Carlsberg chưa thể mua ngay cổ phần của Habeco

Carlsberg chưa thể mua ngay cổ phần của Habeco

Mặc dù đã được Bộ Công thương ra thông báo chấp thuận, nhưng Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) sẽ phải hoàn tất một số động tác kỹ thuật để có thể chính thức bán tiếp 13% vốn điều lệ cho Tập đoàn Carlsberg Breweries A/S.

Sau thông báo của Bộ Công thương vào đầu tháng 11/2012 về việc bán tiếp 13% vốn điều lệ cho Tập đoàn Carlsberg Breweries A/S với giá bán cổ phần là 50.015 đồng/cổ phần, Habeco và Carlsberg Breweries A/S chưa thể thực hiện ngay việc mua bán này.

 

Để chuẩn bị cho việc mua lại 13% vốn điều lệ này của Habeco, Tập đoàn Carlsberg cũng đã chuyển số tiền cần thiết vào Việt Nam. Tuy nhiên, Đại hội đồng cổ đông bất thường mà Habeco dự tính triệu tập vào ngày 7/12/2012 cũng bị hoãn đột ngột.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, sở dĩ đại hội đồng cổ đông bất thường của Habeco, cũng như giao dịch giữa hai bên chưa thể diễn ra là do Bộ Công thương yêu cầu Habeco và Tập đoàn Carlsberg ngồi lại với nhau để tiến hành đàm phán một hợp đồng hợp tác dành cho đối tác chiến lược, nhằm thể chế hóa các hoạt động tiếp theo giữa hai bên. Hợp đồng hợp tác chiến lược này cũng là điểm khác biệt giữa cổ đông chiến lược với các nhà đầu tư thông thường.

 

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng yêu cầu Habeco có báo cáo đánh giá quá trình hợp tác giữa 2 bên trong 5 năm qua, kể từ khi Tập đoàn Carlsberg ký thỏa thuận, trở thành đối tác chiến lược của Habeco, tham gia quá trình cổ phần hoá và trở thành một cổ đông quan trọng của Habeco hồi tháng 9/2007 tại Hà Nội. Trong báo cáo về quá trình hợp tác 5 năm qua, Habeco cũng phải đưa ra được các nội dung công việc sẽ triển khai tiếp khi Carlsberg nâng tỷ lệ sở hữu lên 30%.

 

Sau khi các công việc trên hoàn tất, việc tiến hành đại hội đồng cổ đông bất thường của Habeco mới diễn ra.

 

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư về các bước mà Habeco triển khai, ông Trần Tuấn Phong, Chủ tịch HĐQT Habeco cho biết, “Habeco đang làm theo đúng các chỉ đạo của Bộ Công thương”.

 

Cho tới thời điểm này, Habeco đã có báo cáo với Bộ Công thương về quá trình hợp tác giữa 2 bên trong 5 năm qua, trên các phương diện đào tạo nhân lực, marketing, trợ giúp vay vốn, giới thiệu các đối tác cung cấp nguyên liệu với sự trợ giúp từ Carlsberg, như thỏa thuận đã được ký. Dĩ nhiên, kết quả của việc hợp tác giữa hai bên trong 5 năm qua thực sự chưa được như mong đợi. Điều này cũng có những nguyên nhân, như tỷ lệ nắm giữ của Carlsberg tại Habeco hiện mới chỉ hơn 16%, trong khi đó theo quy định, khi Carlsberg nắm giữ từ 30% vốn điều lệ trở lên, thì doanh nghiệp đó mới được xem là thành viên của Tập đoàn Carlsberg, nhận được những hỗ trợ và chính sách cụ thể từ Tập đoàn. Còn việc đối tác mới bán nguyên liệu sản xuất, thì Habeco cũng đã chủ động với vị thế của mình.

 

Ngoài ra, Carlsberg cũng đang dự thảo Hợp đồng hợp tác chiến lược với Habeco. Theo lộ trình, bản dự thảo này sẽ được gửi tới Bộ Công thương xem xét, trước khi chính thức hoàn tất việc mua bán 13% vốn điều lệ.

 

“Không có chuyện ngãng ra trong việc bán cổ phần của Habeco cho Tập đoàn Carlsberg như một số nhận xét gần đây, sau khi Đại hội đồng cổ đông bất thường của Habeco đã bị hoãn lại đột ngột. Câu chuyện hiện nay là làm theo đúng các quy định của pháp luật để tránh những rắc rối không đáng có sau này. Việc Carlsberg trở thành cổ đông chiến lược của Habeco đã được chính phủ hai bên thỏa thuận và không có chuyện Bộ Công thương hay Habeco ngãng ra”, nguồn tin của Báo Đầu tư nhận xét.

 

Việc nâng cổ phần tại Habeco lên 30% chắc chắn sẽ giúp Carlsberg có những bước tiến nhất định trên thị trường bia Việt Nam . Ngoài phần sở hữu tại Habeco, hiện Carlsberg sở hữu 60% cổ phần tại Công ty Bia Đông Nam Á với nhãn hàng Halida, sở hữu 100% tại Công ty Bia Huế với nhãn hiệu Huda, nắm 30% tại Công ty Bia Hạ Long và nắm 55% cổ phần tại Công ty cổ phần bia Hà Nội - Vũng Tàu (với nhãn hiệu Carlsberg và Habeco). Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ có mối quan hệ với Habeco sẽ giúp Carlsberg đi được xa hơn nữa, bởi các công ty Bia Hạ Long, Bia Hà Nội - Vũng Tàu hay Bia Đông Nam Á đều chưa có hiệu quả tốt về kinh doanh.

 

Năm 2012, sản xuất của Carlsberg tại Việt Nam chưa được 300 triệu lít, vẫn xếp hàng thứ 4 trong số các công ty bia đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, sau Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Habeco và ABP (với nhãn hàng chính là Heineken và Tiger).

 

Về phía mình, Habeco vẫn là nhà sản xuất bia đứng thư 2 trên thị trường, với sản lượng tiêu thụ năm 2012 vượt mốc 600 triệu lít.

 

Thực tế trên cho thấy, Carlsberg chắc chắn không muốn dừng ở mức 30% vốn điều lệ của Habeco, nhất là khi tốc độ tăng trưởng của thị trường bia Việt Nam năm 2013 được dự báo sẽ đạt 12%, cao hơn mức tăng trưởng 6,7% của năm 2012.