"Cặp bài trùng" hàng hóa - chứng khoán đã không còn song bước

"Cặp bài trùng" hàng hóa - chứng khoán đã không còn song bước

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đối với các nhà đầu tư vào các thị trường mới nổi, chiến lược đầu tư khi giá hàng hóa tăng thì cổ phiếu cũng tăng và ngược lại là chiến lược được biết đến trong nhiều thập kỷ qua.

Logic của chiến lược này khá đơn giản. Các thị trường mới nổi là điểm xuất phát của hầu hết hàng hóa. Nếu chúng ta bi quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu thì câu chuyện này cũng tương tự đối với giá hàng hóa và cổ phiếu của các thị trường mới nổi.

Nhưng năm nay, câu chuyện đã có phần thay đổi. Khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, cả hai loại tài sản đều tăng giá. Từ đầu tháng 11/2020 đến cuối tháng 1/2021, Chỉ số hàng hóa S&P GSCI và Chỉ số chứng khoán MSCI của các thị trường mới nổi đều tăng khoảng 25%.

Tuy nhiên kể từ đó, giá hàng hóa đã tăng thêm 30%, trong khi giá cổ phiếu lại ít tăng hơn.

Ngày nay, có ít lý do hơn trước đây để cổ phiếu và hàng hóa tăng và giảm cùng nhau. Trước đó, chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi được thống trị bởi các nhà sản xuất hàng hóa ở Mỹ Latinh. Nhưng ngày nay, các công ty ở Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Ấn Độ chiếm 3/4 chỉ số.

Cổ phiếu công nghệ thông tin là 20% của điểm chuẩn MSCI. Tuy nhiên, Daniel Salter của Renaissance Capital, một chuyên gia về khu vực thị trường mới nổi và thị trường cận biên cho biết, tỷ trọng của nhóm cổ phiếu công nghệ này gần như gấp đôi.

Theo tính toán của chiến lược gia Daniel Salter, nếu tính bao gồm cả các doanh nghiệp công nghệ trong các lĩnh vực như dịch vụ truyền thông và ngành tiêu dùng xa xỉ thì cổ phiếu công nghệ chiếm tới 38% trong chỉ số. Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng chỉ chiếm 5% và cổ phiếu vật liệu chiếm 9%.

Tuy nhiên, giá hàng hóa và chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi đã tiếp tục có xu hướng tương quan cùng chiều trong thời gian gần đây.

Diễn biến chỉ số giá hàng hoá GSCI và Chỉ số chứng khoán MSCI của các thị trường mới nổi

Diễn biến chỉ số giá hàng hoá GSCI và Chỉ số chứng khoán MSCI của các thị trường mới nổi

Thông thường, Trung Quốc là động lực cho cả hai loại tài sản này. Khả năng phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch có thể chỉ ra rằng câu chuyện này vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, những lo ngại về tình hình tài chính bất ổn ở các bộ phận của nền kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện trở lại. Bắc Kinh đã tăng cường giám sát thị trường tín dụng trị giá 17 tỷ USD và đưa vấn đề ổn định tài chính trở thành ưu tiên hàng đầu so với tăng trưởng kinh tế.

Với việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có khả năng tăng trưởng mạnh như trước đây, động lực đằng sau cả giá hàng hóa và cổ phiếu thị trường mới nổi đã chậm lại. Tuy nhiên, vẫn còn yếu tố tích cực cho các nhà sản xuất hàng hóa khi chi tiêu kích thích của Mỹ và Tổng thống Joe Biden đã tăng cường kích cầu để giữ cho nhu cầu tăng lên.

Giám đốc quỹ Nedgroup Investments, Ian Beattie cho biết: “Sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc thông thường sẽ được phản ánh bằng giá hàng hóa mềm hơn. Nhưng gói kích thích của Tổng thống Biden và việc mở cửa kinh tế trở lại ở Mỹ và châu Âu đã tạo ra một sự thúc đẩy rõ ràng”.

Sự phục hồi toàn cầu do Mỹ và châu Âu dẫn dắt sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu thị trường mới nổi nói chung. Tuy nhiên, triển vọng sẽ bị suy giảm, bởi mối đe dọa đồng thời của lạm phát và lãi suất tăng.

Mary-Therese Barton, người đứng đầu mảng nợ của thị trường mới nổi của Pictet Asset Management cho biết: “Chúng ta có thể kể một câu chuyện vĩ mô thực sự tích cực, với sự mở cửa của nền kinh tế toàn cầu, sự trở lại của du lịch, tiềm năng bùng nổ hàng hóa mới. Nhưng mặt khác, chúng ta có thể sẽ phải vật lộn để tìm ra một câu chuyện tăng trưởng cơ cấu mạnh mẽ”.

Bà mô tả các thị trường có thể bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn vốn đã trở nên trầm trọng hơn bởi những bất ngờ về dữ liệu từ Mỹ về việc làm và lạm phát.

“Mọi người đều mong đợi những điều bất ngờ. Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể đưa ra dự báo khi chúng tôi nhận được quy mô bất ngờ quá lớn này trên dữ liệu của Mỹ”.

Tin bài liên quan