Duy trì ổn định tỷ giá
Sau 2 ngày giảm và ổn định, giá USD tại các ngân hàng đồng loạt tăng từ 60 đến 85 VND/USD, thị trường tự do tăng 80 - 100 VND/USD trong ngày 17/5. Nhóm ngân hàng quốc doanh tăng mạnh giá mua, bán. Các ngân hàng khác cũng tăng mạnh tỷ giá.
TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang đang tác động mạnh đến tỷ giá. Sau khi Chính quyền Mỹ chính thức áp dụng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc xuất qua Mỹ, ngay lập tức, Trung Quốc cũng đã thay đổi chính sách tiền tệ của mình bằng cách phá giá đồng nhân dân tệ. Trong những ngày vừa qua, đồng nhân dân tệ đã mất giá khoảng 2%, làm tỷ giá trung tâm của chúng ta tăng theo. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục có những chính sách để duy trì ổn định tỷ giá để làm sao trong năm 2019, tỷ giá chỉ tăng 1 - 2%.
Theo các chuyên gia, áp lực tỷ giá USD/VND đang tăng lên sau động thái Trung Quốc giảm giá nhân dân tệ, nên NHNN cần linh hoạt để ứng phó phù hợp. Trong khi đó, ngày 17/5, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 23.054 VND/USD, giảm 2 VND/USD so với một ngày trước đó. Còn ở các ngân hàng thương mại, giá USD liên tục biến động, tăng mạnh trong buổi sáng lên mức 23.460 VND/USD (chiều bán ra) rồi hạ nhiệt xuống vùng 23.450 VND/USD vào buổi chiều.
Tỷ giá VND/USD đang có đợt biến động mạnh nhất kể từ đầu năm, theo các chuyên gia, có phần ảnh hưởng đáng kể từ những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận xét, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra những mối lo ngại, trong đó có động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc. Theo các chuyên gia tài chính - tiền tệ, thời điểm này, NHNN nên theo dõi sát diễn biến thị trường, cân nhắc linh hoạt việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND phù hợp với thị trường, bởi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn. Nếu các nước cũng phá giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu thì có thể dẫn đến một cuộc chạy đua, tạo nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ toàn cầu.
Cần chủ động phòng ngừa
Tỷ giá tiếp tục được điều hành ổn định, linh hoạt, song trước áp lực chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, TS. Bùi Quang Tín cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động trong phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Theo ông Tín, trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có nhiều giải pháp để phòng ngừa và hạn chế rủi ro về tỷ giá.
Cụ thể, doanh nghiệp có thể mua các sản phẩm phái sinh do ngân hàng cung cấp, như sản phẩm phái sinh kỳ hạn hoặc quyền chọn để đảm bảo rủi ro về tỷ giá khi tỷ giá biến động quá mức dự báo 1-2%.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần có bộ phận phân tích, dự báo về biến động của tỷ giá để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Thêm vào đó, nếu các doanh nghiệp giao dịch với những quốc gia không sử dụng USD, thì có thể dùng đồng tiền của họ để hợp đồng giao dịch không phụ thuộc vào USD.
Mặt khác, khi tỷ giá tăng thì sức ép lên lãi suất tiền đồng là điều khó tránh. Vì thế, chúng ta cũng phải điều hành tỷ giá ổn định, linh hoạt để tránh áp lực lên lãi suất, giảm áp lực cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh khi chi phí tăng.
Về phía các ngân hàng thương mại, các chuyên gia cho rằng, để ứng phó trong bối cảnh hiện nay khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, các ngân hàng cần phải rà soát lại tín dụng, đặc biệt là với những khách hàng lớn nhất, để đánh giá lại toàn bộ tình hình tài chính trong ngắn, trung, dài hạn, nhằm tránh rủi ro nợ xấu.
Trước những biến động tỷ giá gần đây, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho biết, tâm lý thị trường rất quan trọng, nên không thể để tỷ giá biến động mạnh. Trong bối cảnh biến động của đồng nhân dân tệ, tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, NHNN phải cân nhắc kỹ khi điều chỉnh chính sách tiền tệ.