Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam

Cần quy chuẩn nguyên tắc kế toán mới cho công ty chứng khoán

(ĐTCK) “Để góp phần minh bạch từ gốc hoạt động của khối CTCK, các quy định về chuẩn mực, chế độ kế toán áp dụng đối với các đơn vị này cần áp dụng triệt để hơn nguyên tắc kế toán tài sản theo giá thị trường, thay vì chủ yếu áp dụng nguyên tắc giá gốc như hiện tại”, ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) trao đổi với ĐTCK.

Luật Kế toán hiện hành quy định tất cả đơn vị kế toán đều hạch toán và lập báo cáo tài chính (BCTC) theo nguyên tắc giá gốc (giá trị ghi sổ). Trong khi đó, hoạt động trên TTCK, tài sản của CTCK biến động hàng ngày, hàng giờ theo giá thị trường. Do đó, nguyên tắc giá gốc đang không phản ánh xác thực bức tranh về vốn, tài sản của khối CTCK, thưa ông?

Trước đây, nền kinh tế nước ta phát triển theo mô hình kinh tế nhà nước quản lý tập trung, thống nhất, nên hệ thống chuẩn mực, chế độ kế toán được xây dựng theo nguyên tắc giá gốc là giá khi mua tài sản và không thay đổi trong suốt quá trình hoạt động của tài sản.

Nguyên tắc này phù hợp với nền kinh tế mà tính thị trường còn thấp… Tuy nhiên, đến nay, khi thị trường vốn và các công cụ tài chính xuất hiện có tính thị trường khá cao, việc duy trì các quy định về kế toán theo nguyên tắc giá gốc đang bộc lộ bất cập.

Điển hình là giá trị tài sản của CTCK như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, các loại giấy tờ có giá khác… biến động hàng ngày, hàng giờ, nên việc hạch toán theo nguyên tắc giá gốc không phản ánh xác thực, kịp thời giá trị tài sản của CTCK. Điều này khiến cổ đông, NĐT và thị trường khó nhận diện được “sức khỏe” thực của các CTCK. 

Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, với TTCK nói chung, hoạt động của các CTCK nói riêng, nên áp dụng toàn bộ chuẩn mực kế toán theo thông lệ quốc tế trên cơ sở nguyên tắc giá thị trường? Ông có ủng hộ hướng cải cách này?

Luật Kế toán hiện hành chưa quy định về các trường hợp được hạch toán theo giá thị trường, nhưng trên thực tế, vì đặc thù của một số loại tài sản, nhất là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ… thường xuyên biến động hàng ngày, hàng giờ, nên thông qua kinh nghiệm quốc tế và các hướng dẫn của Bộ Tài chính, các loại tài sản này đang được CTCK từng bước hạch toán theo giá thị trường; các loại tài sản khác như nhà cửa, thiết bị... vẫn hạch toán theo giá gốc là hợp lý.

Tuy nhiên, nguyên tắc giá thị trường cần được quy định bằng văn bản pháp lý cao hơn như Luật Kế toán và áp dụng triệt để hơn trong thời gian tới, nhằm góp phần phản ánh trung thực, minh bạch từ gốc đối với hoạt động của CTCK.

Tuy vậy, chưa thể áp dụng nguyên tắc giá thị trường cho tất cả tài sản của CTCK, cũng chưa thể áp dụng giá thị trường cho các DN khác, vì sẽ không phù hợp, sẽ gây sốc cho cả DN lẫn cơ quan quản lý.

Cần phải có lộ trình, bởi DN cần nhiều chi phí và thời gian để chuẩn bị nguồn nhân lực, chuyển đổi hệ thống phần mềm kế toán…

Cơ quan nhà nước cũng cần hoàn chỉnh khung pháp lý, đào tạo cán bộ quản lý, kiểm tra, giám sát DN tuân thủ, cũng như áp dụng chế tài xử lý vi phạm chặt chẽ hơn.

Đây là việc không đơn giản, bởi áp dụng nguyên tắc giá thị trường cho DN nói chung và với CTCK nói riêng khá phức tạp, khó kiểm soát và dễ bị lợi dụng. 

Ý ông là CTCK vẫn phải vừa áp dụng nguyên tắc giá thị trường, vừa áp dụng nguyên tắc giá gốc?

Đó là bước quá độ cần thiết trước khi áp dụng toàn bộ nguyên tắc giá thị trường. Lý do là giá trị trường chỉ phù hợp khi nền kinh tế thực sự đã được thị trường hóa, luật pháp đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ và đặc biệt là có cơ chế xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Hiện một số yếu tố kinh tế thị trường vẫn chưa đầy đủ, có loại tài sản chưa có giá trị thị trường, nên không đủ cơ sở để hạch toán và báo cáo theo giá thị trường.

Bởi vậy, chỉ những tài sản có giá thường xuyên biến động theo thị trường và có cơ sở định giá, thì mới hạch toán được theo giá thị trường. Vì thế, trong phương án sửa đổi Luật Kế toán mà Bộ Tài chính đang xây dựng có đề xuất: "... đối với một số loại tài sản có giá trị thường xuyên biến động theo giá thị trường, thì đơn vị được hạch toán theo giá gốc hoặc theo giá thị trường (giá trị hợp lý) theo quy định của Bộ Tài chính".

Bước cải cách trên là hợp lý và khả thi, nhất là đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán có tài sản vốn thường xuyên biến động theo giá thị trường, có cơ sở rõ ràng để xác định giá theo nguyên tắc thị trường.

Tin bài liên quan