VN-Index sắp phá kỷ lục mọi thời đại 1.204,33 điểm xác lập ngày 9/4/2018 (ảnh Dũng Minh)

VN-Index sắp phá kỷ lục mọi thời đại 1.204,33 điểm xác lập ngày 9/4/2018 (ảnh Dũng Minh)

Cảnh báo sớm rủi ro chứng khoán tăng mà không phản ánh sự thịnh vượng của kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế, điều này tiềm ần rủi ro nợ xấu sẽ gia tăng cho hệ thống ngân hàng trong các năm tiếp theo.

Quan điểm trên được Chuyên gia kinh tế TS. Quách Mạnh Hào đưa ra tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới" diễn ra ngày 11/1/2021 tại TP.HCM, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì tổ chức.

Theo kết quả bình chọn của khoảng 300 doanh nghiệp tham dự tại Diễn đàn, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của Việt Nam trong việc giữ được tăng trưởng dương trong năm 2020 bên cạnh yếu tố kiểm soát tốt sự lây lan của đại dịch Covid-19, đó là yếu tố “tăng trưởng xuất khẩu” với tỷ lệ bình chọn cao nhất, đạt 44%.

Đứng ở vị trí thứ 2 là yếu tốt “đầu tư công” với tỷ lệ bình chọn 30%, trong khi yếu tố “nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp” chỉ là 15%, các gói hỗ trợ của Chính phủ 7% và kiều hối từ nước ngoài 4%.

Tuy nhiên, ý kiến của các chuyên gia và cơ quan quản lý lại khác.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thống kê cho rằng, yếu tố quan trọng nhất giúp năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương đó là nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp thể hiện qua tăng trưởng sản xuất và kể cả tăng trưởng lớn của xuất khẩu cũng có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và một phần của nông nghiệp.

Qua khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2020 về tác động của Covid-19 cho thấy các doanh nghiệp đã rất nỗ lực chia sẻ khó khăn để hợp tác vươn lên.

Yếu tố quan trọng thứ hai theo quan điểm ông Lâm, “đầu tư công” của Chính phủ, là cứu cánh, giải pháp giúp cho tăng trưởng kinh tế 2020. Đây là giải pháp mà Chính Phủ có thể chủ động được mọi tình huống.

Tính toán của Tổng cục thống kê, cứ 1 đồng đầu tư công sẽ lan toả tới thu hút đầu tư tư nhân 1,42 đồng. Các năm trước, giải ngân đầu tư công không bao giờ đạt được 100% kế hoạch (chủ yếu trên 80% và vượt trội hơn vào năm 2019 đạt 91%). Kế hoạch giải ngân của năm 2020 cao hơn 28% so với năm 2019. Theo ông Lâm, cứ tăng thêm giải ngân 1% đầu tư công sẽ giúp GDP tăng 0,06%, do đó nếu giải ngân hết theo kế hoạch 2020 thì GDP sẽ tăng 0,42%.

Về yếu tố xuất khẩu, với nhu cầu ăn uống và sinh hoạt, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là những mặt hàng thiết yếu vẫn tốt, ông Lâm bày tỏ.

Các chuyên gia tại Diễn đàn
Các chuyên gia tại Diễn đàn

TS. Đặng Hoàng Hải Anh, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Mỹ cũng cho rằng, đầu tư công đóng vai trò quan trọng.

"Nhìn vào lịch sử các nước trên thế giới như Mỹ, cơ sở hạ tầng rất tốt, phương tiện vận chuyển, di chuyển hàng hóa dễ dàng. Những nước xung quanh chúng ta như Đài Loan cũng chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại dễ dàng. Vai trò đầu tư công kích thích nền kinh tế không chỉ trong Covid, trong ngắn hạn mà cả dài hạn, làm sao di chuyển hàng hóa Bắc - Nam nhanh và rẻ… Hiện chi phí hàng hóa đi Bắc - Nam được nhiều bài báo phản ánh đắt hơn đi Mỹ.

Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy kinh tế tư nhân, đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, trong khi đó, Nhà nước vẫn không mất đi vai trò của mình, mà điều tiết để doanh nghiệp, nhà đầu tư có môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi".

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đồng tình quan điểm và cho rằng: "Xuất khẩu là kết quả cuối cùng. Yếu tố nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp là phần gốc".

"Qua theo dõi hệ thống ngân hàng, chúng tôi đã từng lo lắng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong quý II/2020 (từ tháng 4 - 7), mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần hạ lãi suất nhưng tính đến tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ mới hơn 4%. Tuy nhiên, tín dụng bắt đầu tăng trở lại từ tháng 8, tăng nhanh trong tháng 11 và tháng 12, kết thúc năm tăng trưởng 12,13% nhờ doanh nghiệp hấp thu vốn tốt hơn", ông Hà nói.

Rủi ro bong bóng tài sản?

