Vàng được đánh giá còn nhiều dư địa để “tạo sóng” trong năm nay.

Vàng được đánh giá còn nhiều dư địa để “tạo sóng” trong năm nay.

Cẩn trọng khi vàng “tan chảy”

(ĐTCK) Sức nóng của vàng thời gian gần đây khiến nhiều người đứng ngồi không yên. Theo giới chuyên gia, mặc dù dư địa tăng giá vẫn còn, song nhà đầu tư cần thận trọng khi đầu tư vào kim loại quý này, đặc biệt trong bối cảnh các sự kiện địa chính trị - yếu tố tác động mạnh tới giá vàng - vẫn diễn biến khó lường. 

Giá vàng khó tránh sự đảo chiều khi đã tăng nóng

Giá vàng giao dịch trong ngày thứ Sáu (10/1/2020) trên thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh sau khi căng thẳng tại Trung Ðông lắng dịu, kéo theo giá vàng trong nước giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng. Dẫu vậy, mức giá này vẫn cao hơn đáng kể so với giá của tháng 12.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng SJC đã mất mốc 43 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Như vậy, ở thời điểm này, nếu nhà đầu tư bán ra sẽ không còn được giá như giữa tuần qua, thời điểm giá bán ra tăng lên gần 50 triệu đồng/lượng.

Mức chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra tại SIC tiếp tục được duy trì ở mức cao, khoảng 500.000 đồng/lượng.

Tại Tập đoàn Doji, giá vàng Doji cũng giảm về mức 43,05-43,35 triệu đồng/lượng, tương đương giảm tới 950.000 đồng/lượng chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

Không nằm ngoài xu thế, giá vàng Rồng vàng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giảm về 43,12-43,67 triệu đồng/lượng, tương giảm 870.000 đồng chiều mua vào và 890.000 đồng chiều bán ra mỗi lượng…

Thực tế, đóng góp không nhỏ vào việc kéo giảm giá vàng đến từ một số sự kiện địa chính trị quan trọng trên thế giới có dấu hiệu “hạ nhiệt”, chẳng hạn căng thẳng ở Trung Ðông dịu bớt, hay thương chiến Mỹ - Trung tiến tới việc ký kết thỏa thuận giai đoạn 2…

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra phát biểu hướng tới hòa bình và nhấn mạnh rằng, không có bất kỳ thương vong nào từ các cuộc tấn công vào cuối ngày 7/1 tại các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq.

Các thông tin này khiến nhà đầu tư bớt lo ngại hơn về khả năng cuộc chiến tại Trung Ðông leo thang, qua đó trở thành rào cản cho việc tăng giá của vàng, đồng thời giúp các chỉ số chứng khoán tăng trở lại.

Theo Reuter, lượng vàng dự trữ tại quỹ EFT lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã giảm 1,05% xuống 886,81 tấn vào ngày 8/1.

Bên cạnh đó, chỉ số USD-Index đang dao động gần mức cao nhất trong hai tuần cũng khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ vàng bằng các loại tiền tệ khác.

Theo giới phân tích lĩnh vực vàng, tình hình địa chính trị thế giới là yếu tố tác động mạnh nhất lên giá vàng thời gian gần đây. Hiện giá vàng thế giới không chịu ảnh hưởng nhiều bởi diễn biến của kinh tế Mỹ, mà chủ yếu bị tác động bởi thương chiến Mỹ - Trung, bên cạnh căng thẳng quân sự tại khu vực Trung Ðông.

Thương chiến Mỹ - Trung đã kết thúc đàm phán giai đoạn 1 và đang hướng tới giai đoạn 2.

Nếu thỏa thuận thành công thì khả năng tình hình kinh tế thế giới sẽ tích cực hơn, nhưng đó là chuyện của tương lai, trong khi hiện tại chưa thể nói trước được điều gì. Bởi vậy, vàng vẫn còn nhiều dư địa để “tạo sóng”.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ðầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, những bất ổn về địa chính trị trên thế giới, đặc biệt là thương chiến Mỹ - Trung chưa thực sự lắng dịu… sẽ là cơ hội cho mặt hàng kim kim quý như vàng tăng giá trong năm 2020. 

