Ít tên tuổi lớn
Tuy số lượng doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020 lên tới con số 120, nhưng nhìn vào danh sách theo Quyết định 908/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, không có nhiều tên tuổi lớn.
Đa phần các doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý và cũng không phải là những cái tên nổi trội được giới đầu tư chú ý.
Một số doanh nghiệp có thương hiệu, bán với tỷ lệ lớn có thể kể đến như Tổng công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Đồng Nai (Công ty mẹ) hiện Nhà nước nắm 63,54% sẽ thoái xuống còn 36%; Công ty cổ phần Kinh doanh và đầu tư Việt Hà bán 51%; Giầy Thượng Định bán 68,67%; Điện tử Giảng Võ bán 65,19%; Thống Nhất Hà Nội bán 45%; Giống Gia súc Hà Nội bán 60,35%, Công ty cổ phần Đồng Xuân bán 71%...
Những thương vụ thoái vốn được chờ đợi tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Máy Động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Viglacera… là những nơi sẽ thực hiện sắp xếp, thoái vốn theo phương án cụ thể. Hàng loạt doanh nghiệp khác lùi thoái vốn sang giai đoạn 2021 - 2025.
Nếu nhìn vào các quy định hiện hành, sẽ khó có cửa cho việc triển khai các thương vụ thoái vốn nhà nước lớn. Đơn cử như tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, việc định giá doanh nghiệp không đơn giản, thậm chí có thể mất tới hàng năm trời khi tài sản của doanh nghiệp trải dài khắp đất nước, thậm chí có ở cả nước ngoài.
Tại Đại hội đồng cổ đông của Petrolimex diễn ra tuần trước, nội dung thoái bớt vốn nhà nước được nhiều cổ đông chất vấn.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch PLX chỉ nói: “Hiện Tập đoàn báo cáo Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp và chờ chỉ đạo của cơ quan này rồi mới triển khai tiếp”.
Trước đó, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo của Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp cho hay, từ nay đến cuối năm, Ủy ban tập trung cho việc cổ phần hóa và IPO Genco 2, Genco 1, chứ chưa có kế hoạch gì liên quan đến thoái vốn tại Petrolimex.
Dường như chỉ có thương vụ thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty Viglaceradễ thành hiện thực. Hiện nay, tổng công ty này đã hoàn thành xong bản quyết toán cổ phần hóa, làm căn cứ cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, sau khi có báo cáo tài chính bán niên của Viglacera, các bên sẽ ra được bản định giá cổ phần.
Dự kiến, tháng 11 - 12/2020, Bộ sẽ hoàn thành thoái vốn nhà nước tại tổng công ty này theo nguyên tắc minh bạch và không gây thất thoát vốn nhà nước.
Tuy nhiên, với việc nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế tỷ lệ sở hữu tại Viglacera, đồng thời với việc doanh nghiệp đang có Gelex sở hữu lượng lớn cổ phần, cuộc chạy đua chiếc vé còn lại này xem ra không mấy hấp dẫn.
Dễ khi gắn với đất
Trở lại với câu chuyện thoái vốn của SCIC tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam - CTCP (Seaprodex, mã chứng khoán SEA, UPCoM), đây được coi là thương vụ “bom tấn” của SCIC trong năm 2020 khi hiện nay Tổng công ty sở hữu hơn 63% vốn của Seaprodex.
Với mức vốn điều lệ 1.250 tỷ đồng, thị giá đạt trên 22.000 đồng/cổ phiếu, có quyền sử dụng đất gắn với những mảnh đất ở vị trí “kim cương” tại TP.HCM, Seaprodex là cái tên được nhăm nhe bởi nhiều đại gia bất động sản có tiềm lực.
Nhưng miếng ngon không dễ xơi, Tập đoàn Geleximco từng tham gia bỏ vốn lớn vào doanh nghiệp này ngay khi cổ phần hóa, sau đó đã rút lui nhường sân cho CTCP Nova Bắc Nam 79.
Công ty này lại cũng rời sàn bởi có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ - người được biết đến với biệt danh "Vũ nhôm" trong các đại án tham nhũng lớn.
Thanh khoản cổ phiếu SEA không lớn nhưng các giao dịch giữa cổ đông lớn của doanh nghiệp này lại rất sôi động.
Ông Nguyễn Văn Hùng, đã mua vào gần 25 triệu cổ phiếu SEA, tương ứng 19,97% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của Tổng công ty và trở thành cổ đồng lớn. Trước giao dịch này, ông Hùng không sở hữu cổ phiếu SEA nào. Giao dịch thực hiện vào ngày 4/6/2020.
