Cần thấu hiểu và ứng xử chuẩn mực hơn với TTCK

Cần thấu hiểu và ứng xử chuẩn mực hơn với TTCK

(ĐTCK-online) TTCK đang rất cần những giải pháp thiết thực, mà nền tảng của các giải pháp trước hết phải là một sự thấu hiểu, một sự nhận thức đúng đắn về vai trò của TTCK trong nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam có định hướng phát triển thành nền kinh tế thị trường.

>> Cùng TTCK Việt Nam Phát Triển 

Không thể phủ nhận TTCK Việt Nam lúc này đang rất khó khăn. Hơn 40% cổ phiếu trên sàn đã rơi xuống dưới mệnh giá, hầu hết các tổ chức tài chính trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đều đang phải gồng mình lên để vượt qua giai đoạn này. TTCK đang rất cần những giải pháp thiết thực, mà nền tảng của các giải pháp trước hết phải là một sự thấu hiểu, một sự nhận thức đúng đắn về vai trò của TTCK trong nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam có định hướng phát triển thành nền kinh tế thị trường.

Thực tế, TTCK không phải là một ngành mà là một môi trường, trong đó có sự tham gia của rất nhiều chủ thể thuộc rất nhiều ngành khác nhau. Vì thế, các chính sách điều tiết TTCK sẽ không thể đồng nhất như chính sách áp dụng với một ngành. TTCK có vai trò như hàn thử biểu của nền kinh tế, nhưng tại Việt Nam , trong quan niệm về TTCK và trong cách điều hành TTCK nói chung, có những lúc vai trò của TTCK Việt Nam đã không được nhìn nhận đúng. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước cương quyết thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực phi sản xuất và coi đầu tư chứng khoán là một trong những lĩnh vực phi sản xuất. Thực tế có phải như vậy không? Trong khoản tiền tín dụng ngân hàng rót vào chứng khoán có bao nhiêu dành cho thị trường thứ cấp, bao nhiêu được dùng để mua cổ phần của các DN? Việc vay tiền mua cổ phần của các DN, trong đó có cổ phần của chính ngân hàng,  nếu coi là phi sản xuất có chuẩn mực không? Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư/thoái vốn trên TTCK luôn phụ thuộc rất lớn vào tính thanh khoản. Việc điều tiết dòng chảy vốn từ ngân hàng sang chứng khoán cần một lộ trình rõ ràng và khả thi, bởi nếu cứ siết một cách vô cảm trong bối cảnh thanh khoản yếu thì chẳng khác nào đẩy thị trường xuống sâu hơn, mà mục tiêu thu hồi vốn cũng không đạt được.

Cần thấu hiểu và ứng xử chuẩn mực hơn với TTCK ảnh 1

TTCK Việt Nam từng nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức và nhà đầu tư quốc tế - Ảnh: Hoài Nam

Sau 11 năm vận hành, TTCK Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, nhưng quan điểm về TTCK vẫn chưa được xã hội nhìn nhận đúng, những lúc TTCK rơi vào giai đoạn suy thoái như bây giờ, nhiều người nhìn TTCK như một cái chợ may rủi, cờ bạc. Trong khi đó, TTCK hiện nay có một diện mạo hoàn toàn khác với 11 năm về trước. Khi mới mở của, thật khó có thể hình dung chỉ sau 11 năm, Việt Nam có một thị trường quy mô như lúc này với gần 700 DN niêm yết, trên 100 công ty chứng khoán, gần 50 công ty quản lý quỹ trong nước và thu hút rất nhiều nhà đầu tư, các định chế tài chính trong và ngoài nước tham gia. TTCK 11 năm qua cũng đã trực tiếp góp phần làm minh bạch hóa hoạt động của DN, góp phần không nhỏ vào công cuộc cổ phần hóa DN nhà nước… Những thành quả này thật đáng trân trọng và tự hào khi nhìn lại giai đoạn đầu tiên thị trường mở cửa hoạt động (20/7/2000), chúng ta gặp rất nhiều khó khăn cả về nhận thức, nhân sự và cơ sở vật chất xây dựng thị trường.

Dù TTCK đã 11 năm tuổi, nhưng đó chỉ là khoảng thời gian khởi động cho một tiến trình dài hướng đến mục tiêu xây dựng TTCK Việt Nam trở thành kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế, kênh đầu tư thu hút công chúng trong và ngoài nước. 11 năm qua, TTCK Việt Nam vẫn hoạt động trong khuôn khổ pháp lý chưa thật sự hoàn chỉnh, trong khi thời cuộc và diện mạo thị trường đã có nhiều đổi khác. “Cái áo” đang mặc đã trở nên quá chật. Xét trên bình diện chung về cấu trúc TTCK, chúng ta cần phải có những nhìn nhận mới, phát triển mới, mở rộng khuôn khổ pháp lý cho phù hợp.

Điều TTCK Việt Nam cần nhất là một chiến lược phát triển dài hạn, bài bản và khoa học; một cơ quan quản lý trực tiếp đủ quyền lực để ra các quyết sách chính xác, kịp thời; xã hội có một sự thấu hiểu chung về vai trò và vị thế của TTCK và một sự đồng lòng chung tay xây dựng TTCK từ các cấp, các ngành. Chỉ có như vậy thì các chủ thể tham gia TTCK mới có căn cứ để định vị chiến lược phát triển của riêng mình, góp sức vào mục tiêu xây dựng một TTCK thực sự có ích cho nền kinh tế Việt Nam .