Thực tế cho thấy, sự xuất hiện của hàng loạt fintech đang làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Thế nhưng, đa phần fintech hiện còn hoạt động theo kiểu tự phát.
Với sự trợ giúp của công nghệ, fintech hoàn toàn có thể vươn rộng xuống vùng sâu, vùng xa, phát huy lợi thế của công nghệ và mạng điện thoại để phục vụ lượng khách hàng lớn, trên phạm vi rộng hơn, đồng thời đẩy nhanh tài chính toàn diện. Song để giúp các fintech phát triển, đòi hỏi các cơ quan quản lý phải đột phá, thậm chí phá rào tư duy khi xây dựng các quy định pháp lý.
Đơn cử, muốn khuyến khích người dân thanh toán điện tử, thì việc sử dụng dịch vụ phải đơn giản, tiện lợi hơn.
Thế nhưng, theo quy định hiện hành, khách hàng phải có tài khoản ngân hàng mới sử đụng được ví điện tử và cũng chỉ được nạp tiền vào ví thông qua tài khoản ngân hàng. Nếu có cơ chế thử nghiệm cho phép ví được áp dụng xác thực điện tử (e-KYC) khi khách hàng mở ví, cho phép nạp tiền vào ví không thông qua tài khoản ngân hàng (với giao dịch nhỏ)… thì chắc chắn, thanh toán điện tử sẽ còn tăng trưởng với cấp số nhân.
Năm 2008, lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước cho phép thí điểm mô hình trung gian thanh toán. 10 năm sau, Việt Nam có cả một thị trường thanh toán điện tử trị giá hàng tỷ USD. Rõ ràng, sự mạnh dạn của cơ quan quản lý có thể làm thay đổi cả cục diện thị trường, mở ra một ngành công nghiệp mới.
Với fintech, đòi hỏi có thể còn cao hơn nhiều, trong khi đến nay, chưa bộ, ngành nào tại Việt Nam ban hành sandbox trong lĩnh vực mình phụ trách. Nếu càng chậm ban hành sandbox, thì càng thêm nhiều fintech đứng trước rủi ro bị hồi tố, Nhà nước càng thêm thất thu thuế.
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà xuất hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh đó, sandbox là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn. Với Việt Nam, việc ban hành cơ chế sandbox cho fintech sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hướng đến xã hội không dùng tiền mặt theo định hướng của Chính phủ.
Những đòi hỏi của thị trường đang buộc cơ quan quản lý phải nhanh chóng ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các ý tưởng, các mô hình kinh doanh mới.
Chính phủ cần trao thêm quyền và ban hành những quy tắc miễn trừ nhất định để các bộ, ngành có động lực để xây dựng và triển khai sandbox.
Hiện Ngân hàng Nhà nước là đơn vị đầu tiên trình đề án sandbox thuộc lĩnh vực mình quản lý lên Chính phủ với nhiều cơ chế chưa từng có. Đề án này đang thắp lên hy vọng được cởi trói cho các fintech, nhất là các mô hình kinh tế chia sẻ mới như ví điện tử, cho vay ngang hàng…Thông qua cơ chế thử nghiệm, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động nắm bắt được sự vận động của thị trường, thúc đẩy sự phát triển của cái mới, nhưng vẫn đảm bảo được quản lý hiệu quả các ý tưởng mới, hạn chế tối đa rủi ro.
Kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế cho thấy, khi xây dựng và triển khai sandbox cần có những quyết định đột phá, thậm chí đi ngược với truyền thống. Vì vậy, để các cơ quan quản lý mạnh dạn triển khai sandbox, Chính phủ cần trao thêm quyền và ban hành những quy tắc miễn trừ nhất định để các bộ, ngành có động lực để xây dựng và triển khai sandbox.
Một yếu tố nữa là cơ chế sandbox đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin & Truyền thông… Do đó, nhằm đẩy mạnh triển khai cơ chế sandbox và điều phối nhịp nhàng hơn, Chính phủ có thể cân nhắc thành lập tổ công tác về sandbox gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trên. Đây cũng là bộ phận “một cửa” tiếp nhận hồ sơ đăng ký sandbox, cấp phép thực hiện và giám sát thực thi các hồ sơ được thử nghiệm… như mô hình mà Nhật Bản đang triển khai.