Bữa tiệc biển
Cát Bà là một trong 367 hòn đảo lớn nhỏ nằm ở quần thể vịnh Lan Hạ, tạo với Vịnh Hạ Long không gian biển xanh nên thơ, uốn lượn giữa những ngọn núi đá vôi chập chùng.
Dân gian đến nay vẫn rỉ tai nhau câu chuyện rằng, xưa kia Cát Bà vốn là hậu cung của người đàn ông đầu tiên khai hoang hòn đảo này. Ông đã cưu mạng tất cả số phận góa phụ mất chồng sau những chuyến đi biển hiểm nguy ra sống ở đây. Cái tên khởi thủy của hòn đảo xinh đẹp, trù phú, biệt lập ban đầu là Các Bà. Trải qua nhiều biến đổi, thăng trầm, địa danh giờ được gọi chệch đi thành Cát Bà.
Câu chuyện truyền miệng này tôi cho rằng không phải không có căn cứ. Ở thị trấn Cát Bà bây giờ vẫn có một ngôi đền lấy tên là Các Bà. Các bản đồ hành chính thời Pháp thuộc (như bản đồ năm 1938) cũng ghi là Các Bà.
Thật thú vị khi người Việt Nam thường thích đến Cát Bà vào mùa hè, khoảng từ tháng 5 - 8. Còn khách nước ngoài lại chọn quãng tháng 11 - 3. Tôi thì chọn khoảng thời gian giao thoa ở giữa, tháng 9 để đến viên ngọc giữa trùng khơi, ốc đảo thần tiên của biển này.
Trước đây khách du lịch có nhiều cách di chuyển đến Cát Bà: tàu hỏa, ô tô, xe máy, xe khách...Phương tiện nào cũng tiện. Sau 1 giờ 30 phút di chuyển Hà Nội - Bến phà Gót - Cái Viềng. Thêm 20 phút lênh đênh trên phà tôi đã đến với thiên đường biển.
Khi phà cập bến, một người phụ nữ trung niên tên Bình, giới thiệu là người địa phương mời tôi và nhóm du khách đi cùng thuê một chiếc tàu du lịch nhỏ nhắn sức chứa 5-7 người. Chị sẽ đưa chúng tôi đi khắp vịnh Lan Hạ, ghé vào cả chục bãi tắm lớn nhỏ khác nhau. Một vài trong số đó như: Cát Cò 1, Cát Cò 2, Bãi Cô Tiên... cũng đã được liệt kê trong hành trình của tôi. Thấy tôi chần chừ, chị “chốt sale” nhanh bằng cách khuyến mãi thêm một chặng vòng sang vịnh Hạ Long mất ít giờ tha hồ chèo thuyền kayak, xem hang động nếu tôi muốn. Mùa này không phải cao điểm du lịch nên chị chỉ muốn có khách để nói chuyện cho đỡ buồn. Vậy là chốt.
Trước khi lên thuyền, chị giục chúng tôi cần tìm món gì đó để ăn cho bữa trưa. Vốn đã nghe danh hải sản Cát Bà từ lâu, tôi quyết tâm tìm bằng được một quán ăn nổi tiếng để thưởng thức 3 món: Bề bề rang muối, tu hài và ốc.
Bề bề hay tôm tít là đặc sản nổi tiếng ở đây. Nhờ lớn lên ở vùng biển sạch, giàu dinh dưỡng mà chúng to mẩy, bóng bẩy và ngọt nước. Chế biến chúng không có công thức gì đặc trưng, có thể phối với nhiều loại nguyên liệu nhưng quan trọng chúng phải không bị dập nát. Bề bề rang muối là món ăn bình dân có ở mọi bãi biển trên đảo. Giá cả vừa phải ở mức 200.000 đồng/đĩa.
Tu hài cùng họ với ngao, nhưng sống ở nước mặn, có giá trị dinh dưỡng cao hơn và đắt tiền hơn. Ngon nhất là những con tu hài hấp giòn quyện với gia vị thơm nức.
Ốc là hải sản không thể bỏ qua ở mọi vùng biển. Cát Bà cũng vậy. Chỉ có điều tại đây có nhiều cái tên khá lạ tôi chưa nghe thấy bao giờ như ốc đỏ môi, ốc xe điếu…Tôi chọn ốc xào me, ốc hấp xả ớt. Còn ốc loại gì tùy chủ quán lựa. Món ăn thơm vị xả, gừng, dừa, và mùi mặn mòi của biển. Còn vị ngon thì như một bữa tiệc của biển. Đó là bản hòa ca của vị ngọt nước xào, bùi béo của dừa, tươi rói của ốc, ớt cay xè và vị ấm nóng của gừng.
Chỉ mất 30 phút tôi đã đánh chén xong 4 đĩa hải sản mà vẫn còn thòm thèm chưa nỡ đứng dậy trả tiền.
Những trải nghiệm thú vị ở ốc đảo thần tiên
Sau khi đã lo xong cho cái bụng, giờ là thời gian tôi dành cho cuộc hành trình khám phá biển khơi. Theo gợi ý của chị Bình, chiều nay thuyền sẽ ghé chuỗi bãi tắm anh em Cát Cò 1, 2, 3 trước. Cả 3 bãi tắm đều nằm tựa lưng vào núi đá vôi bao quanh vịnh biển, tạo nên đường cong hoàn hảo.
