Khi thị trường toàn cầu nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng đang có những nhu cầu về tầm nhìn mang tính tổng thể và dài hạn thì các thông tin tài chính không còn là mối quan tâm duy nhất của các nhà đầu tư cũng như cộng đồng kinh doanh.
Các nhà đầu tư tiếp tục có các yêu cầu về công bố thông tin liên quan đến mọi vấn đề mang tính tài chính và phi tài chính của doanh nghiệp quan trọng đối với quyết định đầu tư của họ.
Để đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, rất nhiều quốc gia đã và đang hoàn thiện các khuôn khổ về báo cáo bền vững và ESG trong các quy định pháp lý cũng như hướng dẫn cho thị trường.
Tại sao các công ty lại cần báo cáo bền vững?
Theo một nghiên cứu gần đây của MIT Sloan Management Review hợp tác cùng Nhóm tư vấn Boston BCG, có tới 75% ý kiến từ các lãnh đạo cao cấp của các quỹ đầu tư thống nhất cho rằng hiệu quả hoạt động mang tính bền vững của các công ty liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị là các vấn đề quan trọng cần phải cân nhắc khi ra quyết định đầu tư.
Bà Nguyễn Nguyệt Anh, Chuyên gia quản trị công ty của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Nhóm Ngân hàng Thế giới
Còn theo một nghiên cứu gần đây của PricewaterhouseCoopers (PwC), 97% nhà đầu tư tổ chức lớn (các quỹ hưu trí và quỹ quản lý tài sản toàn cầu lớn) nhận định rằng nhu cầu về đầu tư có trách nhiệm, tập trung vào sự ảnh hưởng của các yếu tố ESG sẽ tiếp tục gia tăng trong vòng hai năm tới. Điều này sẽ dẫn đến một động lực thúc đẩy các công ty minh bạch trong việc công bố chiến lược và cách tiếp cận của mình đối với các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị.
Rất nhiều kết quả khảo sát khác cũng cho thấy các công ty trên toàn cầu đều nhìn nhận báo cáo bền vững (sustainability reporting) là công cụ giúp cải thiện uy tín vị thế của mình trên thị trường và trong cộng đồng, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực, cải thiện chiến lược kinh doanh và tạo điều kiện thu hút nguồn vốn tốt hơn. Nhận biết được tầm quan trọng và xu thế tất yếu mang tính toàn cầu này, khá nhiều công ty niêm yết của Việt Nam đã tiên phong trong việc thực hiện báo cáo bền vững theo hướng dẫn của cơ quan quản lý và các chuẩn mực quốc tế.
Vai trò của quản trị công ty trong phát triển bền vững
Phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi các công ty xây dựng và tiếp tục duy trì một mô hình quản trị hiệu quả có sự cân nhắc các yếu tố phi tài chính dài hạn: môi trường – xã hội – quản trị (ESG).
Không có mô hình chung cho tất cả các công ty về quản trị trong phát triển bền vững, nhưng hầu như các công ty toàn cầu có xu hướng đưa trách nhiệm về môi trường và xã hội (cũng như quản trị) cho bộ phận quản trị cấp cao nhất của công ty.
Hội đồng quản trị của các công ty có trách nhiêm giải trình vào báo cáo lên cổ đông những vấn đề chính liên quan đến tính dài hạn, đến chiến lược và phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Các thông lệ quản trị bền vững ngày càng phổ biến trên toàn cầu như hội đồng quản trị của các công ty lập ra những ủy ban phụ trách các vấn đề liên quan đến ESG, cam kết thực hiện và cụ thể hóa đường hướng vào việc ra chiến lược và theo dõi thực hiện chiến lược ở cấp điều hành.
