Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
Chọn chủ đề “Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học - công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ muốn làm rõ thêm nội dung phát triển nông nghiệp trong các văn kiện của Đại hội.
“Khát vọng về phát triển kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long đòi hỏi phải dựa trên tiềm năng lợi thế về nông nghiệp của Vùng để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Thời gian vừa qua, tăng trưởng của Vùng dựa chính vào sự mở rộng quy mô vốn đất đai và lực lượng lao động; Nhưng những nguồn lực tài nguyên quý giá này đã đến giới hạn của nó. Tăng trưởng trong tương lai sắp tới chỉ có thể dựa vào khoa học - công nghệ để tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)”, Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu.
Dù không phải là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất Vùng, nhưng ông Lê Quang Mạnh khẳng định, Cần Thơ là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm khoa học - công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực.
Đặc biệt, Cần Thơ là địa phương có điều kiện tốt nhất Vùng về tiềm năng khoa học - công nghệ cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản của Đại học Cần Thơ được xếp vào nhóm 300 trường tốt nhất thế giới theo xếp hạng năm 2020 của Hệ thống xếp hạng các trường đại học thế giới (QS), là đơn vị duy nhất của Việt Nam được xếp vào nhóm hạng cao này.
Hệ sinh thái khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp với hệ thống các trường, viện, các quỹ đầu tư khởi nghiệp, mạng lưới liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, sàn giao dịch công nghệ (Catex.vn), các sàn giao dịch nông sản… đang hình thành
“Thành phố cũng đang triển khai thủ tục lập quy hoạch và xây dựng Khu công nghệ cao Cần Thơ, Khu công nghệ thông tin và ba khu nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư; thúc đẩy liên kết và hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn, thuận lợi cho ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật”, ông Mạnh cho biết.
Tuy vậy, ông Mạnh nhấn mạnh, tiềm lực khoa học - công nghệ của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng còn nhiều nút thắt phải tập trung tháo gỡ.
Trong bài phát biểu tại Đại hội XIII, Bí thư Lê Quang Mạnh đã đề xuất 5 định hướng phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ nhất, tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sang cơ chế thị trường với hệ thống các giải pháp thúc đẩy cả về phía cung (tức là tiềm lực nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ của Thành phố) và phía cầu khoa học - công nghệ từ doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân, đồng bộ với các giải pháp liên kết cung - cầu, phát triển thị trường khoa học - công nghệ hoạt động hiệu quả.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ. Trong một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ đổi mới sáng tạo không phải là một mục đích tự thân.
“Thực chất, đó là phương thức mà thông qua đó, người dân và doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp giá thành và giành được lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình.
Các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ không phải vì họ muốn vậy, mà là họ bắt buộc phải làm vậy, nếu không đối thủ của họ sẽ đưa ra các sản phẩm tốt hơn, giá thấp hơn và sẽ lấy đi thị phần, doanh thu và lợi nhuận”, ông phân tích.
Như vậy, ôngLê Quang Mạnh đề xuất, thể chế phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ cần được khẩn trương hoàn thiện theo hướng hỗ trợ một cách lành mạnh và hiệu quả nhất cho các cuộc cạnh tranh giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ để xác định và từ đó tập trung thúc đẩy tổ chức, doanh nghiệp nào có thể thương mại hóa tri thức một cách tốt nhất.
Thứ ba, tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ của Thành phố (bên cung) với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp.
Thứ tư, thúc đẩy bên cầu đối với khoa học - công nghệ, coi doanh nghiệp và người nông dân là trung tâm của các hoạt động khoa học - công nghệ... Tăng mức hạn điền để người nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng nhiều hơn khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.
Trong ý này, ông Mạnh đã cho biết, thành phố chủ động đặt hàng các công trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo đột phá cho phát triển thành phố, làm động lực phát triển cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ năm, đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường khoa học - công nghệ thông qua các chương trình phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ,… nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.
“Thành ủy Cần Thơ đã và đang xây dựng các chủ trương, chính sách (như xác định khoa học, công nghệ là khâu đột phá, ban hành nghị quyết chuyên đề về tăng cường ứng dụng khoa hộc - công nghệ…) và định hướng trở thành trung tâm tạo ra các giải pháp khoa học - công nghệ trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của Vùng và cả nước”, ông Mạnh nói.