế dựa trên chính cây bông, loại cây công nghiệp thế mạnh của miền Nam.
Số là, việc phát minh ra máy hơi nước và tiếp theo là nhiều loại máy công cụ khác đã làm bùng lên cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh. Nước Anh thế kỷ 19 đã trở thành một cường quốc về công nghiệp, trong đó ngành dệt là một trong những trụ cột chính. Hàng loạt nhà máy dệt liên tục được xây dựng, kéo theo việc xây nhiều cảng mới trên bờ sông Mersey đổ ra vịnh Liverpool. Đến năm 1860 thì Liverpool đã trở thành cửa ngõ nhập bông của Anh với trên 80% lượng bông được nhập từ miền Nam Hoa kỳ. Nhìn thấy điều này, Chính phủ miền Nam đã đi một nước cờ tài chính khá liều lĩnh: họ quyết định áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu bông tới Liverpool, nhằm gia tăng áp lực lên Chính phủ Anh, để quốc gia hùng mạnh nhất thế giới này sẽ đứng về họ trong cuộc nội chiến. Chính phủ miền Nam tính toán rằng, nếu họ cấm vận cung bông sợi, thì cung cầu sẽ mất cân đối, giá bông sẽ tăng. Khi ấy, nếu phát hành trái phiếu đảm bảo thanh toán bằng bông thì sẽ chẳng lo ế, mà còn có thể bán được giá cao.
Đúng như dự tính, khi giá bông tăng mạnh, giá trái phiếu cũng tăng, Chính phủ miền Nam đã thu về một khoản tiền lớn để nuôi chiến tranh.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận bông đã làm kinh tế nước Anh lâm vào tình thế khó khăn, đến cuối năm 1862, sản xuất dệt gần như ngừng hẳn, một nửa lực lượng lao động của Lancashire đã phải thôi việc, một phần tư dân số phải dựa vào trợ cấp cho người nghèo; “nạn đói Cotton” hoành hành nước Anh.
Tuy kiếm được tiền từ bán trái phiếu, nhưng Chính phủ miền Nam đã chơi một trò nguy hiểm, vì nếu không điều khiển nổi thì sẽ gây nên hậu quả khôn lường cho kinh tế các bang miền Nam. Nhìn thấy mối nguy hiểm từ chính sách cấm vận bông sợi, nước Anh đã ủng hộ Chính phủ Liên bang dồn lực chiếm cho được cảng New Orlean, là nơi con sông Mississippi đổ ra vịnh Mehico và là cửa ngõ xuất khẩu bông của miền Nam. Khi quân miền Bắc chiếm được cảng này vào tháng 8/1862 thì một bước ngoặt thật sự của cuộc nội chiến Mỹ đã mở ra. Bất kỳ nhà đầu tư nào muốn động vào bông của miền Nam, đều phải vượt qua hạm đội hải quân đáng sợ của miền Bắc. Cộng thêm vào đó sang đến năm 1863, nước Anh đã tìm được nguồn cung bông mới ở Trung Quốc, Ai Cập và Ấn Độ cho các nhà máy ở Lancashire.
Già néo đứt dây, Chính phủ miền Nam đã bít con đường xuất khẩu bông, nhưng sau đó lại không có khả năng khai thông trở lại. Các trái chủ đã mất niềm tin vào trái phiếu bảo đảm bằng bông của miền Nam. Thị trường trái phiếu trong nước và ở nước ngoài của Chính phủ miền Nam đã kiệt quệ. Họ không còn cách nào khác là phải in tiền giấy để tiêu dùng cho cuộc chiến. Nạn lạm phát ở miền Nam bùng nổ, giá hàng hóa thiết yếu tăng lên đến 90 lần, tờ giấy bạc 1 đô màu xám của miền Nam chỉ còn giá trị 1 xu, 100 lần thấp hơn so với trước khi xảy ra nội chiến. Miền Nam đã đặt cược tất cả vào cây bông để thao túng thị trường trái phiếu và cuối cùng thua cuộc trên mặt trận tài chính và các mặt trận khác, nội chiến Hoa Kỳ kết thúc vào năm 1865 với chiến thắng thuộc về phe miền Bắc.
Lịch sử đã lùi xa, hôm nay tôi đứng trên một cánh đồng ở ngoại ô TP. Orange Beach, bang Alabama - 1 trong 7 tiểu bang bông vải xưa kia, để nhìn thật kỹ những cây bông. Những cây thân thảo mộc bình dị, mảnh dẻ, nhưng lại có một thân phận rất đặc biệt, nó bị biến từ vật đảm bảo cho lòng tin tài chính thành con tin của chiến tranh.
Một chính sách tài chính lúc đầu rất hay, rất đúng và hợp quy luật, nhưng do cách làm sai đã dẫn đến hậu quả thảm hại. Một bài học không chỉ cho các nhà phát hành trái phiếu.
