Đối với doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, chất lượng nhân lực và nguồn thông tin mới là quan trọng

Đối với doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, chất lượng nhân lực và nguồn thông tin mới là quan trọng

Cắt giảm điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm: Chưa triệt để

(ĐTCK) Trong nỗ lực cải cách ngành tài chính, Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất cắt giảm một số điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, cơ quan này còn “bỏ sót” nhiều điều kiện lẽ ra nên cắt bỏ để bớt làm khó doanh nghiệp.

Những điểm tích cực

Tại dự thảo sửa đổi một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính vừa được công khai lấy ý kiến có nội dung về cắt giảm một số điều kiện kinh doanh đối với loại hình dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Bước đi này được kỳ vọng sẽ “dọn dẹp” các điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây khó cho dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, qua đó thúc đẩy tổ chức này sớm hình thành để tiếp sức cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vốn đang èo uột.

Chẳng hạn, liên quan đến quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Khoản 7, Điều 14 - Nghị định 88/2014 về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm quy định “có các quy trình nghiệp vụ đáp ứng quy định tại Điều 31 Nghị định này và văn bản cam kết thực hiện các quy trình nghiệp vụ khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh...”.

Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất cắt giảm điều kiện “có văn bản cam kết thực hiện các quy trình nghiệp vụ khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”.

Trước đó, trong thời gian lấy ý kiến các bên liên quan, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị Bộ Tài chính bỏ điều kiện “có văn bản cam kết thực hiện các quy trình nghiệp vụ khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”, bởi theo VCCI, dù cam kết hay không thì doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nghĩa vụ này. Hơn nữa, cam kết không phải là căn cứ để Nhà nước xử phạt doanh nghiệp khi vi phạm kinh doanh…

Cũng liên quan đến quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Điều 14 Nghị định 88/2014 quy định để được cấp phép hoạt động, đối tượng xin phép phải có phương án kinh doanh, bao gồm các nội dung như kế hoạch kinh doanh, dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động, kế hoạch nhân sự…

Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất bỏ nội dung “dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động", đồng thời đề xuất cắt giảm điều kiện “có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật…”.

Chưa triệt để

Nhìn nhận về phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bên cạnh những điểm tích cực, có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính còn “bỏ sót” nhiều điều kiện lẽ ra nên cắt giảm để bớt làm khó doanh nghiệp.

Chẳng hạn, về điều kiện mức vốn pháp định của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm là 15 tỷ đồng, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đề nghị bỏ điều kiện này, bởi mục tiêu quản lý nhà nước khi yêu cầu về vốn pháp định đối với doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm là không rõ ràng.

Theo VCCI, với hoạt động kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, vốn điều lệ không phải là yếu tố quyết định đến tính an toàn, chính xác của hoạt động xếp hạng tín nhiệm, mà quan trọng là trình độ của nhân lực, cũng như nguồn thông tin mà doanh nghiệp có được.

"Chúng tôi cũng không nhận thấy rủi ro đáng kể nào của hoạt động kinh doanh này liên quan đến lợi ích công cộng nếu doanh nghiệp không có một số vốn nhất định. Còn nếu mục tiêu của việc đặt ra điều kiện về vốn là để đảm bảo yếu tố hoạt động kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp, thì đây là mục tiêu chưa phù hợp theo quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư", VCCI nhìn nhận.

Hay về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, tuy Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ nội dung “dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động", nhưng theo VCCI, cắt giảm như vậy là chưa đủ, mà cần bỏ thêm điều kiện “có kế hoạch kinh doanh”, vì điều kiện này can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp...

Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính vẫn duy trì điều kiện hiện hành về chuyên môn, kinh nghiệm và nơi cư trú đối với tổng giám đốc của doanh nghiệp. VCCI đề nghị bỏ các điều kiện này, bởi việc áp đặt điều kiện, tiêu chuẩn của giám đốc, tổng giám đốc là chưa hợp lý.

"Về mặt pháp lý, chủ thể chịu trách nhiệm trước pháp luật cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm là doanh nghiệp chứ không phải là giám đốc, tổng giám đốc. Trách nhiệm của giám đốc, tổng giám đốc được thuê với doanh nghiệp là chuyện nội bộ của doanh nghiệp. Hơn nữa, trong quy trình xếp hạng tín nhiệm, có sự tham gia của chuyên gia phân tích, sự thống nhất của Hội đồng xếp hạng tín nhiệm, vai trò của giám đốc, tổng giám đốc là ít liên quan đến kết quả, chất lượng của báo cáo xếp hạng...", VCCI lý giải.

Tin bài liên quan