Thẻ tín dụng đang có tốc độ tăng trưởng tới 50%/năm.

Thẻ tín dụng đang có tốc độ tăng trưởng tới 50%/năm.

Cạnh tranh giành thị phần thẻ tín dụng vì siêu lợi nhuận

(ĐTCK) Thị trường thẻ ngân hàng trước đây có tốc độ tăng trưởng 2 con số liên tục trong cả thập kỷ, nhưng sản phẩm chính thuộc về thẻ ghi nợ (debit), thì giờ đây là thời gian cho thẻ tín dụng (credit) với nhiều chính sách vượt trội.

Thực tế, thẻ tín dụng hiện nay đã trở thành một hình thức thanh toán thông dụng hơn rất nhiều so với trước đây nhờ hệ thống chấp nhận thanh toán rộng khắp với nhiều công nghệ mới (tiếp xúc, không tiếp xúc,…), đặc biệt là các đơn vị chấp nhận thẻ là các cửa hàng, khách sạn đã ý thức tốt hơn vai trò của thẻ thanh toán trong việc gia tăng doanh thu. Đó là chưa kể tâm lý ngại vay nợ ngân hàng giờ đã giảm đi, đặc biệt là trong giới trẻ, hay việc xác minh thu nhập để phát hành thẻ cũng dễ dàng hơn nhiều so với trước,…

Hàng loạt yếu tố cộng hưởng như vậy đang tạo nên một thị trường thẻ tín dụng ngân hàng rất “nóng”, những con số lợi nhuận sẽ lớn hơn với các ngân hàng nếu họ giữ một thị phần tương đối. Nên, cũng dễ hiểu khi các nhân viên kinh doanh của ngân hàng phải chịu chỉ tiêu phát hành thẻ tăng rất nhiều so với năm trước.

Lợi nhuận thu được của ngân hàng qua thanh toán thẻ chính là việc đơn vị chấp nhận thẻ chấp nhận chia sẻ lại phần trăm doanh số của mình cho ngân hàng, mức thường tối đa 2,5% doanh thu tùy theo đặc điểm kinh doanh của đơn vị cụ thể. Các đối tác chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng rất đa dạng như trung tâm thương mại, cửa hàng điện máy, công ty bảo hiểm, hãng vé máy bay, các cửa hàng nhỏ lẻ… Mức phí này thậm chí được ngân hàng trả lại một phần cho người sử dụng thẻ để khuyến khích chi tiêu, vì bản chất là giảm giá hàng hóa (ví dụ: Thanh toán 1 triệu đồng tiền hàng hóa, khách hàng sẽ được ngân hàng - chứ không phải đơn vị bán hàng, trả lại 1%, tương đương với 10.000 đồng vào thẻ). Thuật ngữ hoàn tiền - cash back - đang là chiêu thức được các nhà băng tận dụng để mời chào khách hàng mở thẻ.

Tại HSBC, thẻ Visa Cash Back cho phép chủ thẻ có thể được hoàn tiền đến 8% trên tổng số tiền đã chi tiêu tại các cửa hàng tạp hóa và siêu thị với giá trị tối đa 200.000 đồng mỗi tháng. Ngoài ra, chủ thẻ còn được hoàn tiền không giới hạn với tỷ lệ tương đương 1% đối với các chi tiêu cho bảo hiểm và giáo dục, hay 0,5% cho các chi tiêu khác. Chủ thẻ sẽ được tự động hoàn tiền vào tài khoản thẻ hàng tháng, ngay vào kỳ sao kê tiếp theo của thẻ tín dụng.

Đáng chú ý, một số ngân hàng còn ra mắt thẻ tín dụng miễn lãi cho chủ thẻ đến 5 năm, thay vì chỉ 45 ngày như hiện nay, đồng thời miễn phí trọng đời khi phát hành thẻ. Đó là dòng thẻ tín dụng VIB Zero Interest Rate vừa được VIB tung ra thị trường, với chính sách miễn lãi trọn đời cho mọi giao dịch chi tiêu thẻ. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, chính sách miễn lãi được áp dụng dài hạn suốt thời gian hiệu lực 5 năm của thẻ tín dụng, thay vì chỉ từ 45 ngày đến 60 ngày như thường thấy trên thị trường và không mất phí xử lý giao dịch trong 3 tháng đầu kể từ ngày kích hoạt thẻ.