Nước biển ở đây xanh màu ngọc bích thường chậm chạp xô vào bờ cát trắng mịn trải dài. Bãi Cát Cò 1 rộng nhất, đẹp nhất vì biết lựa núi mà uốn khúc. Cát Cò 2 nhỏ hơn nhưng hoang sơ, yên bình. Bãi tắm này từng được chuyên trang Thrillist vinh danh là một trong top những bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á. Duy chỉ Cát Cò 3 là nhộn nhịp, tấp nập đêm ngày vì có rất nhiều chỗ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng.
Ba bãi tắm được nối với nhau bằng những chiếc cầu gỗ men theo sườn núi, tạo nên khung cảnh lãng mạn, yên bình. Tôi bước lên lối đi quanh co, đang lấp lánh dưới hoàng hôn rực lửa. Các ngọn núi bao quanh bờ biển hiện ra trầm tĩnh bên những dải mây trắng hững hờ nằm vắt trên nền trời xanh biếc. Còn biển thì dịu dàng như một thục nữ e thẹn.
Tôi lặng im vươn mắt nhìn ra tít tắp giữa màu xanh của biển, của trời và của núi. Một vẻ đẹp hoang sơ của xứ đảo đầy cây xanh, cát trắng, nắng vàng, biển bạc lấp lánh và hoàng hôn tuyệt đẹp nhuộm đỏ cả thế gian. Mọi thứ đều có thể làm cho du khách ngỡ ngàng đến lạ. Ngày hôm ấy, tận 18 giờ chúng tôi mới bịn rịn chia tay biển trở lại thị trấn. Quả như bạn tôi nói: Cát Bà “dễ đi, khó về”.
Cát Bà ngoài nắng ấm, biển xanh, cát trắng còn có rất nhiều trò chơi thú vị như: lặn biển ngắm san hô, lướt ván buồm, bóng chuyền, bóng đá bãi biển... Được nhiều người yêu thích nhất là chèo thuyền kayak.
Buổi sáng hôm sau tôi nhờ chị Bình chở ra xa vịnh Lan Hạ, nơi không bắt gặp những chiếc du thuyền đi lại tấp nập ở vùng vịnh Hạ Long. Nơi đây chỉ có những hòn đảo nhỏ hoang vắng, những bờ cát nhỏ không mấy khi có khách lên chơi để tha hồ chèo thuyền.
Chiếc thuyền kayak được tôi điều khiển uyển chuyển, len lỏi giữa các vách đá, chui qua mấy hẻm núi ngập nước. Nước tại đây khá nông và trong, có thể nhìn thấy cả những rạn san hô và rong biển phía dưới mái chèo. Vừa đi tôi vừa phóng tầm mắt ra xa ngắm nhìn Cát Bà trong xanh, hiên ngang trước thiên nhiên hùng vĩ. Dường như được đắm mình vào một không gian tuyệt diệu do thiên nhiên nhào nặn tài tình.
Khi mặt trời đứng bóng, truyền đến những tia nắng nhiều năng lượng tôi biết cuộc hành trình khám phá Cát Bà của mình sắp kết thúc. Tôi rời vịnh Lan Hạ bằng sự tiếc nuối lan tỏa. Còn quá nhiều trải nghiệm thú vị ở đây chưa được thưởng thức như lặn ngắn san hô, ăn tối trên du thuyền, đạp xe giữa những cánh rừng nguyên sinh trên đảo...
Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng hơn 26.000 ha, hội tụ đầy đủ rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động đang được coi là viên ngọc quý của ngành du lịch.
Không chỉ vậy, nội lực của Cát Bà cùng những bước chuyển mình mạnh mẽ đang biến nơi đây thành vùng trọng điểm kinh tế, du lịch miền Bắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đã mở ra tạo điều kiện thuận lợi cho di chuyển, giao thoa văn hóa và tiếp nhận các luồng đầu tư.
Kể từ khi chiếc cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện dài nhất Đông Nam Á chính thức đưa vào hoạt động, nối đất liền với đảo Cát Hải thì mọi người có thể đến Cát Bà như đi chợ mỗi khi thèm hương vị biển. Sắp tới, khi tuyến cáp treo 18km nối liền Hải Phòng ra tận Cát Bà hoàn thành thì hành trình còn dễ dàng hơn nhiều.
Nhiều phương tiện truyền thông cho rằng tất cả những điều nói trên là đòn bẩy để Cát Bà vươn xa trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Tôi thì nghĩ khác. Tôi cho rằng Cát Bà vốn sẵn những điều tự có. Tất cả những điều ấy chỉ mang đến cho hòn đảo này sức bật, vậy thôi.
Nhân dịp 15 ngày tôi ở nhà tự cách ly xã hội và đọc được tin tức Cát Bà đang đưa ra những biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 vô cùng quyết liệt, tôi càng có niềm tin vào những điều mình đã nghĩ.
Cát Bà, hẹn gặp lại một ngày không xa!