Đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) vừa được khởi động trở lại sau một thời gian tạm ngưng.
Hiện tại, khối lượng thi công toàn dự án chỉ đạt khoảng 15%. Từ tháng 5 tới các nhà thầu sẽ tăng tốc thi công để hoàn thành và thông tuyến trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Toàn tuyến dài 51,1 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường Cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang).
Bản đồ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: MAI KHANH
Trước đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu các đơn vị chức năng điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, tiến độ tổng thể và tổng mức đầu tư; làm việc với ngân hàng cung cấp tín dụng thẩm định lại phương án tín dụng cho dự án, đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư cam kết hoàn thành thông tuyến trong năm 2020.
Chính phủ cũng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang; thay đổi cơ chế hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước.
Để đảm bảo thời gian thông tuyến, doanh nghiệp thực hiện dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc (hoàn thiện văn phòng làm việc, tập trung nhân sự làm việc về tại khu vực dự án…).
Ngoài ra, Ban Điều hành làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý ứng vốn trước và đưa ra các giải pháp tháo gỡ như: sử dụng nguồn vốn vay ngắn hạn, xem xét phương án tạm ứng kinh phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư cho gói thầu XL19 (kinh phí GPMB dự kiến khoảng gần 200 tỉ đồng) và các đoạn tuyến đã giải phóng mặt bằng nhưng còn tình trạng da beo (chưa GPMB hết).
Doanh nghiệp thực hiện dự án cũng kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét phương án ứng trước nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án từ nguồn vốn ngân sách địa phương (do Chính phủ đã cam kết sẽ hỗ trợ trước cho dự án 500 tỉ đồng/2.158 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng giai đoạn 2016 - 2020). Đồng thời, làm việc với UBND tỉnh xác định nguồn mỏ vật liệu đá, cát và sớm có kế hoạch tập kết vật liệu về công trường trước mùa mưa năm 2019.
Người dân mong chờ tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để giải tỏa áp lực giao thông về ĐBSCL
Ban điều hành Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thống nhất với Tập đoàn Đèo Cả để đưa các giải pháp chia sẻ với các nhà thầu thực hiện việc cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua việc bình ổn giá, cung cấp vật liệu và vật tư cơ bản (thực hiện việc bão lãnh bằng tín chấp và hạn mức ngắn hạn đã có) nhằm tháo gỡ trước mắt để đưa dự án thi công trở lại. Các chính sách hỗ trợ và các biện pháp kiểm soát dòng tiền của dự án sẽ được công bố tại Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy dự án dự kiến tổ chức vào ngày 20.4 tới đây.
Hiện các nội dung công việc đang hoàn chỉnh như: Hợp đồng dự án; hợp đồng tín dụng; giải pháp kỹ thuật; giá nguyên vật liệu, điều chỉnh dự án; điều chỉnh hợp đồng tín dụng… đang trong giai đoạn soát xét và hoàn chỉnh.