Đó là luận điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về mục tiêu và chủ trương xây dựng, soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế tại Hội thảo chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vừa diễn ra ngày 3/11 tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến đưa ra trình Quốc hội xem xét thảo luận tại kỳ họp này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, Nghị quyết số 11-NQ/TW đã xác định xây dựng một số đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị.
Quán triệt các Nghị quyết của Đại hội Đảng, Ban chấp hành Trung ương Đảng và chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị về phát triển các đặc khu kinh tế, quan điểm đặt ra ngay từ đầu trong soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là cần có tính đột phá, vượt trội trên các mặt kinh tế xã hội, hành chính và tư pháp, cao hơn và thuận lợi hơn so với các quy định của các luật hiện hành áp dụng đói với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao…
Do luật này áp dụng đối với 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc - là các khu vực có ranh giới địa lý xác định, nên cần mạnh dạn cho phép áp dụng các thể chế, chính sách mới đột phá và đặc biệt vượt trội trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Mục tiêu là nhằm tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các lĩnh vực sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ mới, công nghệ cao cũng như các ngành dịch vụ, công nghiệp có lợi thế phát triển và nằm trong danh mục các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên phát triển của khu vực.
Cụ thể hóa các chủ trương quan điểm và mục tiêu này, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được xây dựng và đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để hoàn thành.
Luật bao gồm 6 chương, 104 điều với nhiều chính sách phát triển kinh tế xã hội khá mới mẻ, đột phá được đề xuất tại dự thảo Luật lần này, bao gồm các chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh; chính sách về tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sỡ hữu nhà ở; chính sách đầu tư xây dựng và thực hiện các chính sách đặc thù; chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền thuê đất; chính sách phát triển các ngành dịch vụ, du lịch; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Ông Đông chỉ ra, đối với chính sách và thủ tục đầu tư kinh doanh, Dự thảo Luật sẽ thu hẹp ngành, nghề có điều kiện (từ 243 xuống còn 108 ngành, nghề); gỡ bỏ những hạn chế, phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt; thủ tục đầu tư kinh doanh, thủ tục có liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu, hải quan, lao động… được giải quyết đơn giản, nhanh gọn, tại chỗ tại trung tâm hành chính công, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư...
Liên quan chính sách về tiếp cận đất đai, thế chấp tài sản trên đất và sở hữu nhà ở, Dự thảo Luật cũng đề xuất cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án đầu tư khu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển y tế, giáo dục, dự án đầu tư thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển của các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và dự án đầu tư của nhà đầu tư chiến lược....
Tuy nhiên, ông Đông cũng cho biết, hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nguyên tắc, luật hóa chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế do có những chính sách đề xuất còn khá mới mẻ, tính đột phá cao hơn so với các quy định hiện hành.
Chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các thế chế áp dụng cho các đặc khu kinh tế lớn trên thế giới, chuyên gia Marcin Milosz, Nhóm tư vấn Công ty TNHH Tư vấn Boston đánh giá, Việt Nam có cơ hội lớn để xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Việt Nam sẽ có một đặc khu kinh tế tốt hơn một số nước ở khu vực Đông Nam Á, vì là nước đi sau, nên sẽ có nhiều lợi thế.
Để tạo ra được các yếu tố chủ chốt, mang lại thành công cho các đặc khu, ông Milosz cho rằng, Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cần đặt ra và đáp ứng được các yêu cầu cơ bản để thu hút và tạo thành công cho đầu tư tư nhân.
Thứ nhất là có vị thế chiến lược, cơ sở hạ tầng phù hợp, kết cấu hạ tầng xây dựng đầy đủ có sự tham gia của cả Nhà nước và tư nhân.
Thứ hai, cần có khung khổ thể chế rõ ràng, khung khổ quản lý nhà nước minh bạch với các chính sách tiên liệu được, thủ tục hành chính thuận lợi áp dụng thực thi 1 cửa và điều quan trọng là tư cơ quan trung ương đến chính quyền địa phương phải có sự thấm nhuần đồng bộ.
Thứ ba, công tác quảng bá cần tích cực chủ động và có chiến lược nhằm truyền tải rõ ràng thông điệp tới các đối tác quan trọng.
Chuyên gia Patrick Tay Soo Eng, Phó tổng giám đốc Phụ trách tư vấn chính sách kinh tế Price Water House Coppers Malaysia cho rằng, để hình thành những đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng khung khổ pháp lý cũng như chất lượng của định thế, thể chế là nền tảng để có đặc khu siêu hạng.
“Trong bối cảnh hiện nay tại khu vực, khi xây dựng dự thảo Luật, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới sáng tạo, tránh xu hướng hình sự hóa, giảm tính quan liêu, tăng tính minh bạch trong mô hình quản lý tại các đặc khu và đặc biệt là trao quyền mạnh dạn cho các thiết chế trưởng đặc khu để họ thỏa sức sáng tạo trong khả năng và chính sách thu hút đầu tư, đồng thời có thể ra được các quyết định một cách nhanh chóng kịp thời một cách có lợi ích cao nhất”, chuyên gia Patrick Tay khuyến nghị.
Liên quan các thủ tục hành chính, GS. Đặng Hùng Võ đề xuất, cần mạnh dạn đưa ra thủ tục hành chính điện tử một cửa nhằm tạo ra những bước vượt lên đáng kể so với thủ tục hành chính hiện nay. Đồng thời chính sách đất đai cần tiếp cận theo hướng thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế, áp dụng công bằng cho cả đầu tư trong và ngoài nước.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quốc Vinh, Phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Duy Anh đưa ra đề xuất rất cụ thể, đó là quy định rõ khu phí thuế quan, bao gồm toàn bộ đơn vị hành chính đặc biệt hay chỉ là một phần. Theo đó, công bố rõ có danh mục ngành nghề cụ thể áp dụng riêng cho khu phí thuế quan hay là ngành nghề lĩnh vực ngành nghề áp dụng chung cho cả đặc khu.
Bên cạnh đó, ông Vinh đề xuất, nên quy hoạch khu phí thuế tại đặc khu quan gắn với cảng biển, sân bay để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Một trong những chính sách bổ sung tại Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mới nhất đưa ra lấy ý kiến lần này là cho phép thực hiện các chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách đặc thù.
Theo đó, cho phép nhà đầu tư được ứng trước vốn để thực hiện và được lựa chọn các phương thức hoàn trả vốn ứng trước quy định tại Luật đối với các nhiệm vụ chi ngân sách của nhà nước có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư của nhà đầu tư bao gồm xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, khu tái định cư và công trình khác ngoài hàng rào dự án mà chưa bố trí được vốn.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư được đề xuất hình thức đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo thông lệ quốc tế để Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt hoặc Chủ tịch UBND đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt xem xét quyết định.