Gần đây, có một số vụ việc liên quan đến các công ty được thành lập ở các quốc gia, vùng lãnh thổ được coi là thiên đường thuế. Liệu các công ty này có gì khác biệt so với các công ty khác?
Sự khác biệt lớn nhất là các công ty được thành lập ở các vùng lãnh thổ được miễn thuế, hoặc đóng thuế ít hơn rất nhiều so với doanh nghiệp ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác và cơ chế giám sát, quản lý của các thiên đường thuế đối với các doanh nghiệp được thành lập ở đây rất yếu, gần như không kiểm soát.
Có vụ việc, một công ty sản xuất container tại Việt Nam đã tìm kiếm được đối tác mua hàng hóa, nhưng doanh nghiệp này không trực tiếp ký hợp đồng mua bán trực tiếp với khách hàng mà bán qua một công ty trung gian - vốn được thành lập tại Virgin (một trong những thiên đường thuế). Theo ông, liệu có điều gì “bí ẩn” trong trường hợp này?
Luật sư Hồ Hữu Hoành
Theo tôi, khả năng thứ nhất là chuyển giá. Bên Việt Nam sẽ bán giá thấp hơn so với giá thị trường cho doanh nghiệp ở lãnh thổ thiên đường thuế, sau đó doanh nghiệp này sẽ bán cho bên thứ ba với giá cao hơn, hoặc ngang bằng giá thị trường. Điều này có nghĩa là bên bán ở Việt Nam sẽ có doanh thu thấp, dẫn đến đóng thuế thấp hơn.
Khả năng thứ hai là doanh nghiệp giữ lại phần lớn lợi nhuận tại các vùng lãnh thổ là thiên đường thuế. Nếu doanh nghiệp ở lãnh thổ thiên đường thuế là “chân gỗ” của bên bán hàng tại Việt Nam thì điều này có nghĩa rằng, phần lớn lợi nhuận từ hợp đồng mua bán lòng vòng đã được giữ lại ở nước ngoài, hay nói khác khác là đã được chuyển ra nước ngoài một cách hợp pháp mà không bị đánh thuế nhiều hơn theo quy định.
Vẫn trường hợp trên, một ngân hàng đã giải ngân cho công ty tại Việt Nam để sản xuất theo đơn đặt hàng và theo thỏa thuận, tiền bán hàng sẽ được trả vào tài khoản mở tại ngân hàng này. Nhưng thực tế, tiền đã được trả vào tài khoản ở ngân hàng khác và bị rút ra sử dụng hết. Khi không thấy tiền về tài khoản, ngân hàng mới yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý của công ty tại Virgin. Dường như trong vụ việc này, ngân hàng đã quá tin tưởng vào khách hàng hoặc cố tình “làm ngơ”?
Theo tôi, lỗi phần lớn là thuộc về ngân hàng và cơ chế giám định của ngân hàng. Bởi lẽ, trong trường hợp thế chấp tài sản trong hợp đồng mua bán thì về nguyên tắc, phía bên mua phải có ngân hàng đứng ra bảo lãnh; nếu bên mua không thanh toán vào tài khoản của ngân hàng cho vay như đã thỏa thuận thì bên ngân hàng bảo lãnh cho bên mua sẽ đứng ra thanh toán, chuyển tiền vào tài khoản của ngân hàng cho vay của bên bán.
Do đó, cơ chế đánh giá hoặc giám sát của ngân hàng cho vay trong trường hợp nêu trên có vấn đề, hoặc có thể thiếu sót trong việc thực thi hoạt động giám sát hợp đồng cho vay.
Theo ông, nếu ngân hàng gặp trường hợp hồ sơ tín dụng có liên quan đến công ty tại thiên đường thuế thì cần phải có quan điểm như thế nào? Liệu có đến mức là tránh xa các đối tác này?
Phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu vốn, đầu tư tại Việt Nam, kể cả trên thế giới đều có trụ sở chính đăng ký tại các vùng lãnh thổ, quốc gia là thiên đường thuế (nơi có chính sách miễn, giảm thuế nhiều nhất so với các quốc gia còn lại). Do đó, nếu e dè, hoặc “kỳ thị” thì xu hướng này sẽ rất cực đoan.
