Cảnh giác nợ xấu từ những khoản “siêu tín dụng”

0:00 / 0:00
0:00
Trong văn bản mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo về nợ xấu với khách hàng lớn - doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên - có xu hướng gia tăng.
Theo NHNN, năm 2020, nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn đã tăng so với cuối năm 2019.

Theo NHNN, năm 2020, nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn đã tăng so với cuối năm 2019.

Cảnh báo mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về nợ xấu với khách hàng lớn - doanh nghiệp có tổng mức cấp tín dụng từ 500 tỷ đồng trở lên - có xu hướng gia tăng, khiến nhiều người phải giật mình về câu chuyện sân sau và hệ sinh thái sân sau, vốn là con dao hai lưỡi với nhà băng.

Mặc dù tín dụng bán lẻ ngày càng được đẩy mạnh, song việc giành giật được khách hàng lớn vẫn luôn là nỗi thèm khát của các nhà băng. Một hợp đồng tín dụng với doanh nghiệp lớn có thể đem lại khoản lợi nhuận gấp trăm lần so với phát triển hàng vạn hợp đồng tín dụng nhỏ lẻ.

Vì vậy, thời gian qua, các ngân hàng ra sức xây dựng tệp khách hàng doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng ngày càng lệ thuộc quá lớn vào hệ sinh thái này và rủi ro dần phát sinh.

Tại mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua, đã có ngân hàng bị đại diện NHNN lên tiếng nhắc nhở về việc tập trung quá nhiều tín dụng cho khách hàng lớn.

Trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng mới đây, NHNN đã cảnh báo hiện tượng này. Theo NHNN, năm 2020, nợ xấu cấp tín dụng đối với khách hàng lớn đã tăng so với cuối năm 2019.

Số liệu của NHNN cho thấy, tổng dư nợ tín dụng mà ngân hàng cho các doanh nghiệp lớn vay đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 30% tổng dư nợ nền kinh tế, nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,65%. Riêng nợ xấu với doanh nghiệp có dư nợ từ 5.000 tỷ đồng trở lên là 2,42%, cao hơn tỷ lệ nợ xấu chung của hệ thống.

Dù NHNN không nêu rõ, song điều dễ đoán là, các doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản.

Mặc dù tín dụng bất động sản không hề xấu, bởi thị trường bất động sản là thị trường nền tảng, sự phát triển của thị trường này sẽ kéo theo sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế, song cảnh báo của NHNN về tín dụng doanh nghiệp lớn và tín dụng bất động sản là có cơ sở.

Thứ nhất, một số ngân hàng đang quá tập trung vào một số doanh nghiệp lớn. Tại nhiều nhà băng, tín dụng bất động sản không chỉ thể hiện ở các khoản cho vay doanh nghiệp khủng, mà còn cả những khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp kếch xù. Một số nhà băng cũng không giấu giếm cổ đông về việc dư nợ cho vay bất động sản chiếm tới hơn 70% tổng dư nợ và tập trung chủ yếu ở vài tập đoàn bất động sản lớn.

Thứ hai, về mặt số liệu, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng đã giảm mạnh, song thực tế, mối quan hệ này ngày càng phức tạp. Mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay chứng kiến nhiều ông chủ mới trong lĩnh vực ngân hàng đồng thời là ông chủ của các tập đoàn bất động sản lớn.

Dù NHNN đã đưa ra các quy định để giám sát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu (tổng dư nợ tín dụng với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng; tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có), song quy định trên chưa thể chặn dòng vốn rót vào sân sau.

Lý do rất đơn giản, hiện nay, nhiều cổ đông ngân hàng sở hữu các tập đoàn lớn với hàng trăm công ty con, cháu. Thông qua mạng lưới công ty con, cháu chằng chịt này, hạn mức 15-25% dễ dàng bị phá vỡ.

Thứ ba, ngay cả khi không tồn tại mối quan hệ cho vay sân sau, thì việc dồn quá nhiều vốn cho một số doanh nghiệp lớn cũng có thể khiến ngân hàng rơi vào khó khăn thanh khoản, nếu doanh nghiệp này gặp sự cố. Việc Vietnam Airlines hay các doanh nghiệp BOT ngập trong núi nợ hàng chục ngàn tỷ đồng là minh chứng rõ nét.

Đương nhiên, khi cho vay doanh nghiệp, ngân hàng bao giờ cũng có công cụ để tính toán rủi ro, dự phòng rủi ro. Dù vậy, tránh tập trung quá nhiều vào khách hàng lớn sẽ khiến rủi ro của ngân hàng được phân tán. Dĩ nhiên, đây là lựa chọn khó khăn của ngân hàng trong bài toán tăng trưởng lợi nhuận.

NHNN đang xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Có lẽ, như một chuyên gia đã từng kiến nghị với Báo Đầu tư, trong đề án này, NHNN nên hướng về quan điểm tái cấu trúc: chất lượng tài sản là quan trọng nhất, chứ không phải là quy mô. Đây cũng là lý do nhiều quốc gia đang nhắm tới xu hướng phát triển các ngân hàng nhỏ, nhưng chất lượng, gắn với hoạt động cho vay dân chúng, cho vay doanh nghiệp, chứ không phải các ngân hàng thiên về đầu tư, dựa quá nhiều vào các doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra, để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, cơ quan quản lý cũng phải nâng dần chuẩn quản trị rủi ro với ngân hàng, yêu cầu các ngân hàng minh bạch về quản trị, nâng cao tính độc lập của ban điều hành.

Tin bài liên quan