Cảnh báo nguy cơ biến dạng giá cước vận tải khách hàng không

0:00 / 0:00
0:00
Dịch Covid-19 đang đẩy nhiều hãng hàng không trong nước lao vào cuộc đua giảm giá vé chưa từng có để giành thị phần vận chuyển hành khách.
Do thị trường quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không trong nước gần như phải dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác quốc tế đã dẫn đến thực trạng dư thừa tải cung ứng quy mô lớn.

Do thị trường quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không trong nước gần như phải dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác quốc tế đã dẫn đến thực trạng dư thừa tải cung ứng quy mô lớn.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cho đến thời điểm hiện tại, Tổ công tác làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành các quy định pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa đang khẩn trương thu thập tài liệu và làm việc với các hãng bay trong nước theo đúng lộ trình đề ra.

Nghiệt ngã cuộc đua

“Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp nhưng chúng tôi vẫn sẽ cố gắng tổng hợp báo cáo kết quả làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về Bộ GTVT trong quý III/2021”, một lãnh đạo Vụ Vận tải – Bộ GTVT cho biết.

Trước đó, vào giữa tháng 6/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có Quyết định số 1118/QĐ – BGTVT về việc thành lập tổ công tác làm việc với các hãng hàng không Việt Nam về việc chấp hành các quy định pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa.

Được biết, Tổ công tác sẽ phải báo cáo kết quả làm việc về Bộ GTVT, trong đó làm rõ việc chấp hành các quy định pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa của các hãng hàng không Việt Nam; kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền về phương án xử lý các tồn tại, vướng mắc (nếu có).

Mặc dù trong Quyết định số 1118, Bộ GTVT không nói rõ lý do thành lập tổ công tác nhưng trong văn bản đề nghị các bộ, ngành cử cán bộ tham gia tổ công tác, Bộ GTVT cho biết việc lập tổ công tác là để thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính làm việc với các hãng hàng không tại Việt Nam về việc chấp hành các quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Giá về giá bán vé máy bay.

Trên thực tế những nghi ngại về việc xuất hiện tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về Luật Cạnh tranh, Luật Giá đối với giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa đã xuất hiện từ khá lâu nhưng thực sự rõ nét hơn khi thị trường hàng không trong và ngoài nước phải gánh chịu những tác động bất lợi của dịch Covid-19 (từ tháng 1/2020 đến nay).

Do thị trường quốc tế đóng cửa, các hãng hàng không trong nước gần như phải dừng hoàn toàn các hoạt động khai thác quốc tế (vốn chiếm trung bình khoảng 60% năng lực khai thác) và dịch chuyển khai thác sang nội địa vốn cũng suy giảm về nhu cầu, dẫn đến thực trạng dư thừa tải cung ứng tại Việt Nam.

Hơn thế nữa, một số hãng vẫn tiếp tục đưa tàu bay vào khai thác, tăng thêm khoảng 10 tàu so với giai đoạn tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, tương ứng tăng khoảng 4-5% đội tàu bay của tất cả các hãng hàng không.

Vì các lý do này, nguồn lực tàu bay của các hãng dư thừa trong giai đoạn vừa qua trung bình ở mức khoảng 40% số tàu (tính theo số giờ khai thác).

Cũng do dư thừa tải cung ứng quá lớn nên để có thể duy trì, giành thị phần, các hãng liên tục hạ giá bán xuống thấp để lấy dòng tiền khiến tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của tất cả các hãng hàng không tụt rất mạnh.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, chưa bao giờ thị trường hàng không trong nước lại chứng kiến mặt bằng giá vé máy bay rẻ chưa từng có như hiện nay. Khách đặt vé từ Hà Nội đi Đà Lạt dịp nghỉ lễ 30/4; 1/5 trên trang chủ Bamboo Airways chỉ 48.000 đồng cho chiều đi và chiều về là 69.000 đồng (chưa bao gồm thuế). Cùng thời điểm khảo sát, giá vé đi Đà Nẵng vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 của Vietnam Airlines là 109.000 đồng cho mỗi chiều; của Vietjet Air là 39.000 đồng cho mỗi chiều và của Bamboo Airways là 36.000 đồng cho mỗi chiều (chưa bao gồm thuế).