Nhưng trong trường hợp ngân hàng có hồ sơ tín dụng liên quan đến doanh nghiệp có trụ sở tại thiên đường thuế thì cần cân nhắc các vấn đề như thực hiện đúng các quy định, cơ chế đánh giá, giám sát, thẩm định khi cho vay. Xem xét về chỉ số an toàn thông qua việc thẩm định để quyết định cho vay hoặc từ chối. Trường hợp cho vay thì nghiêm túc thực hiện cơ chế giám sát, thực thi hợp đồng cho vay và thực hiện đúng các quy định về bảo lãnh cho vay.
Điều quan trọng là cần kiểm tra rõ tư cách pháp nhân của các bên liên quan trong hợp đồng mua bán mà hàng hóa dùng để thế chấp đó cho khoản vay của bên bán. Nếu thấy có những vấn đề không ổn, ví dụ có sự liên hệ chặt chẽ giữa công ty bán với công ty mua về phần vốn góp, đại diện pháp luật... thì phải thận trọng và cân nhắc việc có nên từ chối hay đồng ý cho vay.
Ở nước ngoài, khi gặp đối tác là một công ty được thành lập tại các thiên đường thuế thì sao? Ngoài ra, với các hoạt động kinh doanh khác, nếu doanh nghiệp gặp một đối tác xuất thân từ thiên đường thuế, chủ doanh nghiệp nên làm gì để đảm bảo các giao dịch được thực hiện an toàn, tránh thiệt hại?
Việc cho vay không phụ thuộc vào doanh nghiệp đó xuất thân từ đâu, mà nó dựa trên 2 tiêu chí: chỉ số tín dụng, tài sản hoặc phương thức bảo lãnh cho vay của doanh nghiệp đó. Do đó, bất kỳ ngân hàng nào cũng cần phải nghiêm túc thực hiện công tác thẩm định, sẽ hạn chế được rủi ro xảy ra.
Đối với doanh nghiệp có giao dịch, mua bán với các doanh nghiệp ở thiên đường thuế, cần thực hiện đúng các quy định pháp luật, thông lệ quốc tế về hoạt động ngoại thương, thực thi các cơ chế đảm bảo như bảo lãnh, ký quỹ. Trong trường hợp có “cảm giác”, hoặc xét thấy khả năng an toàn không cao thì không nên vì "ánh sáng lợi nhuận” mà nhắm mắt ký tên, rủi ro rất dễ xảy ra.
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Hồng Anh (tức Lisa Nguyễn) tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vụ án liên quan đến giao dịch cho vay vốn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank). Theo cáo trạng, năm 2010, Công ty United Arab Shipping Company (UASC) thuộc Các tiểu Vương quốc Ả-rập thỏa thuận mua 10.000 container do Công ty Cascon (khi đó mang tên cũ là Công ty VTC) sản xuất với giá 4.038 USD/container.
Hai bên thỏa thuận, Công ty UASC ký trực tiếp với Công ty Cascon mua 1.000 containner. Hai bên đã giao hàng, trả tiền và thanh lý hợp đồng.
9.000 container còn lại, Công ty Cascon sẽ bán qua một đơn vị trung gian là Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Sunny Investment (Công ty SNI). Công ty SNI sẽ bán tiếp cho Công ty UASC.
Nguyễn Hồng Anh - khi đó là Tổng giám đốc Công ty Cason đã sử dụng các hợp đồng, biên bản thỏa thuận, kèm theo phương án kinh doanh để nộp cho Vietcombank vay tiền, với số tiền hơn 30 triệu USD (sau đó đã trả nợ một phần, còn lại hơn 20 triệu USD).
Có vốn, Nguyễn Hồng Anh đã tổ chức cho Công ty Cason sản xuất và chuyển giao 9.000 container. Tuy nhiên, thay vì số tiền hàng được trả vào tài khoản của Công ty Cascon mở tại Vietcombank thì lại được trả vào tài khoản mở tại HSBC.
Không thấy Công ty SNI chuyển trả tiền vào tài khoản, Vietcombank yêu cầu Công ty Cascon cung cấp hồ sơ pháp lý của Công ty SNI, đòi nợ ráo riết và cuối cùng đưa vụ việc ra cơ quan có thẩm quyền.
Đến lúc này mới hay, Công ty SNI được thành lập tại Virgin (thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh) - một nơi được gọi là thiên đường thuế. Công ty SNI này do Nguyễn Hồng Anh thành lập, các chữ ký đại diện Công ty SNI trên các bản hợp đồng đều do nhân viên Công ty Cascon ký giả. Bản thân Nguyễn Hồng Anh kiêm luôn Giám đốc Công ty SNI.