Để có nền hành chính minh bạch…
Việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đang được đẩy lên cao trào. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại sẽ không như mong đợi nếu chỉ có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu sự cộng hưởng tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp.
Liên quan đến quyết sách cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính đang được triển khai, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết, các nỗ lực cải cách được đưa ra không chỉ lắng nghe ý kiến từ phía các cơ quan quản lý nhà nước mà quan trọng là từ cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Dũng cho biết, trước khi công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018), Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin qua Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng.
“Chúng tôi liên tục có các cuộc đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Đây là kênh thông tin quan trọng để giúp các cơ quan có trách nhiệm tiếp thu, giải trình trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi mà bộ, ngành quản lý”, ông Dũng nói và cho biết, đến nay các bộ đã gửi dự thảo nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh đến Văn phòng Chính phủ. Trong đó có dự thảo đang lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, có dự thảo đã trình lên Thủ tướng.
“Cùng với việc xin ý kiến các thành viên Chính phủ góp ý cho các dự thảo trên, Văn phòng Chính phủ còn có kênh độc lập để đánh giá nhằm đảm bảo tránh việc cắt giảm điều kiện kinh doanh mang tính cơ học, cắt cái này lại mọc cái khác, chuyển từ điều kiện kinh doanh sang quy chuẩn kỹ thuật. Làm việc này là va chạm, nhưng vì đất nước nên phải làm...”, ông Dũng cho hay.
Nếu thành công trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, theo người phát ngôn của Chính phủ, sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý quản trị thông minh, cũng như tăng trưởng kinh tế bền vững. Nếu thủ tục hành chính minh bạch, một khi doanh nghiệp nộp đầy đủ thủ tục, mà cơ quản lý không giải quyết thì đều giám sát được việc tắc ở đâu.
… DN cần nói không với lót tay
Thực tế cho thấy các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian qua phần nhiều trông chờ vào sự thay đổi của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Những nỗ lực đến từ một phía không khác gì mong muốn tạo nên một hiệu ứng tích cực bằng việc “vỗ một bàn tay”.
Để góp sức cải cách thủ tục hành chính, các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, nhất là hành động để tạo hiệu ứng cùng bộ máy quản lý nhà nước thực thi chỉ đạo này.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nếu chỉ cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc mà doanh nghiệp không làm thì tình trạng chi phí ngoài luồng vẫn tồn tại, vì doanh nghiệp nào cũng muốn công việc, dự án của mình được giải quyết nhanh.
Như ông Thân nói thì “thủ tục hành chính giải quyết qua một cửa, nhưng thực tế vẫn còn nhiều cửa có thể giải quyết được, nên cốt lõi của cải cách là yếu tố con người và công nghệ. Công nghệ để kiểm soát tư cách, lòng tham của con người. Nếu không, các nội dung cải cách viết ra rồi lại để vào ngăn bàn hết…”.
Chia sẻ góc nhìn trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới, việc đổi mới hình thức thủ tục hành chính và công nghệ thông tin sẽ giúp ích cho nỗ lực cải cách. Sắp tới, Thủ tướng sẽ họp Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Điều này đang tạo ra kỳ vọng lớn trong thay đổi cách nhìn về cải cách.
“Trong Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ có các doanh nghiệp tư nhân tham gia chứ không phải mấy cơ quan nhà nước ngồi với nhau. Khi mọi quy trình đều công khai thì chi phí ngoài luồng, bao thư, thiệp chúc mừng…, sẽ được kiểm soát. Khi đó mức độ hài lòng của doanh nghiệp sẽ tốt hơn...”, ông Dũng cho hay.
Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1072/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 28/8/2018) thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.
Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban. Thành viên của Ủy ban này bên cạnh nhiều bộ trưởng còn có Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT...
Ủy ban có chức năng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về chủ trương, chiến lược, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho triển khai cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Khi có sự vào cuộc của các bên liên quan, nỗ lực cải cách hành chính được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả thực chất cho nền kinh tế.
Khó cải cách nếu doanh nghiệp vẫn đưa… phong bao
Quan trọng là làm sao chuyển tải những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh đến doanh nghiệp với tư cách vừa là đối tượng được thụ hưởng kết quả cải cách này, vừa có trách nhiệm tham gia các bước cải cách tiếp theo. Cải cách thủ tục hành chính mà chỉ có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước các cấp là chưa đủ, cần huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Về phía mình, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia quá trình thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Nếu doanh nghiệp không hiểu nội dung của cải cách, đứng ngoài cuộc, thì hiệu quả cải cách sẽ khó như mong đợi. Chính quyền các cấp, cán bộ làm nghiêm túc, nhưng doanh nghiệp không thay đổi tư duy và hành động, mà vẫn đưa “phong bao” trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, thì tác động tiêu cực đến tư tưởng, tinh thần của cán bộ nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Thuận - Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử…
Một trong những thông điệp lớn của Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018 (APCI 2018) là Chính phủ phải quyết liệt siết chặt kỷ cương, đặc biệt là phải thay ngay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công việc. Cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử…
Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo. APCI 2018 xác định yếu tố con người, cụ thể là năng lực và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức nhà nước là rất quan trọng trong giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Yếu tố con người được thể hiện xuyên suốt từ cấp trung ương đến địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính và xây dựng chính sách, quy định pháp luật tốt; giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời. APCI 2018 cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ, thái độ làm việc của cán bộ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính nhằm hướng tới một nền hành chính phục vụ.
Sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình xây dựng pháp luật, thủ tục hành chính và giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu chi phí tuân thủ nói riêng, xây dựng Chính phủ liêm chính nói chung.
Ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính