Thaco đang đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín - những bước đi đầu tiên của kế hoạch lớn trong mảng nông nghiệp.

Thaco đang đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín - những bước đi đầu tiên của kế hoạch lớn trong mảng nông nghiệp.

Câu chuyện về một ngành nông nghiệp... không đất

Cách đi của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trong lĩnh vực nông nghiệp đang tiếp tục chứng tỏ, đất không hẳn là điều kiện quan trọng nhất khi đầu tư vào nông nghiệp. Một ngành nông nghiệp không đất đang mở rộng cửa...

Làm nông nghiệp kiểu Thaco

Tháng 3 tới, Công ty Phân phối bao tiêu sản phẩm cho Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) sẽ được ra mắt. Nhiệm vụ được trao cho HNG là xuất khẩu trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây.

Sau đó ít thời gian, Nhà máy Sản xuất chế biến trái cây có công suất thiết kế trên 120.000 tấn/năm với các sản phẩm cấp đông, sấy dẻo, nước cốt xuất khẩu và Nhà máy Sản xuất vật tư nông nghiệp với công suất thiết kế trên 200.000 tấn/năm sẽ được khởi công xây dựng tại Chu Lai.

Với tổng chi phí đầu tư khoảng 3.425 tỷ đồng và dự kiến đi vào hoạt động ngay trong nửa đầu năm 2020, các nhà máy này sẽ là những mảnh ghép nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị trái cây khép kín cho HNG tại vùng trồng ở Nam Lào, Tây Nguyên, tạo đầu ra ổn định cho nông dân ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung.

Tin mới dồn dập, nhưng chỉ là những bước đầu tiên của Thaco trong nông nghiệp, sau khi đã trở thành đối tác lớn của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và cũng là bước đi đầu tiên của mô hình Khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp, mà chủ lực là trái cây và đồ gỗ xuất khẩu, có diện tích lên tới 451 ha, quy mô vốn đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng sẽ được Thaco triển khai đầu tư trong 5 năm tới. 

Hiện tại, HNG vẫn do HAGL nắm cổ phần chi phối. Thaco tham gia 35% cổ phần và chỉ tập trung sản xuất. Thaco sẽ thành lập công ty hoạt động song song, chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm, chế biến và phân phối.

Nhưng, điều này không hạn chế các kế hoạch lớn mà Thaco đã lên lịch làm trong mảng kinh doanh mà họ là “tay mới”.

Tất nhiên, sự bắt tay với tập đoàn tư nhân đầu tiên đầu tư lớn vào nông nghiệp của Việt Nam là HAGL ở thời điểm vùng trồng của tập đoàn này đã đạt quy mô lớn với 84.000 ha và đang đến kỳ thu hoạch cho phép Thaco đi nhanh và mạnh mẽ hơn trong những bước chân đầu tiên vào nông nghiệp.

Song việc Thaco là đối tác lớn của nhiều doanh nghiệp có tên tuổi tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô cũng như đã tự phát triển mảng dịch vụ logicstics - vận tải quốc tế của riêng mình thời gian qua có ý nghĩa nhất định trong các bước chân lớn vào nông nghiệp nói trên.

Những chuyến tàu chở theo linh kiện, thiết bị phục vụ cho mảng kinh doanh ô tô sắp tới của Thaco xuất phát từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Chu Lai sẽ không còn rỗng trong chuyến về. Nông sản, trái cây tươi hay các sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn của nước nhập khẩu từ các nhà máy trong Thaco Group chắc chắn sẽ giải bài toán hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp về lâu dài.

Nông nghiệp... không đất

Năm 2018, nông nghiệp Việt Nam thắng lớn với giá trị xuất khẩu đạt tới 40,02 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 19,51 tỷ USD, đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 9,34 tỷ USD.

Đáng nói là sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam như Vingroup, FPT, Hòa Phát, Thaco... đang hội tụ các điều kiện để đổi chất của ngành. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT từng nói, rất có thể, trong 10 năm tới, sẽ có doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam là doanh nghiệp về nông nghiệp.

Dẫu vậy, lúc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn phải nhắc tới thực trạng có đến 80 - 90% sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, hoặc xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, do đó, giá trị thu về không cao, thậm chí bị ép giá...

Mặc dù trong 10 năm trở lại đây, tổng vốn đầu tư vào khu vực nông nghiệp tăng gấp 4 lần, nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp trong cả nước, trong đó, có đến 92% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp lớn chưa tới 6%...

Giới chuyên gia bình luận, đầu tư vào nông nghiệp vẫn phải đối mặt với nỗi lo khi tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất thấp; tiếp cận đất đai vẫn rất khó... Chưa kể những rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết...

Song, ông Trần Bá Dương đang có cách riêng, khiến ông tự tin khi làm nông nghiệp. Đó là tiếp cận với nông nghiệp theo hướng 95% là khoa học và chỉ 5% là lao động.

Đây là mô hình mà Israel - đất nước hầu như không có điều điều kiện canh tác nông nghiệp, nhưng đang khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ, học hỏi cách làm nông nghiệp nhờ khoa học, công nghệ - đã và đang áp dụng. Nói một cách dân dã, theo kiểu của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, người bạn lâu năm và cũng đang là đối tác của ông Dương, thì đây là mô hình “nông nghiệp không đất”.

Ông Đức cũng cho rằng, nông nghiệp Việt chưa thực sự phát triển vì hiện không có phát minh, không có nghiên cứu nào mang tính quy mô, toàn diện. Ông đã đầu tư nhiều công nghệ và ứng dụng vào vùng trồng của mình với sự giúp đỡ, tư vấn của các chuyên gia đến từ Israel. Có thể kể đến công nghệ phân tích công thức đất, chỉ số dinh dưỡng, nước, làm ẩm, bón phân… Quy trình làm nông nghiệp này hoàn toàn khép kín dưới sự tính toán của máy móc.