Theo Chuyên gia kinh tế TS. Quách Mạnh Hào, Việt Nam đã thành công trong việc ngăn chặn suy giảm kinh tế trong 2020, nhờ thành công của Chính Phủ trong việc đẩy lùi dịch bệnh sớm, và kết quả tăng trưởng GDP dương là điều mà ít quốc gia trên thế giới làm được. Nhưng phải nhìn nhận thẳng là tăng trưởng GDP chỉ đạt 1/2 so với kế hoạch, lạm phát vẫn ở mức tương đương trước khi dịch bệnh xảy ra. Điều này cho thấy lạm phát đang ở mức khá cao. Điều này có thể do tác động từ chính sách nới lỏng tiền tệ.

Ông Quách Mạnh Hào cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn là chế biến chế tạo và xuất khẩu với sự dẫn dắt của khu vực đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó là sự hồi phục của khu vực nội địa cũng quan trọng.

Chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm qua là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, thông qua lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi, các gói kích thích chi tiêu công và hỗ trợ doanh nghiệp.

Lãi suất quá thấp sẽ kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất kinh doanh, qua đó làm tăng bong bóng tài sản.

Với thành công 2020, không ngạc nhiên các tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2021, GDP có thể tăng trưởng lên tới 7 - 8%. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 6%.

Những nhận định này dựa trên giả định quan trọng là nếu nền kinh tế đạt năng suất thông thường trong năm 2021 từ điểm xuất phát thấp 2020 thì nhất định phải cao hơn tăng trưởng bình thường trước đây.

Tuy nhiên, ông Hào cho rằng phải chú ý 2 điểm.

Thứ nhất, nền kinh tế có đạt năng suất tiềm năng không phụ thuộc biến số thị trường xuất khẩu của khối khu vực doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt du lịch - cả 2 lĩnh vực đều giảm trong 2020.

Dù Việt Nam có thỏa thuận, ký kết hiệp định thương mại với EU, Anh Quốc, CPTPP… nhưng sự phong tỏa ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn tiếp diễn trong năm 2021, do vắc xin khó có thể bao phủ diện rộng cho đến hết nửa đầu năm 2021. Như vậy, giới hạn thị trường sẽ làm tăng trưởng khu vực chế biến chế tạo nói chung bị ảnh hưởng.

Thứ hai là về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là chất xúc tác cho nền kinh tế trong năm 2020, điều này có thể thận trọng hơn trong năm 2021. Vì lãi suất quá thấp sẽ kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất kinh doanh, qua đó làm tăng bong bóng tài sản.

Hơn nữa, ông Hào cho rằng, chính sách nới lỏng hiện tại không thực sự bao trùm toàn nền kinh tế mà chỉ giúp cho đối tượng là các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp nhỏ và người nghèo vẫn khó khăn do mất thị trường và việc làm. Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không phản ánh sự thịnh vượng của nền kinh tế, điều này tiềm ần rủi ro nợ xấu sẽ gia tăng trong các năm tiếp theo cho hệ thống ngân hàng.

“Tôi cho rằng, tăng trưởng tốt hơn trong 2021 nhưng phải rất nỗ lực mới đạt được GDP 6% và lạm phát dưới 4%”, ông Hào nói.

TS. Cấn Văn Lực cũng đồng tình với quan điểm thận trọng trước bối cảnh lãi suất giảm thì dòng tiền đang đổ nhanh vào chứng khoán.

"Chúng tôi đã phân tích bong bóng rủi ro tài chính toàn cầu, hiện nay tổng nợ cả nhà nước và tư nhân tương đương khoảng 350% GDP toàn cầu. Đây là mức rất lớn, chưa từng có. Mức này tăng khoảng 40 - 45% trong vòng 2 năm qua vì lãi suất thấp", ông Lực cho biết.

Bài toán đặt ra cho Việt Nam là mức lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp. Thấp quá chưa chắc tốt, nó phải đảm bảo hài hòa cho các bên, cả người gửi tiền, vay tiền và câu chuyện điều hành vĩ mô. Nếu không sẽ dẫn tới hệ lụy bong bóng tài sản.

Nhưng ông Lực cũng cho rằng, lãi suất không phải là điểm nghẽn bởi tín dụng vẫn tăng 12 - 13%, là mức tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, dòng tiền tư nhân dịch chuyển qua chứng khoán cực kỳ lớn, có gần 40.000 tài khoản F0 được lập ra trong năm vừa qua. Vì vậy, Việt Nam cần cân đối, tính toán hài hòa hơn.

Trước lo ngại này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động sâu sắc do dịch COVID-19, các nước đồng loạt đưa ra các biện pháp hỗ trợ về cả tài khóa và tiền tệ, và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và các bộ ngành.

"Chúng tôi đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp các công cụ chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô", ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.

"Chúng tôi đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp các công cụ chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô", ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước.

Đối với hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngoài công tác điều hành chung, NHNN đã có rất nhiều quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động. Trong đó, có quy định kiểm soát danh mục đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản và chứng khoán. Và trong thời gian qua, NHNN đã liên tục đưa ra những cảnh báo cho các tổ chức tín dụng về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã kiên định trong kiểm soát lạm phát nhưng vẫn cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Với thanh khoản dồi dào của hệ thống, NHNN cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất.

Yếu tố ổn định vĩ mô là vấn đề ưu tiên của Chính phủ. Với bối cảnh này, năm 2021, NHNN định hướng ổn định mặt bằng lãi suất, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế tăng trưởng.

Tin bài liên quan