Cơ hội cho vàng tăng giá?

Mặc dù giá vàng đang giảm dần, nhưng giới chuyên gia vàng nhìn nhận, vàng vẫn còn nhiều trợ lực tăng giá trong năm 2020.

Số liệu kinh tế vĩ mô gần đây cho thấy, tình trạng “hạ nhiệt” của kinh tế toàn cầu sắp kết thúc, nhưng chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn; khả năng xảy ra “Brexit cứng” (tức việc nước Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) mà không đạt một thỏa thuận nào, bất chấp Hạ viện Anh đã thông qua thỏa thuận mới đây) vẫn tồn tại và điều này có thể “khuấy động” thị trường chứng khoán, qua đó đẩy giá vàng cao hơn; trong khi đó, những lạc quan về đàm phán thương mại Mỹ - Trung nếu có diễn ra cũng chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn, nên khó kéo dài việc giảm giá vàng...

Theo đó, các dự báo đưa ra, giá vàng có khả năng vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce vào đầu năm, thậm chí có thể tăng lên 1.700 USD/ounce vào giữa năm nay.

Kết quả khảo sát mới nhất của Main Street trên Kitco News cho thấy, các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng giá vàng từ nay đến cuối năm 2020.

Trong số 1.749 người tham gia khảo sát, có đến 80% nhận định giá vàng sẽ đi lên và vượt mốc 1.600 USD/ounce.

Ðồng thời, nhiều ngân hàng quốc tế như Goldman Sachs cũng đưa ra dự báo giá vàng sẽ đạt mức trên 1.600 USD/ounce trong năm 2020.

Vì thế, không ít nhà đầu tư sẽ rót mạnh vốn để “săn” vàng để đón đầu xu hướng tăng giá, nhất là trong bối cảnh giá USD đang suy yếu và căng thẳng địa chính trị trên thế giới có chiều hướng gia tăng.

Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam - ông Huỳnh Trung Khánh đưa ra nhận định, 2020 là năm có nhiều thuận lợi đối với vàng. Một khi tăng trên ngưỡng kháng cự 1.557 USD/ounce, kim loại quý này có thể vọt lên trên 1.600 USD/ounce.

Mặt khác, tiềm năng tăng trưởng của giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào mức độ ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, những bất ổn về thương mại và lo ngại về tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ trợ lực cho giá vàng.

Phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi tín hiệu cơ quan này sẽ tạm ngưng nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi dã giảm lãi suất trong giai đoạn tháng 7-10/2019, thời điểm tăng trưởng kinh tế Mỹ đi xuống, tâm lý doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về thương mại và lạm phát thấp hơn mục tiêu.

Tuy nhiên, đa phần giới chuyên gia cho rằng, Fed sẽ giữ chính sách này trong thời gian dài, thậm chí là tiếp tục giảm thêm để hỗ trợ nền kinh tế.

Chẳng hạn, theo BNP Paribas SA, khả năng Fed sẽ thực hiện thêm 2 lần hạ lãi suất trong nửa đầu năm 2020.

Môi trường lãi suất thấp cùng với đà giảm của USD và khả năng thực hiện chính sách thúc đẩy lạm phát sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng.

Ðồng thời, việc các chính phủ đẩy mạnh mua vàng được xem là yếu tố quan trọng khiến vàng tăng giá, trong đó đáng chú ý là động thái mua vào của Trung Quốc.

Các ngân hàng trung ương đã mua đến 1/5 nguồn cung vàng toàn cầu, báo hiệu sự chuyển dịch của dòng vốn ra khỏi USD để chuyển sang vàng, Goldman Sachs đánh giá.

Tin bài liên quan