Việc phân định trách nhiệm rõ ràng, xây dựng cơ chế lương thưởng nhân sự gắn kết với các mục tiêu phi lợi nhuận và dài hạn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Phát triển bền vững không còn là mối quan tâm của các cổ đông, bản thân các công ty, mà đã trở thành mối quan tâm chung của các cơ quan quản lý, các bên có lợi ích liên quan và của cả cộng đồng. Việc tạo lập một khung quản trị tiên tiến sẽ góp phần giúp các công ty giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội, tạo động lực cạnh tranh mang tính bền vững và lâu dài.
Chuẩn mực về môi trường, xã hội và quản trị của IFC
Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Với vai trò của mình, IFC luôn tin tưởng và đề cao việc các thông lệ về phát triển bền vững là các yếu tố then chốt đối với phát triển và tăng trưởng kinh doanh mang tính dài hạn.
Phương pháp tiếp cận phát triển bền vững và các hướng dẫn của IFC cho các thị trường mới nổi dựa trên phương pháp tích hợp nhằm giúp các doanh nghiệp tìm thấy các cơ hội phát triển và sáng tạo kết hợp với việc thúc đẩy áp dụng các thông lệ tốt về môi trường, xã hội; đồng thời, khuyến khích báo cáo minh bạch và có trách nhiệm.
Kể từ năm 2006, IFC đã đưa ra một khuôn khổ về phát triển bền vững (IFC sustainability framework) để hướng dẫn cho các doanh nghiệp toàn cầu và khuôn khổ này đã được cập nhật hoàn chỉnh vào năm 2012.
Bên cạnh các chuẩn mực về môi trường và xã hội, quản trị công ty tốt được IFC ghi nhận là một phần quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp và nền kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu.
Từ năm 2004, IFC đã tiên phong giới thiệu và hướng dẫn các thông lệ tốt về quản trị trên thị trường với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Năm 2011, phương pháp đánh giá quản trị công ty của IFC đã được đưa vào “Khuôn khổ quản trị phát triển" và được 34 định chế tài chính phát triển toàn cầu áp dụng trong quá trình đầu tư.
Theo quan điểm đầu tư của IFC, quản trị công ty tốt có ý nghĩa tích cực và hiệu quả đối với sự phát triển bền vững của bất kỳ doanh nghiệp nào. Các doanh nghiệp hơn bao giờ hết phải minh bạch và tích hợp được các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị trong báo cáo của mình để đáp ứng được xu hướng và yêu cầu của các nhà đầu tư.
Chuẩn mực báo cáo phát triển bền vững của GRI
Ngày 19/10/2016, Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) lần đầu tiên công bố các chuẩn mực toàn cầu về báo cáo phát triển bền vững nhằm đưa ra một ngôn ngữ chung thống nhất về việc công bố các thông tin phi tài chính. Các chuẩn mực báo cáo phát triển bền vững của GRI giúp các công ty trên toàn cầu trở nên minh bạch hơn trong việc công bố các thông tin về ảnh hưởng của mình tới tính hiệu quả kinh tế, đến môi trường và xã hội.
GRI đưa ra 36 chuẩn mực hướng dẫn về báo cáo phát triển bền vững theo các chủ đề phần lớn liên quan đến môi trường và xã hội và có một phần liên quan đến chiến lược, đạo đức kinh doanh, mâu thuẫn lợi ích và quản trị bền vững. Điểm nổi trội của GRI là tổ chức này đã xây dựng được các tiêu chí lựa chọn cho các công ty hoạt động trong các ngành nghề và quy mô khác nhau.
Các tiêu chí GRI này sẽ được đưa vào áp dụng thay thế các tiêu chí G4 - Hướng dẫn về báo cáo bền vững kể từ ngày 1/7/2018.
Xu hướng báo cáo phát triển bền vững – Báo cáo tích hợp
Trong khi báo cáo thường niên vẫn được coi là nguồn thông tin quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư, những báo cáo này đang có xu hướng không thể cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến một bức tranh xác thực nhất của các công ty.
