Môi giới bảo hiểm phải hiểu sâu sắc sản phẩm của từng DN bảo hiểm

Môi giới bảo hiểm phải hiểu sâu sắc sản phẩm của từng DN bảo hiểm

Cần phát triển các ngành nghề hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm

(ĐTCK-online) Để phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, các DN bảo hiểm có thể thuê dịch vụ bên ngoài thực hiện các công việc môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất, đánh giá rủi ro, tính phí bảo hiểm để tập trung sức mạnh vào chuyên môn kỹ thuật bảo hiểm hơn là lập ra những bộ phận làm công việc trên.

Nghề môi giới bảo hiểm

Môi giới bảo hiểm có nhiệm vụ tư vấn cho khách hàng lựa chọn sản phẩm bảo hiểm và DN bảo hiểm phù hợp nhất. Người môi giới bảo hiểm được hưởng hoa hồng từ DN bảo hiểm. Yêu cầu trên đòi hỏi người môi giới bảo hiểm phải hiểu sâu sắc sản phẩm của từng DN bảo hiểm để đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất. Trường hợp có nhiều DN bảo hiểm có sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu khách hàng thì lựa chọn DN có khả năng tài chính tốt nhất, đi liền với uy tín của DN này trong việc giải quyết bồi thường kịp thời, đầy đủ cho khách hàng nếu tổn thất xảy ra. Song thực tế, trên thị trường vẫn còn những tồn tại đáng tiếc:

- Các DN môi giới bảo hiểm cạnh tranh nhau để được khách hàng lựa chọn mình làm môi giới. Sau đó, DN môi giới bảo hiểm được chọn yêu cầu các DN bảo hiểm gửi bản chào và lắp ghép quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm của các DN bảo hiểm thành một quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm mới (khác với quy tắc, điều khoản, điều kiện của từng DN bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính), đi liền với mức phí hoặc tỷ lệ phí bảo hiểm thấp nhất. Hoặc DN môi giới bảo hiểm đưa ra hồ sơ mời thầu với nội dung không giống bất kỳ quy tắc, điều khoản, điều kiện nào của các DN bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính để chào thầu phí bảo hiểm cạnh tranh.

Điều này rất nguy hại nếu xảy ra tranh chấp, bởi DN bảo hiểm nào đó vì sức ép tăng doanh thu mà chấp nhận nội dung môi giới bảo hiểm đưa ra sẽ bị toà tuyên xử hợp đồng vô hiệu, do không đúng với quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính, nhưng tổn thất xảy ra vẫn phải bồi thường. Điều này càng nguy hại khi Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được ban hành, quy định DN bảo hiểm phải đăng ký hợp đồng mẫu với Bộ Công thương.

Lỗi ở đây, phần nhiều của chính DN bảo hiểm đã chấp nhận nội dung của DN môi giới bảo hiểm đưa ra. Song cũng nên trách DN môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, chưa có lương tâm nghề nghiệp khi đưa DN bảo hiểm vào tình thế nói trên.

- Không ít DN môi giới bảo hiểm lựa chọn DN bảo hiểm nào trả hoa hồng môi giới cao. Lựa chọn này sẽ là vi phạm đạo đức nghề nghiệp môi giới bảo hiểm, nếu vì lợi ích của mình mà quên đi lợi ích của khách hàng.

- Do một số khách hàng đòi hỏi, cũng vì do muốn thắng cuộc trong cạnh tranh với các DN môi giới bảo hiểm khác, có DN môi giới bảo hiểm đưa ra lời hứa chia sẻ hoa hồng nhận được từ DN bảo hiểm cho khách hàng. Điều này làm cho thu nhập của DN môi giới bảo hiểm giảm đi đáng kể, đồng thời tạo nên thói quen khách hàng đòi tiền hoa hồng để mua bảo hiểm.

 

Nghề đại lý bảo hiểm

Đại lý bảo hiểm là trung gian đưa sản phẩm bảo hiểm đến người có nhu cầu bảo hiểm. Đại lý bảo hiểm được đào tạo chuyên nghiệp, Bộ Tài chính kiểm tra chặt chẽ khâu đào tạo và cấp chứng chỉ, song chất lượng đại lý chưa được nâng cao, tình trạng đại lý nghỉ việc nhiều vẫn chưa được khắc phục.