Ở chiều ngược lại, ông Ngô Minh Anh, một cổ đông lớn của Seaprodex,đã bán ra toàn bộ 25.125.000 cổ phiếu SEA (tỷ lệ 20,1%) và không còn là cổ đông lớn.
Giao dịch thực hiện cũng trong ngày 4/6/2020. Nếu tạm tính theo giá khớp lệnh trong cùng phiên, tổng số tiền giao dịch xấp xỉ 377 tỷ đồng.
Nếu tính theo thị giá cổ phiếu SEA trên sàn, SCIC có thể thu về ít nhất 1.500 tỷ đồng từ thương vụ thoái vốn này. Dù vậy, lãnh đạo SCIC cho rằng giá trị thu về sẽ lớn hơn rất nhiều, bởi số cổ phần trên đủ lớn để nắm quyền chi phối doanh nghiệp và có quyền quyết định các lô đất ở vị trí đắc địa.
Những thương vụ thoái vốn nhà nước mà doanh nghiệp có gắn với quyền sử dụng đất diện tích lớn, các vị trí đẹp ở các thành phố, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM sẽ dễ dàng được săn đón và bán được giá cao hơn so với giá khởi điểm rất nhiều.
Giám đốc một công ty tư vấn xây dựng hiện có vốn điều lệ hơn 20 tỷ đồng kể, doanh nghiệp này có quyền sử dụng mảnh đất hơn 2.500 m2 ở Trường Chinh (Hà Nội), thuộc đất sử dụng 50 năm, Nhà nước đang chuẩn bị thoái hết vốn tại doanh nghiệp.
Từ khi chủ trương được đưa ra, đã có kha khá nhà đầu tư quan tâm và đánh tiếng mua toàn bộ số cổ phần này.
Một thống kê của giới tư vấn M&A cho hay, doanh nghiệp có quyền sử dụng đất, đặc biệt là những diện tích đất lớn có thể chuyển đổi thành dự án bất động sản, rất dễ bán.
Thậm chí, doanh nghiệp càng thua lỗ, làm ăn bết bát càng được nhà đầu tư quan tâm. Có thể kể đến hàng loạt cái tên tương tự như Khách sạn Kim Liên, Agrimeco, Vinaconex, Thikeco…
Trong danh sách mới được công bố, có nhiều doanh nghiệp thuộc quy mô nhỏ ở Hà Nội, nhưng đang nắm quyền sử dụng đất ở những vị trí đắc địa, có diện tích quản lý lớn. Đây sẽ là những mục tiêu săn đón của nhiều nhà đầu tư.
Bên cạnh các “cá mập” săn đất, giới tư vấn M&A còn nhắc đến một dạng nhà đầu tư “lướt sóng” tham gia các phiên thoái vốn.
Đây là những nhóm đầu tư “tay mơ”, mới toanh so với các nhà đầu tư hoặc cổ đông lớn đã có quan hệ thân quen với doanh nghiệp.
Nhóm nhà đầu tư này sẵn sàng bạo tay trả giá cao hơn cho các lô cổ phần, sau khi trúng đấu giá, họ tham gia vào doanh nghiệp nhưng không có mục tiêu gắn bó lâu dài và nhanh chóng tìm cách nhượng lại số cổ phần trên, kiếm lời một khoản lớn.
Tiền không thiếu, quan trọng là chất
Với không ít ồn ào ở nhiều thương vụ thoái vốn nhà nước, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước gắn với tài sản là đất đai thời gian qua, liệu các tập đoàn tư nhân lớn có còn quan tâm tới kênh đầu tư này?
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Tập đoàn T&T, trong cuộc trò chuyện với Đầu tư Chứng khoán gần đây cho biết, T&T và cá nhân ông vẫn dành sự quan tâm lớn cho các thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Ông phân tích, không dễ để doanh nghiệp sớm có thương hiệu, có tên tuổi, thị phần trên thị trường, trong khi các doanh nghiệp nhà nước có được lợi thế đó. Nhà đầu tư tư nhân có tiền, đưa các yếu tố quản trị hiện đại vào doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ thay đổi về chất.
Còn theo ông Andy Ho, Trưởng bộ phận Đầu tư của VinaCapital, nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Việt Nam mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận lớn hơn so với các lựa chọn đầu tư tại quốc gia của họ, nơi mà trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn ở mức dưới 0.
Tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể hưởng mức lãi từ chia cổ tức 3 - 4%, lãi suất trái phiếu 3 - 4% và lãi tiền gửi 6 - 7%/năm. Họ muốn thấy việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và tìm kiếm các cơ hội đầu tư qua đó. Cổ phiếu viễn thông, điện, phân bón, dược phẩm, y tế… là những ưu tiên bên cạnh các mã ngân hàng, bất động sản quẩn quanh như hiện nay.
Gỡ tắc để không dồn toa
Cung và cầu đều còn dư địa, nhưng lại không dễ gặp nhau. Theo cách lý giải của ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, từ năm 2019 đến nay, thoái vốn rất khó khăn.
Cụ thể, cả năm 2019, SCIC chỉ thoái được 82 tỷ đồng tại 12 doanh nghiệp (trong đó bán hết vốn tại 11 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại một doanh nghiệp khác), thu về cho Nhà nước 314 tỷ đồng, gấp 3,8 lần giá trị vốn bán ra.
Các bộ, ngành, địa phương cũng chỉ thoái được vốn tại 13 doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm nay, hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tiếp tục èo uột không kém. Chưa có một doanh nghiệp nào được cổ phần hóa. Thoái vốn có “nhúc nhích” khi SCIC thu được gần 700 tỷ đồng.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới việc này là cơ chế thoái vốn đang “bó chặt” các bên liên quan.
Ông Chi dẫn ra thực tế đáng e ngại, nhiều doanh nghiệp không bán được vốn không phải do hoạt động yếu kém, kế hoạch sản xuất - kinh doanh không sáng sủa.
Đây là những doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ nắm giữ 10 - 20% vốn, nhà đầu tư nắm giữ trên 51%. Khi nhà đầu tư nắm giữ cổ phần chi phối thì họ có quyền rất lớn trong quyết định mọi vấn đề của doanh nghiệp.
Đại diện phần vốn nhà nước chỉ là cổ đông thiểu số, tiếng nói không có trọng lượng, nên nhà đầu tư mua thêm cũng được, không mua cũng được, rẻ thì mua, đắt thì thôi.
Trong những trường hợp này mà bán vốn cứng nhắc, không linh hoạt, thì khó có thể bán được, kể cả thị trường có tốt lên.
Theo quy định trước đây, trường hợp bán đấu giá không thành công, SCIC được quyền điều chỉnh giảm giá khởi điểm tối đa 3 lần, mỗi lần được giảm giá không quá 10% so với giá khởi điểm lần bán vốn trước đó để đấu giá bán tiếp.
Trong trường hợp đặc biệt, có phát sinh làm ảnh hưởng đột biến đến giá trị của doanh nghiệp, SCIC được quyền chủ động xác định lại giá khởi điểm trên nguyên tắc phản ánh đủ các yếu tố biến động về giá trị cổ phần.
Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định 32/2018/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 1/5/2018), các cơ chế bán vốn linh hoạt này không được áp dụng.
Theo quy định mới, sau khi thực hiện các phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận để chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn, cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ nhu cầu thị trường lựa chọn thời điểm để tiếp tục thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước và thực hiện lại các bước từ đầu.
Một khó khăn nữa là cơ chế xác định giá khởi điểm bán cổ phần. Theo quy định, giá trị doanh nghiệp được xác định làm giá khởi điểm phải phản ánh đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước đầu tư, bao gồm giá trị được tạo ra bởi quyền sử dụng đất, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ.
Trường hợp giá khởi điểm thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán, thì lấy giá tham chiếu làm giá khởi điểm chuyển nhượng vốn.
Việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán phải đảm bảo giá giao dịch (giá sàn) không thấp hơn giá khởi điểm.
Như vậy, trong trường hợp thị trường chứng khoán tăng, giá sàn khi đem đấu giá phần vốn nhà nước phải lấy theo giá thị trường giao dịch bình quân 30 ngày liên tiếp.
Ngược lại, khi thị trường giảm, thì giá sàn không được thấp hơn giá khởi điểm, trong khi giá khởi điểm và giá giao dịch trên thị trường luôn có khoảng cách.
Cách xác định giá sàn quá chặt chẽ, không linh hoạt theo nguyên tắc thị trường, đang gây ra nhiều khó khăn trong việc bán vốn tại các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và các doanh nghiệp mà Nhà nước chỉ là cổ đông thiểu số.
Đây là nguyên nhân giải thích cho việc chỉ có một số ít doanh nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư, nên bán được giá cao. Với riêng SCIC, có tới 40 doanh nghiệp tổ chức bán vốn nhiều lần đều không bán được, thậm chí có doanh nghiệp bán đến 8 lần đều “mang đến lại mang về”.