Mối liên kết giữa DN FDI và DN trong nước chưa được tăng cường
Năm 2018 ghi nhận những thành công nổi bật của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng thêm và cả vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần đạt trên 35,46 tỷ USD. Ðặc biệt, theo Cục Ðầu tư nước ngoài, trong năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt mức kỷ lục, với 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017.
Ðại diện Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC tại Campuchia, Lào và Việt Nam nhận định: “Việt Nam là một điển hình thành công về thu hút FDI. Kể từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng cách đây 30 năm, FDI đã trở thành một động lực chính của phát triển kinh tế Việt Nam”.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán, riêng Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, giúp mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20. Ðây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng để tiếp cận được hầu hết các thị trường lớn trên thế giới.
“Tuy nhiên, cơ hội luôn gắn liền với thách thức. Với nền công nghiệp phụ trợ còn yếu và thiếu, nhiều DN Việt Nam vẫn chủ yếu gia công ở giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thấp, nên khi các FTA có tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi.
Vì vậy, cần làm rõ chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới là gì? Làm thế nào để kết nối được các DN Việt Nam với các DN FDI cùng tham gia vào chuỗi giá trị, sản xuất toàn cầu và cùng khai thác được các lợi thế của các FTA thế hệ mới mang lại?”, ông Bình nói.
Theo ông Kyle Kelhofer, mối tương quan giữa đầu tư nước ngoài và thương mại được thể hiện rõ khi có tới 71% tổng kim ngạch xuất khẩu có nguồn gốc từ DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Giá trị nhập khẩu ở mức cao cho thấy tính 2 mặt của nền kinh tế Việt Nam, đó là mức độ hạn chế của giá trị gia tăng trong nước trong hàng hóa xuất khẩu, của mối liên kết và khả năng khai thác nguồn cung trong nước, cho nên cần phải có một chiến lược thu hút FDI thế hệ mới.
“Các chỉ số về đầu tư FDI tuy rất ấn tượng trên mọi chỉ tiêu, nhưng đầu tư FDI vẫn chưa đủ sức tăng cường sự liên kết giữa DN FDI và DN trong nước, tăng chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và nâng cao đáng kể tỷ trọng giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu”, ông Kyle Kelhofer nói.
“Ðiệu tango” hoàn hảo cho FDI: Cần cả 3 bên
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định: “Việt Nam cần một chiến lược cấp cao để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh, có thể đi kèm những bước đi cụ thể để tăng cường mối liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước. Lấy ví dụ về điệu nhảy tango, muốn đẹp cần có 2 vũ công giỏi, nhưng để hoàn hảo thì phải có bản nhạc hay”. Ở đây, chuyên gia WB tập trung vào 3 yếu tố:
Thứ nhất, thu hút vốn FDI mang tính chiến lược, đó là lượng vốn FDI lớn có thể tạo ra những cơ hội thực sự cho các nhà cung cấp địa phương; thứ hai, xây dựng năng lực cho DN địa phương trên cơ sở xây dựng các cơ chế hỗ trợ để giúp các nhà cung cấp vượt qua những hạn chế về phía cung và được công nhận là “nhà cung cấp đủ điều kiện”; Thứ ba, phát triển liên kết, đó là xây dựng cơ chế lựa chọn và kết nối hiệu quả để liên kết các DN FDI với DN địa phương.
Ông Ousmane Dione nhấn mạnh, Việt Nam có cơ hội nâng cao giá trị trong nước để tận dụng được tối đa lợi ích từ nguồn vốn FDI và chuỗi giá trị toàn cầu, trên cơ sở đòi hỏi đẩy mạnh các liên kết trong nền kinh tế, bao gồm các lĩnh vực dịch vụ.
Tham khảo quốc tế để đưa ra chính sách toàn diện nâng cao năng lực cạnh tranh (kỹ năng, thể chế, cơ sở hạ tầng), cũng như các chương trình cải cách thực tiễn và có mục tiêu. Những nỗ lực này nhằm mở rộng phạm vi dòng vốn FDI và tăng chuỗi giá trị trong nước, cũng như đẩy mạnh thu hút vốn trực tiếp nước ngoài...
“Sự hỗ trợ cần vượt ra khỏi những chương trình hoạch định để tháo gỡ khó khăn của DN trong nước khi liên kết với DN nước ngoài, giúp các DN này trở thành nhà cung ứng chất lượng”, ông Ousmane Dione nói.
8 giải pháp cải cách đột phá
Theo ông Kyle Kelhofer, để thu hút được đầu tư FDI có giá trị cao, trước tiên, Việt Nam cần xác định các ngành ưu tiên, mục tiêu và tiếp theo thực hiện chủ trương cải cách chính sách về đầu tư.
“Ở Việt Nam, đang ngày càng có sự nhận thức rõ ràng rằng, phải thay đổi chính sách một cách chiến lược, mang tính khả thi cao, gắn liền với cải cách thể chế, chính sách, môi trường đầu tư cụ thể để thu hút đầu tư FDI thế hệ mới và tối đa hóa đầy đủ lợi ích tiềm năng cho Việt Nam", ông Kyle Kelhofer nhấn mạnh và đưa ra 8 khuyến nghị - là "bản thiết kế" chi tiết để đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo đột phá, hướng tới việc giải quyết các trở ngại, tăng cường cải cách, thu hút đầu tư FDI thế hệ mới nhằm duy trì các mục tiêu tăng trưởng kinh tế sâu rộng...
Thứ nhất, tăng cường cung cấp các kỹ năng chính để tạo thuận lợi cho đầu tư FDI thế hệ mới; thứ hai, xây dựng/kiện toàn cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài “thế hệ mới” để chủ trì thực thi chiến lược; thứ ba, cải cách khung chính sách ưu đãi hiện hành; thứ tư, hiện đại hóa xúc tiến đầu tư, xác định lĩnh vực ưu tiên xúc tiến chủ động; thứ năm, thực hiện môi trường kinh doanh/môi trường đầu tư 4.0; thứ sáu, mở cửa cho FDI những ngành nghề hỗ trợ năng lực cạnh tranh và tăng trưởng; thứ bảy, áp dụng các chính sách xúc tiến đầu tư FDI ra nước ngoài chiến lược; thứ tám, có chính sách cụ thể để tăng cường kết nối và tác động lan tỏa của DN FDI.