Đại lý bảo hiểm là người tuyên truyền, giải thích, tư vấn nội dung sản phẩm bảo hiểm để khách hàng hiểu được lợi ích khi tham gia bảo hiểm, lựa chọn sản phẩm bảo hiểm đi đến quyết định mua sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Song không ít đại lý vì muốn có hợp đồng bảo hiểm từ đó có hoa hồng đại lý đã giải thích qua loa, cốt sao cho khách hàng chấp nhận mua bảo hiểm. Không ít trường hợp khi thực hiện hợp đồng bảo hiểm, khách hàng không đủ khả năng tài chính để đóng phí bảo hiểm nhân thọ hoặc khi yêu cầu bồi thường, khách hàng bị từ chối vì không thuộc hợp đồng bảo hiểm.

Cũng như môi giới bảo hiểm, một số khách hàng của bảo hiểm phi nhân thọ đòi hỏi đại lý phải chia sẻ hoa hồng cho mình, làm cho thu nhập của đại lý giảm sút đáng kể, dẫn đến chán nản công việc.

Không ít người xin làm đại lý để có thu nhập giải quyết khó khăn tạm thời về tài chính, chứ không tâm huyết, gắn bó với nghề. Cần có tuyên truyền mạnh mẽ về vai trò, ý nghĩa, nhiệm vụ, quyền lợi của nghề đại lý, cũng như những đòi hỏi (tiêu chuẩn) khắt khe của nghề này để giúp ngành bảo hiểm phát triển.

 

Nghề tư vấn đánh giá rủi ro bảo hiểm

Thông thường, người có nhu cầu bảo hiểm kê khai và trả lời những câu hỏi trong mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm (được xem là bản chào mua bảo hiểm). Dựa vào đó, DN bảo hiểm đánh giá rủi ro được bảo hiểm, đưa ra điều kiện, điều khoản bảo hiểm, tính phí bảo hiểm, nếu được khách hàng chấp nhận thì cấp đơn bảo hiểm (được xem là bản chấp nhận bán bảo hiểm). Giấy yêu cầu bảo hiểm phải được kê khai trung thực làm cơ sở để tính phí bảo hiểm và là một bộ phận của hợp đồng bảo hiểm (đính kèm với hợp đồng bảo hiểm).

Việc đánh giá rủi ro và tính phí bảo hiểm để chấp nhận bảo hiểm là do DN bảo hiểm thực hiện, tiết kiệm được chi phí đánh giá rủi ro trước khi giao kết bảo hiểm. Song nhiều đối tượng bảo hiểm phức tạp, đòi hỏi phải có chuyên môn kỹ thuật cao mới đánh giá rủi ro được bảo hiểm (bao gồm rủi ro gốc và rủi ro tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ), nên DN bảo hiểm phải thuê chuyên gia bên ngoài thực hiện như đánh giá rủi ro cho tàu thuỷ, máy bay, vệ tinh, nhà máy lọc dầu, nhà máy thuỷ điện, nhà máy nhiệt điện, cây cầu, con đập… có giá trị cao. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước dẫn đến ngày càng có nhiều đối tượng trên có nhu cầu bảo hiểm và cần có chuyên gia đánh giá rủi ro để tính phí bảo hiểm. Hơn nữa, chuyên gia sẽ là người trung gian đảm bảo tính trung thực, khách quan giữa khách hàng và DN bảo hiểm, để đưa ra rủi ro được bảo hiểm và tính phí bảo hiểm chính xác. Họ phải chịu trách nhiệm về kết luận đánh giá rủi ro bảo hiểm của mình.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều chuyên gia nói trên, đồng thời khách hàng chưa có thói quen chấp nhận đánh giá rủi ro của chuyên gia làm việc trong các công ty tư vấn giám định xác định rủi ro bảo hiểm, nên thường chỉ tổ chức đấu thầu để chọn DN bảo hiểm nào có phí bảo hiểm thấp nhất. Đây là vấn đề đi ngược lại kiến thức bảo hiểm khi chưa biết được rủi ro nhiều hay ít, mức độ tổn thất nghiêm trọng nhất sẽ ra sao mà đã đưa ra phí bảo hiểm để đấu thầu. Chính vì vậy, không ít đối tượng được bảo hiểm khi bị tổn thất không được bồi thường vì nguyên nhân tổn thất không thuộc rủi ro được bảo hiểm, dẫn đến tranh chấp tại toà với nhiều lần xét xử. Nếu phát triển được nghề tư vấn đánh giá rủi ro bảo hiểm thì sẽ không phải tiến hành đấu thầu bảo hiểm, vừa tốn kém thời gian, công sức, tiền của, mà không bao hết được rủi ro cần thiết phải được bảo hiểm.

