Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được triển khai thực hiện được tròn 1 năm. Ông đánh giá thế nào về nghị quyết này?
Nghị quyết 42 ra đời trong bối cảnh nợ xấu tồn đọng trong nền kinh tế nói chung, hệ thống các TCTD nói riêng ngày một tăng cao và “cục máu đông” nợ xấu có thể khiến cả nền kinh tế “đột quỵ”. Bởi vậy, việc ban hành Nghị quyết 42 được xem là bài thuốc hữu hiệu nhất để đánh tan “cục máu đông” này.
Ông Trần Dũng, Giám đốc Phòng Xử lý nợ và khai thác tài sản của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Nghị quyết 42 là cơ sở pháp lý cao nhất, là sự thể hiện quyết tâm của cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp trong việc giải phóng khối tài sản bảo đảm khổng lồ của nợ xấu còn tồn đọng.
Vì vậy, không chỉ các TCTD, mà toàn xã hội vui mừng chào đón sự ra đời của Nghị quyết 42.
Thậm chí, nhiều chuyên gia, học giả đã ví von Nghị quyết 42 như là "một phép màu" để giải quyết nợ xấu và tin tưởng hàng trăm ngàn tỷ tài sản bảo đảm bị ứ đọng trong bao năm qua sẽ trở thành vốn để lưu thông trở lại nền kinh tế.
Tiếng vang của Nghị quyết 42 cũng đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng hiệu quả đến công tác xử lý nợ của các TCTD nói chung và SCB nói riêng.
Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của Nghị quyết 42 đối với công tác xử lý nợ xấu của SCB?
Với Nghị quyết 42, SCB đã gia tăng việc thu hồi nợ, bán nợ và xử lý tài sản bảo đảm, nhờ vậy mà nợ xấu của SCB tại các thời điểm 31/12/2017 và 30/6/2018 đều được kiểm soát dưới mức 3%.
Ngoài ra, nhờ sự tác động của Nghị quyết 42 mà nhiều công ty mua bán nợ được thành lập và đâu đó bắt đầu hình thành thị trường mua bán nợ.
Cụ thể, trong năm qua, Bộ phận Mua bán nợ thuộc Phòng Xử lý nợ và khai thác tài sản của SCB đã làm việc với hàng chục doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đến việc mua bán nợ.
Nếu tính từ thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 đến 30/7/2018, thì lượng khách hàng quan tâm và liên hệ với SCB về việc mua bán nợ cao hơn hàng chục lần so với các năm trước.
Trong quá trình triển khai việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, ông thấy còn những tồn tại, vướng mắc gì?
Khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, các TCTD nói chung và SCB nói riêng đã khẩn trương rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoặc ban hành mới các quy định, quy trình nội bộ để triển khai thực hiện Nghị quyết 42 một cách đúng luật và hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, các cơ quan pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước lại chưa kịp thời trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn một số lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của mình, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả triển khai Nghị quyết 42.
Chẳng hạn, với cơ quan thuế, mặc dù Điều 12 và Khoản 2, Điều 15 - Nghị quyết 42 quy định rõ về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và trách nhiệm nộp thuế của các bên, trong đó quy định rõ bên nhận bảo đảm và bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm, nhưng các cơ quan quản lý chức năng lại không có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc, nên trong thời gian vừa qua, các TCTD bị vướng về khoản thuế thu nhập của bên bảo đảm khi xử lý tài sản bảo đảm và cơ quan thi hành án dân sự vẫn giữ lại, hoặc bắt nộp phần thuế thì mới cho thực hiện thủ tục sang tên, chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản.
Đến ngày 20/4/2018, Bộ Tài chính ban hành văn bản 4606/BTC-CTC về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42. Tuy nhiên, nội dung văn bản lại chưa hướng dẫn chi tiết về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm, nên vẫn chưa giải quyết được vướng mắc về thuế của bên bảo đảm trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu nợ.
Do đó, chi cục thi hành án tại một số địa phương vẫn trích giữ từ tiền xử lý tài sản để nộp thuế của bên bảo đảm.
Hay như Điều 8 - Nghị quyết 42 quy định thủ tục rút gọn để giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm, trong đó tại Khoản 3, Điều 8 giao cho Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện.
Đến ngày 15/5/2018 cơ quan quản lý có chức năng mới ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại tòa án.
Dù vậy, Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP vẫn chưa tập trung vào điểm vướng mắc chính là các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm khởi kiện hoặc yêu cầu thi hành án.
Chính những phát sinh tranh chấp về tài sản bảo đảm trong giai đoạn khởi kiện và giai đoạn thi hành án là nguyên nhân gây "đóng băng" hàng trăm ngàn tỷ đồng tài sản bảo đảm và làm cho nợ xấu ở Việt Nam ngày càng tăng cao.
Ngoài ra, tuy Nghị quyết 42 là văn bản pháp lý do Quốc hội ban hành có giá trị như luật, nhưng trên thực tế, ý thức và tuân thủ pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương chưa cao, chưa kịp thời ban hành hướng dẫn, hoặc ban hành nhưng không đảm bảo được chất lượng, nội dung yêu cầu của Nghị quyết.