Trước đó, trong tháng 12/2018, VIB đã cho ra mắt đồng loạt 5 sản phẩm thẻ tín dụng hoàn toàn mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của chủ thẻ. VIB đã đầu tư đáng kể vào việc phát triển ứng dụng MyVIB, Internet Banking, website ngân hàng số www.vib.com.vn, công cụ bán hàng tự động qua công nghệ số. Bởi mảng thẻ tín dụng đóng góp doanh thu không nhỏ trong mảng bán lẻ của VIB. Từ đầu năm 2019 đến nay, tín dụng khối bán lẻ tại VIB đã tăng đến mức 8%. Theo lãnh đạo của VIB, Retail Banking đang mang lại nguồn thu, lợi nhuận lớn cho Ngân hàng.

Thị trường thẻ tín dụng đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà băng. Để gia tăng thị phần, các ngân hàng đều đưa ra chính sách ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III năm ngoái, tổng số lượng thẻ ngân hàng phát hành lũy kế cả nước là 147,3 triệu thẻ, tăng 20 triệu thẻ chỉ sau 1 năm. Trong đó, thẻ tín dụng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Tính đến hết quý III/2018, cả nước có 4,6 triệu thẻ tín dụng với tổng giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, tăng trưởng 50% so với cùng kỳ. Với hơn 70 triệu người trưởng thành, tốc độ tăng trưởng thu nhập và chi tiêu thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực, Việt Nam đang cho thấy mình là thị trường phát triển thẻ tín dụng đầy tiềm năng.

Các chuyên gia trong ngành tài chính nhận định, hoạt động du lịch và mua hàng trực tuyến phát triển đã và đang thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam chi tiêu nhiều hơn qua thẻ tín dụng. Nhận thấy xu hướng này, trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành ngân hàng liên tục đẩy mạnh kích cầu chi tiêu qua thẻ tín dụng. Hơn nữa, việc đầu tư vào thẻ, nhất là với thẻ tín dụng, mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các nhà băng bởi lãi suất cao hơn so với cho vay thông thường. Đồng thời, các khoản thu phí từ thẻ như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn… đem lại nguồn thu lớn và rất ổn định.

Tất nhiên, sự phát triển nóng của thị trường thẻ tín dụng gần đây cũng đang đặt yêu cầu bảo mật thẻ lên thành mối quan tâm lớn với mỗi ngân hàng. Hiện thị trường thẻ Việt Nam vẫn được đánh giá là an toàn so với nhiều thị trường thẻ khác, bản thân các ngân hàng đã chủ yếu phát hành thẻ chíp để tăng mức độ bảo mật.

Tuy nhiên, điều này vẫn không tránh được thực tế rằng, vẫn có những chuyện như chủ thẻ bị tận thu phí, hay chịu cảnh mất tiền oan vì dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân trong quá trình giao dịch. Bởi mọi dữ liệu như tên, tuổi, số thẻ và mã xác thực được in nổi trên bề mặt thẻ tín dụng, cũng như thẻ thanh toán trả trước…

Mới đây, cơ quan công an Việt Nam phối hợp với các nhà chức trách Mỹ và Anh triệt phá đường dây ăn cắp thông tin thẻ tín dụng quốc tế trị giá 200 triệu USD, hay như việc chủ thẻ tín dụng của một ngân hàng bị mất 2.400 USD do bị đánh cắp thông tin thẻ... Thực tế, việc bảo mật thông tin của ngân hàng cho chủ thẻ tín dụng vẫn khá lỏng lẻo. Thanh toán bằng thẻ tín dụng tại các điểm mua hàng, trung tâm thương mại hiện không cần mật khẩu. Chủ thẻ khi có nhu cầu thanh toán bằng thẻ chỉ cần đưa thẻ cho nhân viên bán hàng thanh toán để cà thẻ qua máy POS.

Rủi ro đối với thẻ tín dụng không chỉ riêng chủ thẻ phải gánh, mà các ngân hàng cũng khó tránh. Cấp hạn mức tín dụng cao (lên tới cả tỷ đồng), không có tài sản đảm bảo nên nguy cơ nợ xấu lớn và thực tế nợ xấu từ mảng thẻ tín dụng không nhỏ. Phó tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận, lợi nhuận từ thẻ tín dụng cao (hiện phổ biến ở mức 30-35%/năm), nhưng đi kèm với đó là những rủi ro về nợ xấu tăng. 

Tin bài liên quan