“Cần ủy ban quốc gia giải cứu doanh nghiệp”

“Cần ủy ban quốc gia giải cứu doanh nghiệp”

Cho rằng kinh tế đã ở giai đoạn cấp bách lắm rồi, và sức khỏe doanh nghiệp đã vô cùng suy kiệt, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân đề nghị sớm thành lập một ủy ban tầm cỡ quốc gia để xử lý các vấn đề này.

  Ông Trần Hoàng Ngân, thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với báo chí bên lề phiên họp chiều 20/5, khi Chính phủ báo cáo về việc sửa đổi hai dự luật quan trọng là Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng, theo hướng giảm dần các sắc thuế để động viên nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn .

“Cần ủy ban quốc gia giải cứu doanh nghiệp” ảnh 1 

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân còn là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách

Tài chính Tiền tệ Quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà

 

Báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội phiên khai mạc sáng 20/5 cho thấy dù còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế xã hội những tháng đầu năm đã chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu. Cá nhân ông đánh giá thế nào về tình hình hiện nay?

 

Tôi thấy kinh tế đang ở giai đoạn cấp bách lắm rồi. Nếu như các năm trước, khó khăn bên ngoài là một nhân tố tác động tới trong nước thì nay nguyên cớ đó không còn nữa. Đến 2012, kinh tế thế giới đã tăng trưởng trở lại với tốc độ 3,2% và dự kiến năm nay là 3,3%. Các nước trong khu vực năm ngoái tăng trưởng bình quân 5,5-5,6%, vậy mà chúng ta chỉ đạt 5,03%. Vốn dĩ các nước như Thái Lan, Malaysia đã phát triển hơn mình rồi, nay họ tăng trưởng với tốc độ lớn hơn thì khoảng cách càng rộng ra.

 

Tình hình trong nước thì vô cùng lo ngại và cấp bách, dấu hiệu suy giảm đã rất rõ ràng và doanh nghiệp phá sản ngày một nhiều. Trong khi đó, nông nghiệp vốn là cứu cánh của cả nền kinh tế nhiều năm qua thì nay nông dân đang thiệt hại kép, nguồn thu giảm do giá lương thực rẻ đi mà các khoản chi vẫn cứ tăng. Nói là lạm phát giảm nhưng thực tế các khoản mà nông dân phải chi tiêu như dịch vụ y tế, giáo dục, điện nước, xăng dầu vẫn tăng. 67% dân số sống ở nông thôn, 47% ở khu vực nông nghiệp, vì vậy vấn đề khó khăn của nông dân cần được Chính phủ lưu ý.

 

Điều lo ngại thứ ba đó là tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm sút nghiêm trọng. Kế hoạch đặt ra phải đạt 33,5% GDP nhưng chỉ thực hiện được hơn 28%. Trong đó giảm mạnh nhất là khu vực dân doanh, họ chỉ thực hiện được 64% kế hoạch. Điều này cho thấy tinh thần doanh nhân, niềm tin của họ vào chính sách sa sút và họ chưa tìm thấy cơ hội tốt để đầu tư. Đó là những cảnh báo cần thiết, phải lưu ý, đòi hỏi giải pháp quyết liệt và khẩn cấp mới đảm bảo kinh tế năm nay tăng trưởng trên 5%.

 

Nói như vậy có nghĩa các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 02 của Chính phủ chưa đủ liều, bởi khó khăn của nền kinh tế, thực trạng doanh nghiệp đã được đề cập từ cuối năm 2011 và tiếp tục nhắc lại trong năm 2012?

 

Chính sách, giải pháp đề ra trong các văn bản, giấy tờ đã đầy đủ rồi, nhưng đi vào giải quyết sự vụ cụ thể còn yếu. Tôi thấy rằng để xảy ra tình trạng này ngoài nguyên nhân khách quan, còn do bộ ngành chức năng không nhận diện đầy đủ tình hình, dẫn đến báo cáo chính thức về “sức khỏe” doanh nghiệp chưa rõ ràng, chưa trúng. Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản cứ ngày một tăng lên. Năm 2010 có 43.000 đơn vị ngừng hoạt động, phá sản. Con số của 2011 là trên 53.000, 2012 trên 54.000. Ba tháng đầu năm nay, mỗi tháng có 4.900-5.000 và tổng số đến nay đã là 20.000.  Như vậy tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động phá sản đã trở thành dịch bệnh rồi và vô cùng nguy hiểm.

