Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Câu hỏi về tính hiệu quả

(ĐTCK) Một nghiên cứu do nhóm giảng viên Trường Ðại học kinh tế quốc dân Hà Nội thực hiện có tên “Ảnh hưởng của quản lý thu nhập đến hiệu quả tài chính: Bằng chứng từ các công ty niêm yết tại Việt Nam” đã công bố thông tin đáng chú ý. 

Theo đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường tìm cách thổi phồng lợi nhuận trước IPO hoặc niêm yết.

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu thu thập từ 54 doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM trong thời gian 2008-2017.

Bằng các phương pháp tính toán được trình bày chi tiết theo các công thức, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra các dữ liệu cho thấy thực trạng tồn tại bấy lâu nay.

Khi đem câu chuyện này chia sẻ với lãnh đạo một doanh nghiệp lớn thực hiện IPO năm 2017, ông cho biết, đó là một thực tế xảy ra không chỉ ở các doanh nghiệp tư nhân mà thậm chí cả doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa.

Ở doanh nghiệp mà ông đang làm lãnh đạo, những gì có thể tạo ra bức tranh đẹp nhất cho doanh nghiệp được đưa ra trong bản cáo bạch, được đẩy vào các báo cáo tài chính…, nhằm thu hút được nhiều nhà đầu tư, bán được cổ phần với giá cao nhất. Hệ quả là, tâm lý đám đông đã đẩy giá cổ phiếu trúng đấu giá lên cao ngất ngưởng, vượt qua tính toán của cả chuyên gia lạc quan nhất.

Khi doanh nghiệp gặp các điều kiện bất lợi trong kinh doanh, lợi nhuận sụt giảm mạnh, giá cổ phiếu tuột dốc, áp lực lên ban điều hành là rất lớn.

Ở mỗi kỳ họp đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo doanh nghiệp đầy tâm trạng khi nghe cổ đông chất vấn, bản thân nhiều người lao động trong doanh nghiệp cũng đang chịu thua lỗ vì giá cổ phiếu rớt sâu.

Với các doanh nghiệp tư nhân, thì khỏi phải nói hậu quả của việc thổi phồng lợi nhuận. Nhiều nhà đầu tư có cảm giác bị lừa vì hoạt động doanh nghiệp sau đó bi bét, giá cổ phiếu liên tục đi xuống kể từ khi lên sàn, thậm chí đã có những doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, lãnh đạo vướng vào vòng lao lý.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận là các công ty phát hành thổi phồng lợi nhuận khi niêm yết thường gánh chịu nhiều hậu quả và rõ nhất là hiệu quả hoạt động thấp trong thời gian dài sau đó.

Giải pháp cho vấn đề này là gì? Nhóm nghiên cứu không đưa ra nhiều khuyến nghị mà chỉ lưu ý các nhà đầu tư thận trọng khi quan sát biểu đồ lợi nhuận và thành tích của các doanh nghiệp niêm yết; cần tách rời thời điểm trước khi doanh nghiệp niêm yết với thời điểm nhà đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp vì không hẳn thành tích trong quá khứ là dữ liệu chính xác.

Với các công ty kiểm toán, nên nhận thức được những động lực khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thổi phồng lợi nhuận trước IPO.

Do đó, công ty kiểm toán cần cẩn trọng trong thực hiện phát hành các thông tin báo cáo kiểm toán và nên chọn lựa các kiểm toán viên giàu kinh nghiệm để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trước IPO hoặc niêm yết cổ phần.

Vấn đề lớn hơn đặt ra là ở chỗ nếu tình trạng này là phổ biến, sẽ thách thức tính hiệu quả của thị trường khi nhiều nhà đầu tư, trong đó có những nhà đầu tư nước ngoài bị thua lỗ lớn khi mua cổ phần của các doanh nghiệp mới niêm yết hoặc IPO được định giá không chuẩn xác.

Những nỗi đau quá khứ sẽ trở thành những ví dụ không mấy tích cực với các nhà đầu tư khi họ xem xét bỏ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tin bài liên quan