Kết quả đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới năm 2017 cho thấy WB mới chỉ ghi nhận Việt Nam có cải cách tích cực trong thủ tục hải quan.
Cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được thực hiện ở một số bộ, song theo WB, vẫn còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ cũng như mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian thực hiện các thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới còn dài, do vậy mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh chưa được cải thiện như mục tiêu Chính phủ đặt ra là đạt trung bình các nước ASEAN 4.
Những tồn tại, vướng mắc về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ rõ như số lượng văn bản điều chỉnh hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn khá nhiều. Theo thống kê, số lượng văn bản điều chỉnh hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành tính đến nay có tới hơn 400 văn bản, đó là chưa kể những văn bản “trá hình”.
Bên cạnh đó, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng (hàng hóa nhóm 2) hầu như chưa được cắt giảm, thậm chí có xu hướng tăng. Ngoài ra, là sự chồng chéo trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm được cải thiện; thời gian thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã giảm nhưng vẫn còn dài, dẫn tới nhiều rủi ro cho doanh nghiệp như chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh.
Đặc biệt, các vấn đề mà doanh nghiệp cho rằng không hề có sự chuyển biến mà thậm chí còn gia tăng là chi phí kiểm tra chuyên ngành quá lớn, đặc biệt là phí kiểm tra hiệu suất năng lượng, phí kiểm dịch thú y và phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu...
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), hiện còn nhiều bộ vẫn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa lại được đẩy về quy định thành điều kiện kinh doanh.
Trước thực trạng này, Viện trưởng Ciem Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng dứt khoát cần đặt mục tiêu rõ ràng và quyết liệt hoàn thành việc loại bỏ ít nhất 1/2 số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu trong năm 2018; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm.
Ông Cung đề xuất Tổng cục Hải quan cần tập hợp, cung cấp danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành có liên quan. Trên cơ sở danh mục này, các bộ ngành tiếp tục tập trung rà soát, quyết định danh mục hàng hóa cụ thể được loại bỏ khỏi danh mục kiểm tra chuyên ngành và quyết định bổ sung, sửa đổi danh mục (mới) các hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, đảm bảo hoàn thành trước quý II/2018.
Ông Cung cũng kiến nghị đẩy nhanh việc rà soát, kiến nghị bổ sung sửa đổi các nghị định có liên quan nhằm thay đổi chức năng thẩm quyền của các bộ theo hướng đối với một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ chịu trách nhiệm quản lý; cùng với đó, đổi mới phương thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân. Tất cả những hạng mục này cũng cần hoàn thành dứt điểm trong quý II/2018.
“Nếu thấy cần thiết thì thậm chí có thể tiếp tục kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan để đảm bảo lập lại trật tự công tác kiểm tra chuyên ngành, đồng thời công khai rõ tình hình thực hiện để có thêm áp lực từ sự giám sát của công luận đối với việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương”, ông Cung đề xuất.
Theo Viện trưởng CIEM, cùng với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thì đây là công việc trọng tâm cần hoàn thành trong nửa đầu năm 2018, để không chỉ đạt mục tiêu thăng hạng năng lực cạnh tranh mà quan trọng hơn là làm cho hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.