“Ròng rã hơn 1 năm qua, các hãng liên tục cuộc đua giảm giá, dẫn tới dù lượng vé bán ra tăng lên song doanh thu phục hồi chậm”, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong lo ngại.

Hệ lụy xấu

Điều dễ nhìn thấy của việc liên tục hạ giá bán xuống thấp để lấy dòng tiền chính là những con số thua lỗ khổng lồ trên các bản báo cáo tài chính của phần lớn các hãng hàng không trong nước.

Theo đó, mặc dù Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nhưng do dịch bệnh kéo dài và phức tạp, các hãng bay vẫn có xu hướng tiếp tục thua lỗ và cần sớm có thêm các giải pháp, đặc biệt là giải pháp liên quan đến doanh thu.

Đối với hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines, dù chưa có báo cáo tài chính quý 2/2021, tuy nhiên tình hình kinh doanh thua lỗ là bức tranh hiện hữu của doanh nghiệp này. Phần lớn các hãng bay khác cũng đối diện tình trạng tương tự khi sản lượng vận tải hành khách bằng đường hàng không trong tháng 7, 8/2021 gần như bằng 0.

Ngoài sự suy giảm chung về nhu cầu đi lại của toàn thị trường, việc phần lớn các hãng hàng không “đại hạ giá” vé, thậm chí bán dưới giá thành trong hơn 1 năm qua càng khiến tình trạng thua lỗ thêm trầm trọng.

Tại thời điểm tháng 4/2021, giá vé bình quân trên thị trường nội địa chỉ bằng 55% cùng kỳ năm 2019. Giá vé giảm có thể đến từ các chương trình kích thích tiêu dùng của các hãng trong bối cảnh dịch bệnh, hoặc cũng có thể đến từ tình trạng dư thừa nguồn cung, nhưng việc giá vé giảm quá mạnh sẽ khiến bức tranh thị trường trở nên méo mó, gây mất cân đối giữa giá thành và giá bán.

“Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể được lợi khi giá vé giảm, nhưng trong dài hạn, nếu diễn ra tình trạng độc quyền, dù chỉ ở một vài phân khúc, các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán để bù đắp tổn thất và tới lúc đó, người tiêu dùng sẽ lại là người chịu thiệt” , Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng lo ngại.

Mặt khác, việc giảm giá cũng tạo ra sự mất cân đối về phát triển giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác khi giá vé máy bay ở nhiều thời điểm còn rẻ hơn đường sắt và đường bộ trong khi thời gian đi lại chỉ mất 2h so với 21-36 giờ cho chặng Tp.HCM-Hà Nội. Thực trạng rất phi lý này đã làm biến dạng toàn bộ thị trường vận tải, ảnh hưởng lâu dài đến lợi ích của hãng bay và lợi ích Nhà nước.

“Thị trường hàng không nội địa đang rất cần có chính sách quản lý, điều tiết giá vé máy bay nhằm chấm dứt cuộc đua giảm giá vô tội vạ “vô tiền khoáng hậu” theo kiểu “tranh mua tranh bán”, giẫm đạp lên nhau tự làm yếu mình, làm méo mó thị trường, trái với lợi ích doanh nghiệp và quốc gia”, ông Nguyễn Minh Phong đề xuất.

Chia sẻ quan điểm này, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, với vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không, Chính phủ cần cân nhắc giao Bộ GTVT điều chỉnh việc phê duyệt mua tàu bay mới phù hợp với tình hình thị trường trong bối cảnh Covid-19 vẫn tiếp diễn, khả năng vận hành của các hãng và thực trạng hệ thống hạ tầng (đường lăn, nhà ga, kho bãi, dịch vụ mặt đất).

Tin bài liên quan