 

Theo ông giải pháp cấp bách cho những vấn đề này là gì?

 

Lực lượng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là doanh nghiệp, vậy mà tình hình phá sản doanh nghiệp ngày một trầm trọng, cần thiết phải có ủy ban khẩn cấp để ngăn chặn dịch này. Chúng ta cứ ra văn bản này kia nhưng lại thiếu hẳn một ủy ban để giải quyết các vấn đề cấp bách của doanh nghiệp. Khi ngành y tế xuất hiện dịch bệnh, Chính phủ phải thành lập ủy ban quốc gia phòng chống dịch liền. Cũng như vậy khi có bão, thiên tai. Tôi đề nghị phải khẩn cấp thành lập một ủy ban mang tầm quốc gia để đối phó với suy giảm kinh tế cũng như tình trạng doanh nghiệp phá sản, ngưng sản xuất kinh doanh. Có như vậy mới mong chặn đứng suy giảm kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Ủy ban đó sẽ là cơ quan kết nối các bộ ngành, đi thẳng vào những vấn đề doanh nghiệp đang cần. Chẳng hạn khi doanh nghiệp kêu lãi suất vẫn cao, cơ quan này phải đứng ra dàn xếp mối quan hệ với ngân hàng để đảm bảo có lãi suất hợp lý cho những dự án tốt. Rồi doanh nghiệp than rằng họ tiếp cận vốn rất khó vì còn kẹt nợ cũ. Vậy thì ủy ban cần đứng ra dàn xếp để khoanh khoản nợ cho doanh nghiệp vay vốn triển khai dự án mới. Ủy ban có thể do Phó thủ tướng đứng đầu. Dưới cấp tỉnh thành cũng phải có một ủy ban tương tự do một Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, tập hợp các sở ngành.

 

Nhưng cũng có lo ngại các giải pháp cứu trợ sẽ đến nhầm đối tượng. Chẳng hạn được khoanh nợ cũ, doanh nghiệp sẽ vay món mới với lãi suất thấp để thanh toán nợ cũ lãi suất cao chứ không đưa vào sản xuất kinh doanh. Ông nghĩ sao?

 

Doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn hiện nay có nhiều nguyên nhân lắm. Đó là lãi suất, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, các khoản nợ cũ cản bước doanh nghiệp vay món mới, rồi sức cầu của nền kinh tế nữa, và rất nhiều lý do nữa. Tất nhiên cũng có lo ngại như trên nếu hỗ trợ nhầm đối tượng. Vì vậy trước mắt chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đang hoạt động, thấy họ yếu ở đâu, bệnh chỗ nào thì có thuốc chữa ngay chỗ đó.

 

Năm 2012 có tới 69% doanh nghiệp báo cáo lỗ, con số lớn nhất từ trước đến nay; số ngừng hoạt động, phá sản vẫn gia tăng cho thấy tình hình khẩn cấp. Hết năm nay mà tình hình vẫn chưa được cải thiện thì e rằng có cứu cũng quá muộn.

 

Đại biểu Trần Du Lịch: Giờ này năm trước, vấn đề gốc lõi mà doanh nghiệpcần là giảm lãi suất, nhưng hiện nay giảm lãi suất không còn phải là cây đũa thần nữa. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng nếu vay được với lãi suất 8- 9% họ cũng không vay. Bây giờ, nghẽn lớn nhất của nền kinh tế là không hấp thụ được vốn nữa. Năm ngoái tôi gọi nợ xấu là cục máu đông, nhưng bây giờ suy giảm thị trường, suy giảm đầu tư và suy giảm niềm tin thị trường đó là những vấn đề làm hạn chế hấp thụ vốn. Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao khơi dậy niềm tin thị trường. Muốn làm được điều đó, tôi cho rằng chúng ta đừng bàn, đừng “đẻ” ra quá nhiều giải pháp.

 

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm: Nhìn chung tất cả các biện pháp tháo gỡ kể cả giải quyết tồn kho, tăng sức mua, xắp xếp, xử lý nợ xấu, giải quyết những tồn tại của thị trường bất động sản mới chỉ dừng lại ở các giải pháp, thực tế triển khai rất chậm. Nguyên nhân là chưa có sự phối hợp chặt chẽ,  ăn nhập giữa chủ trương với hành động thực tế. Tôi nghĩ rằng thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2013 như mục tiêu Chính phủ đã đề ra là cực kỳ khó khăn.