Nguyên nhân chính là ngày càng xuất hiện nhiều thông tin phi tài chính quan trọng như: ESG, giá trị thương hiệu, tính gắn kết của khách hàng và người lao động, vị thế trên thị trường làm ảnh hưởng lớn đến giá trị dài hạn của doanh nghiệp hay mô hình kinh doanh, cụ thể là các giá trị hay tài sản vô hình.
Việc ra đời của khuôn khổ báo cáo tích hợp nhằm trợ giúp các công ty truyền thông một bức tranh tổng thể không chỉ với thông tin về hoạt động của doanh nghiệp trong hiện tại, mà còn là triển vọng về tương lai doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn hơn.
Các thông tin về quản trị công bố (trước kia xuất hiện chủ yếu trong báo cáo thường niên) được tích hợp một cách xuyên suốt trong báo cáo tích hợp nhằm cung cấp một bức tranh tổng thể cho cổ đông về việc cơ cấu quản trị hỗ trợ thế nào cho việc tạo ra giá trị của công ty trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Các quốc gia dẫn đầu về áp dụng báo cáo tích hợp bao gồm Brazil, Hà Lan, Nam Phi, Phần Lan và Úc. Trong khu vực châu Á, có khá nhiều công ty từ Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan đã áp dụng báo cáo tích hợp. Hiện tại, Ngân hàng Thế giới (The World Bank) là một tổ chức tài chính và ngân hàng phát triển cũng đang trong quá trình thực hiện báo cáo tích hợp để kiểm chứng xem liệu các nguyên tắc về báo cáo tích hợp có nên được các tổ chức của chính phủ đưa vào áp dụng hay không.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng báo cáo tích hợp với mong muốn cung cấp thông tin giúp nhà đầu tư hiểu được cách thức mà doanh nghiệp này tạo ra giá trị cho các bên liên quan, đồng thời công bố minh bạch các chỉ tiêu đo lường và kiểm soát mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng, môi trường và xã hội.
Quản trị tốt và hướng đến phát triển bền vững là xu thế tất yếu của toàn cầu và của các định chế tài chính và nhà đầu tư có tổ chức. Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến tương lai phát triển và tính bền vững của doanh nghiệp thông qua sự tích hợp các chỉ số phi tài chính (ESG) trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát triển tầm nhìn dài hạn, tích hợp các vấn đề trọng yếu này vào trong chiến lược phát triển, áp dụng các thông lệ tốt của quốc tế, không chỉ để quản trị tốt các rủi ro, mà còn tạo sự khác biệt và nâng cao tính cạnh tranh trong khả năng tiếp cận nhà đầu tư và thu hút nguồn vốn mới.
Nếu thực hiện tốt việc minh bạch trong công bố thông tin, lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ đóng góp cho sự phát triển của chính công ty họ, cho người lao động, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư và các bên có quyền lợi liên quan, mà còn góp phần cho sự phát triển minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.
Các nội dung chính cần báo cáo về quản trị công ty trong báo cáo phát triển bền vững của GRI bao gồm:
-Cơ cấu quản trị của tổ chức, các thành phần cấu thành, đặc biệt là các ủy ban chuyên trách;
-Vai trò của hội đồng quản trị (HĐQT) trong việc đưa ra mục đích kinh doanh, giá trị cũng như chiến lược của tổ chức;
-Năng lực và đánh giá năng lực của HĐQT của tổ chức;
-Vai trò của HĐQT trong quản lý rủi ro (cụ thể hóa đốii với các rủi ro liên quan tới môi trường, xã hội và kinh tế);
-Vai trò của HĐQT trong báo cáo phát triển bền vững;
-Vai trò của HĐQT trong việc đánh giá hoạt động liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế;
-Các chính sách về thù lao và lương thưởng cho các thành viên HĐQT và các vị trí lãnh đạo cao cấp khác trong tổ chức.
Nguồn: https://www.globalreporting.org/standards