Nhiều chuyên gia đánh giá, mô hình này sẽ là “con gà đẻ trứng vàng”, khi cộng thêm kinh nghiệm, trình độ quản trị sản xuất công nghiệp quy mô lớn của Thaco và ông Dương.

Việc Thaco bước chân vào nông nghiệp, kết hợp với HAGL hay làm khu công nghiệp nông nghiệp tại Thái Bình được xem là cú rẽ bất ngờ, vì lĩnh vực kinh doanh bấy lâu của Thaco là ô tô - cơ khí và nông nghiệp dường như không liên quan nhiều.

Nhưng với ông Dương, mọi sự đều có nguyên cớ, nhất là khi máy nông nghiệp là một trong những mảng thị trường ông đã “ngắm nghía” từ khá lâu, dựa trên thế mạnh về cơ khí ô tô sẵn có. Năm 2017, khi phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao được Chính phủ xác định là con đường phải đi, Thaco quyết định đầu tư thêm ngành sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp.

Thời điểm đó, máy nông nghiệp sản xuất trong nước vẫn ở thế yếu, thậm chí gần như không có cơ hội cạnh tranh với hàng ngoại nhập, nhưng dựa trên nền tảng của sản xuất ô tô được đầu tư lớn đang có và được cõng đỡ các chi phí khấu hao, bài toán mà Thaco phải giải chỉ còn là tìm cách làm ra những chiếc máy phù hợp với tập quán canh tác và đồng đất của Việt Nam. Dù không dễ, nhưng với người chịu khó tìm tòi và thực tế như ông Dương, thách thức này là cơ hội lớn cho Thaco trong nông nghiệp.

“Sau thời gian nghiên cứu, chúng tôi thấy, phải thực hiện 3 giải pháp đồng bộ nhằm chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp. Một là, ứng dụng công nghệ cao một cách phù hợp theo lộ trình. Hai là, quản trị bằng ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở số hóa. Ba là cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến cho các sản phẩm nông nghiệp chuyên biệt theo nhóm...”, ông Dương tâm sự. 

Đầu năm 2018, Nhà máy Sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp tại Chu Lai đã đi vào hoạt động cùng với việc thiết lập hệ thống phân phối và bán lẻ trên toàn quốc. Đây cũng là những bước đi đầu tiên cho chiến lược phát triển nông nghiệp ngũ cốc mà chủ yếu là lúa cho vùng Đồng bằng Bắc bộ, theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn, áp dụng cơ giới - tự động hóa bằng các thiết bị chuyên dụng và quản trị dựa trên nền tảng số hóa 4.0, theo chuỗi giá trị khép kín.

Phải nhắc lại, từ năm 2017, Thaco và Tập đoàn Lộc Trời đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và lập chiến lược dấn sâu vào nông nghiệp thông qua việc đầu tư xây dựng Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp tại huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình).

Thái Bình được xem là địa điểm đầu tư chiến lược trong kế hoạch đầu tư vào nông nghiệp của Thaco. Các cánh đồng lúa tại Thái Bình có thể kết nối với nhau thông qua hệ thống kênh nội đồng và với các tỉnh trong vùng thông qua sông Hóa, sông Luộc, sông Hồng; kết nối với cảng Hải Phòng, cửa khẩu Lạng Sơn và các địa phương bằng hệ thống đường quốc lộ.

Đây sẽ là địa điểm để Thaco triển khai Dự án Sản xuất công nghiệp ngũ cốc thông qua đầu tư Khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp. Thaco sẽ thi công 4,8 km kết nối khu công nghiệp này với Quốc lộ 10, đầu tư bến cảng sông nội địa; triển khai cánh đồng thực nghiệm trồng lúa giống, ứng dụng cơ giới hóa, quản trị công nghiệp vào canh tác, hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đồng thời, ông Dương cho biết, sẽ triển khai liên kết trồng lúa với các hợp tác xã, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và giải pháp cơ giới hóa, hỗ trợ kỹ thuật đồng bộ từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch và bao tiêu nông sản.

Ngoài Khu công nghiệp chuyên nông, lâm nghiệp được đầu tư ngay tại Khu kinh tếmở Chu Lai, Thaco cũng sẽ đầu tư thêm một khu tương tự ở vùng Đông Nam bộ.

Trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019, Thaco sẽ xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây (tương ứng 15.000 container), đạt doanh thu khoảng 250 triệu USD. Năm 2020, dự kiến sản lượng xuất khẩu trái cây trên 800.000 tấn, đạt doanh thu khoảng 600 triệu USD và hướng đến 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2021.

Đầu tư nông nghiệp “không giống ai”

Với ưu thế vượt trội trong ngành kinh doanh cốt lõi là ô tô và cơ khí, cùng với tiềm lực tài chính, Thaco đầu tư vào nông nghiệp với cách đi “không giống ai”.

Thứ nhất, Thaco công bố các khoản đầu tư lớn liên tục và đa dạng trong lĩnh vực nông nghiệp, từ chế biến, phân phối, vật tư nông nghiệp...

Thứ hai, khác với phần lớn các doanh nghiệp thường chọn thị trường nội địa để thử sức khi mới bước chân vào nông nghiệp, Thaco nhắm tới thị trường nước ngoài cho chiến lược phát triển nông nghiệp của mình.

Thứ ba là sự có mặt của Thaco trong các dự án hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, gồm cả công nghệ cao và hạ tầng logistics, đường, cầu cảng...

Trong chu kỳ đầu tư lần thứ 4 của Thaco tại Chu Lai, bến cảng nước sâu chiều dài 350 m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng cũng đã được lên kế hoạch.

Tin bài liên quan