 

Nghề giám định bảo hiểm

Công tác giám định bảo hiểm đòi hỏi xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ để giải quyết bồi thường của DN bảo hiểm. Thông thường, những tổn thất nhỏ, nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất được xác định không phức tạp, thì DN bảo hiểm tự làm và dễ dàng được khách hàng chấp thuận. Song nguyên tắc giám định phải đảm bảo tính trung thực, khách quan, nên những tổn thất lớn, rủi ro gây ra tổn thất phức tạp thì DN bảo hiểm không thể tự làm được, mà phải nhờ tới chuyên gia của các công ty giám định độc lập.

Hiện nay, một số việc giám định còn lệ thuộc vào cơ quan chức năng chuyên trách của Nhà nước như: tai nạn giao thông phải dựa vào kết luận của cảnh sát giao thông, cháy nổ phải dựa vào kết luận của cảnh sát PCCC. Một số kết luận của cơ quan này có những chỗ chung chung, không thể dựa vào đó để làm căn cứ giải quyết bồi thường. Ví dụ, tai nạn giao thông ghi do không làm chủ tốc độ hay lỗi hỗn hợp làm sao có thể bồi thường trách nhiệm dân sự theo tỷ lệ lỗi (mức độ lỗi gây ra). Hay cháy do chập điện, nhưng chập điện là do khách quan hay chủ quan gây ra, người được bảo hiểm đã mẫn cán để phát hiện khả năng chập điện có thể xảy ra hay không, nghĩa là phải tìm được tại sao xảy ra việc chập điện.

Nhiều dịch vụ hành chính công đang được cơ quan công quyền thực hiện như giám định tai nạn giao thông, giám định cháy nổ… Nếu đây là dịch vụ công dành cho công ty giám định hoặc cơ quan chức năng mở trung tâm dịch vụ cung cấp dịch vụ công này sẽ cung cấp 1 bản giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất rõ ràng, chính xác hơn, phục vụ cho nhu cầu của người được bảo hiểm và DN bảo hiểm làm căn cứ giải quyết bồi thường. Tất nhiên, chi phí giám định sẽ được tính đúng, tính đủ và người cần cung cấp dịch vụ giám định sẽ phải trả cao hơn. Chẳng hạn, một vụ tai nạn giao thông, để tính phí giám định, người ta tính vào đó chi phí sử dụng xe ô tô đi và về, máy móc thiết bị giám định và nhân công giám định Dịch vụ giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường, đảm bảo tính trung thực khách quan và người được bảo hiểm, DN bảo hiểm cùng chấp thuận.

 

Dịch vụ thám tử bảo hiểm

Đây chính là dịch vụ điều tra xem người tham gia bảo hiểm (người được bảo hiểm) có trục lợi bảo hiểm, có cố ý tạo dựng hiện trường giả hoặc cố ý gây ra rủi ro để được bồi thường hay không. Đây không đơn thuần là dịch vụ bảo vệ quyền lợi của DN bảo hiểm, mà còn bảo vệ quyền lợi cho các khách hàng khác đã đóng phí bảo hiểm tạo nên quỹ bảo hiểm trả tiền bồi thường cho kẻ bị nghi ngờ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, do đó cần được điều tra làm rõ. Ở nhiều nước, có người bị mất cắp đến 3, 4 chiếc ô tô trong một thời gian 5 - 10 năm, hay có người cứ lấy vợ sau một thời gian thì vợ chết, được chi trả tiền bảo hiểm. Họ được liệt vào danh sách nghi vấn và DN bảo hiểm nhờ các thám tử bảo hiểm điều tra. Kết quả, điều tra của thám tử bảo hiểm đã phanh phui ra nhiều vụ cố ý gây thương tích, cố ý gây tai nạn xe lao xuống vực, cháy xe, mất xe, tự đốt nhà xưởng khi kinh doanh thua lỗ. Nếu nghề thám tử bảo hiểm ở Việt Nam phát triển sẽ ngăn chặn không ít hiện tượng trục lợi bảo hiểm.