Cầu vốn ngoại tệ, đến hẹn lại lên

Cầu vốn ngoại tệ, đến hẹn lại lên

(ĐTCK) Nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu của doanh nghiệp tăng lên khi mùa vụ kinh doanh cuối năm cận kề, song vay ngoại tệ không còn dễ như trước đây, dù lãi suất thấp.

Cầu vốn ngoại tệ, đến hẹn lại lên ảnh 1

9 tháng đầu năm nay, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 9,62% so với cuối năm 2011

 

Nhiều NHTM cho biết, cuối mỗi năm, nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp thường tăng, phần lớn để nhập khẩu hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất - kinh doanh. Để có ngoại tệ, các doanh nghiệp hiện vẫn ưa vay trực tiếp hơn là vay tiền đồng rồi mua ngoại tệ vì lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn nhiều so với lãi suất vay tiền đồng. Thực tế, hiện lãi suất vay tiền đồng đã giảm so với trước, nhưng vẫn  cao gấp hai lần lãi suất vay ngoại tệ. Cụ thể, lãi suất vay tiền đồng thấp nhất hiện nay cũng từ 10 - 12%/năm, trong khi đó, lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ 5 - 6%/năm. Ở một số ngân hàng, nếu doanh nghiệp cam kết bán lại ngoại tệ khi có nguồn thu thì lãi suất cho vay ngoại tệ còn thấp hơn, khoảng 4,5%/năm.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho hay, với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, hiện OCB chỉ cho vay ngoại tệ với lãi suất trên dưới 6%/năm. Theo ông Linh, đây là lĩnh vực đang được OCB tập trung giải ngân vốn hỗ trợ vì các doanh nghiệp tìm được thị trường xuất khẩu. Nếu cho vay các doanh nghiệp này, Ngân hàng cũng yên tâm về nguồn thu ngoại tệ sau này.

Tỷ giá ổn định trong thời gian qua và theo dự báo của các chuyên gia kinh tế - tài chính, sẽ khó biến động hơn 2% trong cả năm nay. Đó cũng là cơ sở để các doanh nghiệp chọn vốn ngoại tệ, thay vì tiền đồng.

Phó tổng giám đốc HDBank, ông Phạm Thiện Long cho biết, cầu vốn ngoại tệ thường rơi vào cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu tăng lên. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ, như có đầu ra xuất khẩu mới có thể tiếp cận vốn vay ngoại tệ ngân hàng. Đây là quy định của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là Thông tư 03/2012/TT-NHNN quy định thu hẹp các trường hợp được vay vốn bằng ngoại tệ.

Theo Thông tư 03, “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả được nợ vay”.

Việc loại trừ các trường hợp vay không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ làm giảm mạnh nhu cầu mua USD để trả nợ vay khi đến hạn.

Vì thế, dù cầu vốn ngoại tệ tăng, song các nhà băng cũng khó có thể đẩy mạnh cho vay mà còn tùy thuộc vào mức độ đáp ứng điều kiện tín dụng của từng khách hàng. Mặt khác, với sự chênh lệch giữa lãi suất huy động ngoại tệ và tiền đồng khá xa hiện nay, các NHTM cũng không dễ dàng trong việc hút vốn ngoại tệ để đẩy mạnh cho vay ra. Thực tế, thời gian qua, khi trần lãi suất được áp đối với huy động vốn bằng ngoại tệ (2%/năm), nhiều người dân đã chuyển vốn sang gửi tiết kiệm bằng tiền đồng để hưởng mức lãi suất cao hơn, từ 9 – 13%/năm.

Chính điều này đã khiến nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ có phần hạn hẹp so với trước. Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP. HCM, 9 tháng đầu năm 2012, huy động vốn ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn đã giảm 9,62% so với cuối năm 2011, trong khi huy động vốn bằng tiền đồng lại tăng 11,53%.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho rằng, sự ổn định của tỷ giá, cùng với chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và ngoại tệ ở mức cao, là yếu tố cơ bản để các ngân hàng thu hút tiền đồng gửi trong 9 tháng qua. Do đó, muốn đẩy mạnh tín dụng đối với ngoại tệ lúc này cũng không dễ cho các NHTM.

“Cầu ngoại tệ vào những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng do tính chu kỳ của nhu cầu sản xuất - kinh doanh dịp lễ tết. Tuy nhiên, với chính sách tỷ giá, tiền tệ phù hợp sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh ngoại tệ của hệ thống NHTM trên địa bàn ổn định”, ông Minh nói.