Hạt gạo, công phiếu và kháng Pháp
Ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trong bối cảnh ngoài lòng yêu nước thì thiếu thốn trăm bề. Giải quyết vấn đề này, năm 1948, Chính phủ quyết định phát hành một loại trái phiếu đặc biệt có tên là “Công phiếu kháng chiến”. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ký một sắc lệnh mang số 160-SL ngày 14/4/1948 gồm có 8 điều quy định rằng, tổng số tiền trái phiếu kháng chiến ấn định phát hành là 5 triệu đồng bạc, nếu ai mua một lần từ 10.000 đồng trở lên sẽ được thưởng bằng danh dự… Không có một tài sản nào đảm bảo cho đợt phát hành công phiếu kháng chiến này. Điều này dễ hiểu bởi vì trong 2 năm đầu tiên của cuộc kháng chiến, căn cứ nằm tại vùng rừng núi hiểm trở Việt Bắc, Bác Hồ và Chính phủ kháng chiến không có một tài sản gì có giá để đảm bảo cho việc vay mượn của dân, ngoài lòng tin của nhân dân Việt Nam.
Tới năm 1950, cục diện thay đổi có lợi cho ta, các vùng tự do căn cứ kháng chiến do Chính phủ cụ Hồ nắm đã mở rộng ra, chúng ta đã kiểm soát được vài vùng trồng được lúa gạo. Để chuẩn bị kinh tài cho giai đoạn mới của cuộc kháng chiến, ngày 19/9/1950, Bác Hồ ký tiếp một sắc lệnh mang số hiệu 139-SL để phát hành công trái quốc gia ghi mệnh giá bằng thóc, tổng số phát hành 100.000 tấn thóc. Có 5 loại mệnh giá A, B, C, D, E tương ứng với 10 kg, 50 kg, 100 kg, 500 kg, 1.000 kg thóc. Gốc sẽ được hoàn trả sau 5 năm, còn lãi công trái được tính đều là 3%/năm.
Trái phiếu Chính phủ miền Nam Hoa Kỳ được đảm bảo thanh toán bằng bông, còn trái phiếu Chính phủ kháng chiến Việt Nam được đảm bảo thanh toán bằng thóc. Tuy nó có vẻ giống nhau về hình thức, nhưng cây bông và cây lúa của hai loại trái phiếu này hoàn toàn khác nhau. Cây bông bị người ta lợi dụng để trở thành con tin mang ra mặc cả, một bên lòng tin sụp đổ khi thị trường bông sụp đổ, một bên lòng tin ngày càng cao theo cùng cuộc kháng chiến với hạt thóc làm ra ngày càng nhiều.
Quả táo cắn dở và việc tạo dựng lòng tin
Lòng tin là thứ rất khó đo đếm bằng các đơn vị thông thường, chính vì thế người ta cần có vật bảo đảm cho nó. Khi phát hành trái phiếu hay vay ngân hàng, một DN phải có tài sản đảm bảo như nhà cửa, đất đai, hàng hóa… và có khi là một “trái táo cắn dở” của Hãng Apple.
Vụ việc hơn 3.000 tấn cà phê của Công ty Trường Ngân năm qua bị 7 ngân hàng cùng xiết nợ là một bài học về sự lợi dụng lòng tin, đạp đổ các nguyên tắc tài chính, đạo đức kinh doanh, hủy hoại chữ tín trong kinh doanh. Hạt cà phê không hề có tội, nó là vật thật nhưng vì người ta đã biến 1 hạt cà phê thật thành 7 hạt cà phê ảo nên mới vướng vào vòng lao lý.
Ngược lại, quả táo cắn dở - biểu tượng của Hãng Apple, logo của chiếc Iphone, iPad, máy tính chỉ là một quả táo ảo, nhưng vì Apple đã dày công xây dựng lòng tin từ bao năm qua nên nó đã trở thành quả táo thật, là vật đảm bảo để công ty này bán thành công lượng trái phiếu lớn nhất trong lịch sử. Cuối tháng 4/2013, Hãng Apple đã bán hết số trái phiếu trị giá 17 tỷ USD với lãi suất cố định cho các kỳ hạn 3 năm, 5 năm, 10 năm và 30 năm. Theo công bố trên báo chí, số tiền này sẽ được dùng để tài trợ một phần cho kế hoạch chi trả 100 tỷ USD tiền mặt cho các cổ đông trong vòng 3 năm tới.
Mọi việc sẽ vẫn diễn ra tốt đẹp chừng nào người ta còn tin vào trái táo ảo, còn coi nó là thật. Nhưng nếu trượt sâu vào việc vay tiền người mới để trả tiền cổ tức cho cổ đông cũ, thì ắt hẳn quả táo sẽ đến lúc bị sâu, cũng giống như kiện bông nặng ngàn cân có lúc nhẹ bỗng và bị gió cuốn đi.
Tại Hội nghị Shangri-la tổ chức tại Singapore năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu về "lòng tin chiến lược", được dư luận quốc tế hết sức quan tâm. Xét cho cùng, không chỉ cấp chính phủ mới phải “xây dựng lòng tin chiến lược” giữa các quốc gia với nhau, giữa chính phủ với người dân, mà mỗi DN trong hoạt động kinh doanh, trong mỗi khoản vay, trong mỗi đợt phát hành trái phiếu, cổ phiếu cũng cần phải xây dựng và duy trì một lòng tin.
Đừng bao giờ đánh mất lòng tin và đừng bao giờ biến lòng tin thành con tin!