Căng thẳng biển Đông không làm rầu chứng khoán châu Á

(ĐTCK) Dường như các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam đã phản ứng quá đà với thông tin căng thẳng trên biển Đông, khi chỉ số VN-Index giảm thêm gần 6% trong phiên giao dịch ngày 8/5, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2001, trong khi các thị trường khác trong khu vực châu Á vẫn tăng điểm.
Căng thẳng biển Đông không làm rầu chứng khoán châu Á

Chứng khoán châu Á vẫn xanh

Trước đó, phản ứng với sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhiều TTCK khu vực đã giảm điểm khá mạnh. Tuy nhiên, diễn biến trên biển Đông có vẻ không thực sự nghiêm trọng, nên các thị trường này đã tăng điểm trở lại trong ngày 8/5, sau khi Chủ tịch Fed Janet Yellen phát đi thông điệp rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể sẽ được kéo dài thêm một thời gian để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế nước này, cùng với đó là một số thông tin kinh tế tích cực của khu vực.

Bà Yellen đã nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng, chương trình kích thích kinh tế vẫn cần được duy trì do việc làm và lạm phát còn thấp so với mục tiêu của Ngân hàng Trung ương. Phát biểu của bà Yellen cuối ngày 7/5 đã tác động tích cực đến các TTCK châu Á sáng 8/5 do chính sách bơm tiền rẻ của Mỹ không chỉ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, qua đó gián tiếp kích cầu xuất khẩu cho các nước khác, mà còn trực tiếp khiến dòng tiền rẻ chảy sang các thị trường này.

Bên cạnh thông tin từ Mỹ, việc Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tạm dừng các biện pháp cải cách kinh tế, trong đó có việc thắt chặt tiền tệ, để hỗ trợ tăng trưởng - đang có dấu hiệu suy giảm - cũng bổ sung trợ lực cho các TTCK châu Á.

Trở lại với diễn biến trên các TTCK châu Á. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 0,6% lên 1.37,64 điểm vào lúc 10h41 sáng qua trên sàn Hồng Kông, với 9 trên 10 ngành tăng điểm. Trong khi đó, chỉ số Topix của TTCK Nhật Bản tăng 0,9%; chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,7%, duy trì đà tăng sau khi các chủ doanh nghiệp nước này thuê thêm 14.200 nhân công trong tháng 4; chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,1%; Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,7%; chỉ số Straits Times của Singapore và Taiex của Đài Loan cùng tăng 0,3%.

Đáng chú ý, chỉ số PSEi của Philippines, nước gần điểm nóng trên biển Đông nhất (không kể Việt Nam), cũng tăng 0,25%.

Sáng nay, 9/5, tính đến 9h40, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc, màu xanh vẫn tràn ngập trên các thị trường châu Á khác. S&P Asia 50 CME tăng 0,73%; Nikkei 225 tăng 0,62%; KOSPI Index tăng 0,18%; Straits Times Index STI tăng 0,15%; PSEi Index tăng 1,01%...

Thêm một cơ hội mua vào

Nhận xét về diễn biến của TTCK Việt Nam hôm 8/5, ông Marc Djandji, một cộng sự của Asean Strategy Group, nói với Bloomberg qua điện thoại rằng, đó là phản ứng với sự kiện xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Việt Nam dường như đã lo sợ thái quá.

“TTCK đã giảm quá đà bởi mức định giá của thị trường không quá cao và các chỉ số tiền tệ đang ổn định”, ông Alan Richardson, quản lý quỹ Samsung Asean Equity Fund, nói. Quỹ của ông hiện đang “yên tâm” mua các cổ phiếu Việt Nam, Richardson cho biết thêm.

Cổ phiếu Việt Nam đang “cực kỳ hấp dẫn” bởi mức định giá thấp hơn tương đối so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, ông Andy Ho, Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital, quỹ đang quản lý 1,6 tỷ USD, nói qua điện thoại với Bloomberg hai ngày trước cuộc bán tháo.

“Căng thẳng trên biển Đông đang gây lo lắng cho các nhà đầu tư, khiến nhiều người trong số họ bán ra cổ phiếu”, ông Hoàng Thạch Lân, Phụ trách môi giới ở CTCK MHB, nói. “Tuy nhiên, cũng có một bộ phận nhà đầu tư nghĩ tình hình căng thẳng trên chỉ là tạm thời và coi đây là một cơ hội mua vào. Chúng tôi nhận thấy khối lượng giao dịch trong phiên này là rất lớn”.

Nhằm trấn an nhà đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của Việt Nam cũng cảnh báo nhà đầu tư không nên lo lắng quá với những diễn biến không trực tiếp liên quan đến kinh tế, tài chính và coi chừng có thể bị lợi dụng, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư.

Tin bài liên quan