Tín dụng đen lợi dụng Covid-19 “thâu tóm” khách hàng
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Cục tiếp nhận một số phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động cho vay trực tuyến.
Theo đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người mất việc làm nên có nhu cầu tài chính để chi tiêu hoặc thanh toán nợ nần. Từ đó, họ tìm đến vay trực tuyến vì điều kiện được vay hết sức đơn giản, chấp nhận lãi suất cao ngất ngưởng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới.
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, có 22.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cả nước cũng có gần 14.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5.277 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.776 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
Chia theo ngành, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (1.900 doanh nghiệp); công nghiệp chế biến, chế tạo có 599 doanh nghiệp; xây dựng có 425 doanh nghiệp…
Trong 4 tháng, cả nước còn có 14.300 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Điểm đáng chú ý là tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội của cả nước tháng 4 giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3%.
Bà Nguyễn Thị Hương, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, Đắk Nông chia sẻ: “Gia đình tôi kinh doanh hàng tạp hóa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tháng 3 và tháng 4 lượng khách giảm rất nhiều. Thu nhập từ hoạt động buôn bán vì thế cũng giảm theo”.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, rất nhiều người dân bị ảnh hưởng do đại dịch dẫn đến không có công việc và buộc phải dùng nguồn tài chính tích lũy để chi tiêu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có sẵn nguồn tài chính tích lũy cũng như nguồn tiền tích lũy đủ để chi tiêu trong giai đoạn cách ly, nên không ít người đã phải lựa chọn vay qua tín dụng đen.
“Trước đây, tình trạng vay qua tín dụng đen vẫn tồn tại nhưng do người dân vẫn có công việc nên vẫn trả được nợ dù cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn này, do nhu cầu tăng cao, dù biết khả năng trả nợ lại thấp đi, các nhóm cho vay tín dụng đen đã chọn là thời điểm phải "thâu tóm" tài sản của khách hàng”, TS. Hiếu nói.
Chị Nguyễn Thị Thơm, Tổ dân phố số 13, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm cho biết, nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình là từ hoạt động sản xuất bún.
Nhưng, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân hạn chế ra đường mua sắm, chợ thì ế ẩm, hàng quán đóng cửa nên lượng bún bán ra không đáng kể. Do vậy, gia đình đã tạm dừng sản xuất.
“Giờ thu nhập của gia đình gần như không có, cả nhà chỉ sống bằng chút tiền dành dụm ít ỏi. Khi dịch bệnh qua rồi, gia đình vẫn lo vốn để tiếp tục sản xuất”, chị Thơm chia sẻ.
Công ty tài chính và ngân hàng cần phát huy tích cực hoạt động tín dụng
Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM vừa triệt phá thành công và mở rộng điều tra vụ án cho vay nặng lãi qua các ứng dụng (app) như “moreloan”, “vaytocdo”... vốn được quảng cáo công khai trên mạng xã hội, với điều kiện cho vay rất đơn giản.
Được biết, khách hàng vay tiền qua ứng dụng “vaytocdo” được duyệt tối đa 1,7 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ 1,428 triệu đồng bởi vì phải trừ 272.000 đồng phí dịch vụ.
Trong vòng 1 tuần, người vay phải trả gốc và lãi là 2.040.000 đồng, nếu chậm trả sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.
Tương tự, người vay qua “moreloan” được vay tối đa 1,5 triệu đồng nhưng thực lãnh chỉ 900.000 đồng bởi 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và lãi trong vòng 1 tuần. Nếu người vay chậm trả sẽ bị phạt từ 2% đến 5% mỗi ngày.
Tính ra, người vay phải trả lãi suất tương đương 21%/tuần và 1.095%/năm. Cũng như kịch bản của các món vay tín dụng đen khác, khách hàng được dỗ ngon ngọt khi vay nhưng trong trường hợp không trả nợ đúng hạn sẽ bị nhóm người cho vay nhắn tin đe dọa và gửi tin nhắn quấy rối, khủng bố đến những người thân, quen biết.
Đáng chú ý, số nạn nhân đã lên tới hơn 60.000 người tại khắp 60 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tốc độ tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng những năm gần đây khá nhanh nhưng các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính đã đáp ứng phần nào nhu cầu vốn của người dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều người gặp khó khăn, cần vốn đột xuất đã tìm đến các kênh vay vốn “nóng” bên ngoài hay vay qua app. Do đó, người vay cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ về thủ tục, điều kiện vay vốn, mức lãi suất.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương lưu ý và khuyến cáo người tiêu dùng không vay tiền trực tuyến của các tổ chức, cá nhân có những dấu hiệu sau: các tổ chức, cá nhân không giới thiệu rõ chức năng của đơn vị là công ty tài chính, ngân hàng hoặc là đơn vị có chức năng tư vấn, kết nối giữa người đi vay và người cho vay; không nêu rõ thông tin về tên công ty, địa chỉ, số điện thoại hoặc có nhưng địa chỉ, thông tin liên hệ ở nước ngoài; không công bố biểu phí hoặc làm rõ các chi phí phát sinh trong quá trình giao dịch; không gửi trước mẫu hợp đồng vay tiền và các nội dung chi tiết để người vay tìm hiểu trước khi giao dịch.
“Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn tiếp diễn, người dân gặp khó khăn về tài chính, không bảo đảm khả năng trả nợ nên chủ động tìm đến các đơn vị liên quan để được gia hạn nợ, tránh tình trạng trả nợ quá hạn dài ngày, phát sinh các khoản tiền phạt và các trách nhiệm pháp lý liên quan”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đưa ra lời khuyên.
Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân, khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ. Người dân cần cảnh giác cao với vay tiền qua website, ứng dụng.
Thực tế, NHNN đã từng cảnh báo nhiều lần về biến tướng của hoạt động cho vay này khi một số đối tượng có thể núp bóng “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao tiềm ẩn rủi ro cho cả người vay và người cho vay.
“Để hạn chế tín dụng đen, cần phát huy tích cực hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, gồm cả ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Đồng thời, cũng phải bảo đảm kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng”, ông Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ.