Cạnh tranh mới ở các CTCK

Cạnh tranh mới ở các CTCK

(ĐTCK) Thông tin tại ĐHCĐ của các CTCK lớn vừa qua cho thấy có những chiến lược mới trong việc giành thị phần của khối DN này.

Cuộc đua của top đầu

Dù TTCK có hơn 100 CTCK, nhưng hầu hết nhà đầu tư chỉ chú ý đến các CTCK lớn. Ngoài lý do hoạt động hiệu quả, đây là những CTCK trong top đầu về thị phần môi giới.

Thực tế, trừ những công ty quá yếu kém, hầu như CTCK nào cũng thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ. Họ có những đầu tư phù hợp cho công nghệ, kỹ thuật, hệ thống và các sản phẩm, dịch vụ cần thiết. Vì thế, để thấy được tính cạnh tranh giữa các CTCK, nhà đầu tư thường nhìn vào hoạt động môi giới. Chỉ qua môi giới, các con số mới phản ánh sự cách biệt. Đơn cử, trong quý I/2013, riêng CTCK TP. HCM (HSC) và CTCK Sài Gòn (SSI) đã chiếm 1/4 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn TP. HCM (HOSE).

Cạnh tranh mới ở các CTCK ảnh 1

Trong quý I/2013, HSC và SSI chiếm 1/4 thị phần môi giới trên HOSE

HSC đang đứng ở vị trí đầu trong bảng xếp hạng thị phần môi giới trên HOSE, nhưng ngôi vị này luôn bị các CTCK lớn khác “nhòm ngó”. Chẳng hạn, CTCK đứng thứ hai là SSI đã lên kế hoạch giành vị trí số 1 về thị phần môi giới trên HOSE trong năm 2013. Chi tiết hơn, SSI đặt mục tiêu tăng thị phần môi giới thêm 30% so với mức hiện tại và tăng số lượng tài khoản mới ở SSI thêm 10%. Để thực hiện kế hoạch này, SSI dự kiến tăng cả về số lượng lẫn chất lượng đội ngũ môi giới; mở rộng mạng lưới ra các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương; tiên phong trong triển khai các sản phẩm mới; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và có chính sách chăm sóc khách hàng, nhất là khách hàng lâu năm…

Với HSC, công ty này vạch ra cho mình một kế hoạch giữ ngôi vị rất cụ thể. Trong năm 2013, HSC đặt mục tiêu tăng thị phần môi giới thêm 11% (thị phần khách hàng cá nhân tăng 12%, khách hàng tổ chức tăng 6%) và doanh thu môi giới chiếm khoảng 60% tổng doanh thu. HSC quyết định dành 1.000 tỷ đồng cho hoạt động margin (giao dịch ký quỹ), tức tăng 20% so với năm 2012 và hạ lãi suất cho vay đầu tư chứng khoán từ mức 20,7%/năm (năm 2012) xuống trung bình 17%/năm (năm 2013). Đặc biệt, năm nay, HSC có chiến thuật đẩy mạnh thị phần lẫn giá trị giao dịch với nhóm khách hàng nước ngoài.

 

Chất lượng quyết định

Không riêng HSC, SSI, mà nhiều CTCK khác như CTCK Bản Việt (VCSC), CTCK ACB (ACBS), CTCK FPT (FPTS), CTCK VNDirect (VND), CTCK Maybank KimEng (MBKE), CTCK VPBank (VPS)… cũng xác định sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động môi giới. Những giải pháp mà các công ty này nhắm đến xoay quanh vấn đề cải tiến công nghệ, quy trình, nhân sự, dịch vụ tiện ích, mạng lưới, sự minh bạch, đòn bẩy tài chính hợp lý, quản trị rủi ro… Nhìn chung, nhiều công ty có các giải pháp khá giống nhau. Ví dụ, khi HSC hạ lãi suất cho vay, ACBS, VPBS cũng có giải pháp tương tự.

Trong bối cảnh nhiều CTCK cùng đua và cùng thực hiện những giải pháp như nhau, một số công ty đặt mục tiêu trọng tâm là “chiến thắng chính mình” và cải thiện hoạt động hơn là chen chân vào những ngôi vị đã được xác lập sẵn. Ngoài ra, mỗi CTCK đang tìm cách tận dụng hơn nữa lợi thế của mình.

Ví dụ, lợi thế của FPTS là công nghệ và giao dịch trực tuyến. FPTS đang quản lý gần 77.000 tài khoản. Năm 2013, CTCK này quyết tâm nâng số tài khoản ở FPTS lên 100.000 tài khoản, tức tăng 30% so với năm 2012 mà không định tăng thêm nhân viên hay doanh thu từ môi giới.

Còn lợi thế của VCSC là dẫn đầu về hoạt động ngân hàng đầu tư, tư vấn niêm yết. Vì thế, năm 2013, VCSC vẫn chú trọng nhất mảng hoạt động này. Với môi giới, VCSC đặt mục tiêu duy trì vị trí Top 5 CTCK có thị phần lớn nhất HOSE mà Công ty đã đạt được trong năm 2012.

Khi các CTCK nhỏ, yếu lần lượt rút lui và mặt bằng đầu tư ở các CTCK tương tự nhau, đó là lúc tính chất cạnh tranh giữa các CTCK lớn thay đổi. Các CTCK sẽ không cạnh tranh bằng số lượng, cách thức, mà sẽ chủ yếu bằng chất lượng, khả năng tạo ra lợi thế. Nói như những người trong cuộc, đây là cuộc đua lành mạnh và ai bứt phá được đều đáng nể phục.