Cẩn trọng mắc lỗi ngay ở hợp đồng bảo hiểm mẫu

Cẩn trọng mắc lỗi ngay ở hợp đồng bảo hiểm mẫu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là lưu ý của luật sư Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Hợp danh Luật Việt khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh những lo ngại việc áp dụng Luật Công chứng có thể khiến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị vô hiệu.

Sau khi đăng tải bài báo “Mắc lỗi kê khai vẫn được chi trả bảo hiểm" (ghi nhận việc khách hàng được tòa xử thắng dù kê khai không đầy đủ), Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trong đó có lo ngại về nguy cơ có khoảng 10 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện hữu bị "bác", bị tuyên bố vô hiệu nếu áp dụng Điều 35 và 36 - Luật Công chứng bởi bộ hợp đồng của 18 công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường hiện nay gần như không ký nháy từng trang. Ông nghĩ sao về điều này?

Thông thường, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là một dạng hợp đồng theo mẫu, tức là nội dung của hợp đồng do công ty bảo hiểm soạn thảo sẵn. Tại Điều 35 và 36 - Luật Công chứng năm 2006 (tương ứng với Điều 40 và 41 - Luật Công chứng năm 2014) quy định về thủ tục công chứng hợp đồng đã được soạn thảo sẵn và công chứng hợp đồng soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thì ký vào từng trang của hợp đồng. Do đó, khi công chứng viên thực hiện công chứng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, các bên sẽ phải ký nháy vào từng trang của hợp đồng cùng với bộ hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.

Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có vi phạm quy định Luật Công chứng, cụ thể là bộ hợp đồng này kèm theo hồ sơ yêu cầu bảo hiểm không được các bên hoặc một trong các bên ký nháy từng trang thì cũng không thể bị tuyên bố vô hiệu. Bởi theo quy định tại Điều 119 và 129 - Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân thủ theo quy định đó, nếu giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì mới vô hiệu, tức là chế tài vô hiệu chỉ được áp dụng đối với giao dịch dân sự vi phạm hình thức bắt buộc là điều kiện có hiệu lực của giao dịch.

Chỉ những giao dịch pháp luật quy định bắt buộc phải thể hiện bằng văn bản, phải có chứng thực, chứng nhận, đăng ký hoặc xin phép mà các bên không tuân thủ quy định này mới bị vô hiệu, mà theo quy định tại Điều 14 - Luật Kinh doanh bảo hiểm về hình thức hợp đồng bảo hiểm thì: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định”.

Như vậy, hợp đồng bảo hiểm chỉ cần được lập thành văn bản mà không có yêu cầu bắt buộc phải được công chứng, chứng thực. Hợp đồng bảo hiểm được công chứng là theo yêu cầu tự nguyện của các bên tham gia hợp đồng. Do đó, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không được công chứng hoặc được công chứng không đúng quy định thì không bị tuyên bố vô hiệu.

Vậy hợp đồng bảo hiểm được xem là vô hiệu khi nào?

Luật sư Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Hợp danh Luật Việt

Luật sư Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Hợp danh Luật Việt

Hợp đồng được xem là vô hiệu khi một hoặc các bên ký hợp đồng yêu cầu tòa án tuyên vô hiệu, chứ không thể tự động vô hiệu. Nói cách khác, khoảng 10 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện nay không tự động vô hiệu được.

Về việc áp dụng Luật Công chứng đối với việc công chứng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Luật Công chứng quy định, công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Tuy nhiên, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là loại hợp đồng bảo hiểm theo mẫu của doanh nghiệp bảo hiểm. Các nội dung của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải được doanh nghiệp bảo hiểm công khai theo đúng quy định và tuân thủ đúng các quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn. Bên mua bảo hiểm đã có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu trước khi lựa chọn giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm và pháp luật có liên quan không có quy định hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phải được công chứng. Đồng thời, doanh nghiệp bảo hiểm là tổ chức có tư cách pháp nhân, có con dấu và có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Do đó, khi các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không nhất thiết phải công chứng hợp đồng, mà hợp đồng vẫn phát sinh hiệu lực pháp lý nếu tuân thủ các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và pháp luật có liên quan.

Để bảo vệ mình, theo ông, các công ty bảo hiểm phải làm gì?

Các công ty bảo hiểm là bên đưa ra hợp đồng theo mẫu nên sẽ phải chịu các rủi ro pháp lý khi điều khoản quy định trong hợp đồng không rõ ràng. Điều 21 - Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”.

Khoản 2, Điều 405 - Bộ luật Dân sự cũng quy định: “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”. Bởi vậy, khi kinh doanh và khai thác bảo hiểm, các công ty bảo hiểm cần tuân thủ các nguyên tắc, trong đó đảm bảo tính trung thực, công khai và minh bạch, tránh để khách hàng hiểu sai về sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp. Đồng thời, trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm phải tìm hiểu các thông tin cần thiết về khách hàng, cân nhắc khả năng tài chính và năng lực chuyên môn của mình, đảm bảo duy trì các nguồn lực tài chính, khả năng thanh toán và các hệ thống quản lý rủi ro.

Trong trường hợp nêu trên, thứ tự ưu tiên áp dụng các quy định, văn bản pháp luật là như thế nào (hợp đồng bảo hiểm, luật chuyên ngành (luật bảo hiểm) hay luật nào, hay sẽ phải xem lại nhiều luật chuyên ngành tương đương khác kể cả mâu thuẫn)?

Nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung” đã được quy định trong nhiều văn bản luật. Cụ thể, Khoản 1, Điều 4 - Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự”.

Khoản 2 điều này cũng nêu rõ: “Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của bộ luật này”.

Khoản 3 điều này cho hay: “Trường hợp luật khác có liên quan không quy định, hoặc có quy định nhưng vi phạm Khoản 2 điều này thì quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 được áp dụng”. Luật khác ở đây được hiểu là luật riêng/luật chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Điều 156 - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có nêu: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.

Như vậy, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định giống nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng luật chuyên ngành. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Với các hợp đồng bảo hiểm được ký qua hình thức online liệu bị ảnh hưởng?

Theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thì “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu. Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu (Điều 33 và 34). Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử (Khoản 12, Điều 4)”.

Về phạm vi áp dụng của giao dịch điện tử được pháp luật công nhận bao gồm: Các giao dịch điện tử được áp dụng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định (Điều 1).

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 14 - Luật Kinh doanh bảo hiểm về hình thức hợp đồng bảo hiểm thì: “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định”.

Do vậy, bên cạnh hợp đồng bảo hiểm truyền thống (hợp đồng do các bên xác lập và ký kết trực tiếp), hợp đồng bảo hiểm được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu cũng được pháp luật công nhận. Khi có bằng chứng là giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định cũng có nghĩa là hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và có hiệu lực đối với các bên tham gia.

Như đã trình bày ở trên, việc công chứng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không phải là thủ tục bắt buộc khi các bên giao kết hợp đồng. Do đó, hiệu lực của các hợp đồng bảo hiểm giao kết theo hình thức số hóa cũng không bị ảnh hưởng bởi quy định tại Điều 35 và 36 - Luật Công chứng năm 2006 (tương ứng với Điều 40 và 41 - Luật Công chứng năm 2014).

Trong nền kinh tế hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin như hiện nay, hợp đồng bảo hiểm được ký online đang dần trở thành phương thức được nhiều công ty bảo hiểm lựa chọn thay thế cho các loại hợp đồng truyền thống bởi các ưu thế vượt trội như tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, rút ngắn khoảng cách, dễ dàng trao đổi dữ liệu và chia sẻ thông tin với khách hàng.

Tin bài liên quan