Tiêu thụ sản phẩm trong nước của SRC đang sụt giảm mạnh

Tiêu thụ sản phẩm trong nước của SRC đang sụt giảm mạnh

Cao su Sao Vàng: Loay hoay tái cấu trúc

Nguyên nhân quan trọng khiến doanh thu của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (SRC) liên tục giảm trong 4 quý qua là khả năng cạnh tranh thấp so với các đối thủ.

Theo kết quả kinh doanh quý III/2012 và 9 tháng đầu năm của SRC vừa được công bố, trong quý III, doanh thu thuần đạt 265,9 tỷ đồng, giảm 16,5%, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 15,09 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2012. Kết thúc 9 tháng, SRC đạt 841,85 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 8,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 34,83 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1,96 tỷ đồng. SRC đã hoàn thành 64,8% kế hoạch doanh thu và vượt 29% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Lợi nhuận sau thuế của SRC tăng là nhờ giá nguyên liệu cao su giảm mạnh (giảm tới 39,4% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, so với Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) và Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC), thì mức tăng lợi nhuận đó vẫn thấp hơn rất nhiều. Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp sản xuất cao su thành phẩm nói chung, chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm (70-75%). Do vậy, biến động giá nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Doanh thu quý IV/2012 của SRC được dự báo chỉ tương đương quý III/2012 (là 265,92 tỷ đồng), giảm 11,03% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, tình hình kinh doanh của SRC không được sáng sủa từ năm 2011. Tại đại hội đồng cổ đông năm 2012 tổ chức hồi tháng 6, lãnh đạo SRC đã lý giải nguyên nhân chính là do nhu cầu tiêu dùng chung của thị trường trong nước và xuất khẩu sụt giảm. Nhưng theo giới phân tích, ngoài các yếu tố trên, thì khả năng cạnh tranh thấp của sản phẩm của SRC so với các đối thủ cũng là một nguyên nhân quan trọng.

Cần phải nhắc lại là, thị trường săm lốp Việt Nam đang bị bởi 3 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), là CSM, DRC và SRC thống lĩnh. Mỗi thành viên được Vinachem hướng vào thị phần riêng. Trong đó, CSM tấn công mạnh vào thị trường săm lốp xe máy, xe tải nhẹ; DRC tập trung vào thị trường lốp xe tải nặng và xe chuyên dụng; SRC tập trung vào thị trường xe đạp. Ngoài ra còn có sự tham gia của một liên doanh là Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam .

Do nhu cầu sử dụng săm lốp xe đạp của thị trường ngày càng giảm sút, gần đây, Vinachem đã cơ cấu lại sản phẩm mục tiêu cho SRC theo hướng chuyển dần sang sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường ô tô và xe máy.

Tuy nhiên, chính việc lấn sân sang sản xuất lốp ô tô, xe máy đã buộc SRC phải cạnh tranh trực tiếp với CSM, DRC – các tên tuổi đang dẫn dắt thị trường và đóng góp vào doanh thu chung của Vinachem trong năm 2011 lần lượt là 42,69% và 39,52%.

Năm 2011, tiêu thụ sản phẩm trong nước của SRC sụt giảm mạnh. Bù lại, SRC đã thành công với thị trường xuất khẩu, đạt kim ngạch gần 4 triệu USD, vượt 32% kế hoạch đề ra và tăng 38% so với năm 2010.

Mặc dù đã cơ cấu lại sản phẩm và hướng vào thị trường xuất khẩu, nhưng tình hình kinh doanh của SRC vẫn không mấy sáng sủa, do công ty này còn loay hoay với phương án tái cấu trúc khi tiến hành di dời nhà máy từ Hà Nội tới tỉnh Hà Nam. Lãnh đạo SRC thừa nhận, đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa tìm được sản phẩm mũi nhọn khi di chuyển nhà máy đến địa điểm mới.