Một trong những điểm đột phá của Nghị quyết 42 là quy định về quyền thu giữ tài sản của ngân hàng. Trong quá trình triển khai, SCB có nhận được sự hỗ trợ từ các bên không? Khách hàng chống đối có làm hạn chế quyền thu giữ tài sản của SCB không, thưa ông?
Nghị Quyết 42 quy định chi tiết về quyền của ngân hàng và các điều kiện thu giữ tài sản. Tuy nhiên, chính điều kiện về tranh chấp là nguyên nhân chính để cho bên bảo đảm cấu kết với bên thứ 3 khác, tạo dựng tranh chấp giả để cản trở việc ngân hàng thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.
Vì nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan, SCB cũng như nhiều ngân hàng khác chưa thể quyết liệt thu giữ tài sản, nên số vụ thu giữ thực sự chưa nhiều.
Qua một số lần tổ chức thu giữ, SCB đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chính quyền địa phương và hầu hết các vụ thu giữ thành công là do bên bảo đảm hoặc bên giữ tài sản không chống đối và đồng ý giao tài sản cho ngân hàng thu giữ.
Qua công tác thu hồi nợ tại SCB và tìm hiểu thông tin từ các ngân hàng khác, chưa phát hiện trường hợp khách hàng chống đối quyết liệt khiến ngân hàng không thu giữ thành công tài sản.
Mặc dù vậy, Khoản 5, Điều 7 - Nghị quyết 42 mới quy định chính quyền địa phương và cơ quan công an có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự xã hội, trong khi cơ quan quản lý cũng chưa có hướng dẫn cụ thể là giữ gìn trật tự xã hội trong trường hợp thu giữ là như thế nào, nên khi bên bảo đảm hoặc bên đang giữ tài sản chống đối thì việc thu giữ thất bại, chính quyền địa phương và công an không thể ký vào biên bản thu giữ.
Thực tế, SCB cũng như các ngân hàng khác cần cơ quan công an như một biện pháp hỗ trợ để Ngân hàng thực thi quyền thu giữ tài sản theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, trong phạm vi giữ gìn an ninh trật tự, cơ quan công an cần kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của bên thu giữ tài sản để việc thu giữ tài sản bảo đảm được thành công.
Nếu cơ quan công an cứng rắn hơn thì Nghị quyết 42 mới thực sự phát huy tác dụng và ngân hàng không cần phải kiện tụng để thu hồi nợ.
Dưới góc độ là lãnh đạo phụ trách xử lý nợ, ông có đề xuất gì để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên?
Theo tôi, ngoài tiếng vang và tác động tâm lý, vì nhiều lý do mà Nghị quyết 42 chưa thực sự phát huy tác dụng, chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu như là một phương thuốc đặc trị hay một phép màu để xử lý dứt điểm nợ xấu.
Thứ nhất, Nghị quyết 42 chưa thu hút được tất cả các nguồn lực trong xã hội để cùng chung tay xử lý nợ xấu. Để xử lý nợ xấu thành công, không chỉ cần TCTD và công ty xử lý nợ xấu, mà còn cần sự đóng góp của nhiều thành phần trong xã hội.
Hiện tại, Nghị quyết 42 gần như chỉ điều chỉnh cho các TCTD và tổ chức mua bán nợ xấu của Nhà nước, nên không thể huy động được tất cả các nguồn lực trong xã hội.
Nghị quyết 42 là cơ sở pháp lý cao nhất, là hành lang pháp lý cao nhất và nên khuyến khích cho các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động mua bán nợ được kế thừa đầy đủ các quyền của các TCTD và tổ chức mua bán nợ xấu như quyền thu giữ tài sản, quyền được ưu tiên thu nợ trước các nghĩa vụ tài chính… Có vậy, chúng ta mới phát triển được thị trường mua bán nợ, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động mua bán nợ, góp phần giải quyết nhanh đống nợ xấu.
Thứ hai, cần phải kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 42.
Thứ ba, cần quy định rõ trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp hoãn xử lý tài sản bảo đảm. Không chỉ Nghị quyết 42 khi phát sinh tranh chấp thì không thể thu giữ tài sản, mà trong tố tụng cũng vậy, khi phát sinh tranh chấp thì đương nhiên được tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Với cơ quan thi hành án, khi phát sinh tranh chấp phải ngưng ngay việc thi hành án.
Vì vậy, hàng loạt tranh chấp đã phát sinh, trong đó giả có, thật có, làm cản trở việc xử lý hàng trăm ngàn tỷ đồng tài sản bảo đảm và vụ việc tranh chấp cứ thay phiên kéo dài không có thời điểm kết thúc, chủ tài sản vô tư hưởng lợi từ việc khai thác tài sản.
Đây là lỗi cơ chế, cần phải nhanh chóng khắc phục để việc thực thi pháp luật được nghiêm minh.
Ngoài ra, do chỉ có tòa án mới được quyền kê biên ngăn chặn chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, nên cần phải sửa đổi quy định.
Cụ thể là các bên tranh chấp phải yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ký quỹ để bảo đảm bồi thường, thì lúc đó việc xử lý tài sản mới dừng lại.
Cùng với đó, phải xử lý hình sự đối với các hành vi giả tranh chấp để cản trở việc xử lý tài sản. Có như vậy, khối nợ xấu có tài sản bảo đảm mới hy vọng xử lý dứt điểm và Nghị quyết 42 mới thực sự đi vào cuộc sống.