Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần tiếp sức, cổ vũ cho kinh tế tư nhân, xem những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh là tài sản quốc gia.
Kinh tế tư nhân lớn mạnh vượt sức tưởng tượng
Từ chỗ chính thức được công nhận là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế nước ta tại Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986, đến năm 2017, kinh tế tư nhân đã được khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII.
Sau 30 năm, kinh tế tư nhân - đứa con từng bị “hắt hủi” đã chính thức được nhận diện đúng vai trò, vị trí của nó. Với sự nhìn nhận đúng của Đảng, Chính phủ, với việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, kinh tế tư nhân đã và đang ngày càng lớn mạnh, hùng dũng như đại bàng vỗ cánh bay cao.
Theo số liệu nghiên cứu năm 2018 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, từ năm 2000 - 2017, số lượng doanh nghiệp (chủ yếu là thuộc khu vực kinh tế tư nhân, chiếm 97%) đã tăng hơn 10 lần, từ gần 42.300 doanh nghiệp năm 2000 lên 561.000 doanh nghiệp năm 2017.
Khu vực kinh tế tư nhân tạo việc làm cho khoảng 9 triệu lao động, chiếm 61,2% tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp của nền kinh tế. Trong khi khu vực kinh tế tư nhân chỉ giải quyết việc làm được cho khoảng 45 triệu lao động.
Nhờ có luồng sinh khí mới được tạo ra từ Nghị quyết 10, kinh tế tư nhân đã có bước tiến phi mã, liên tục gặt hái thành công trong nhiều lĩnh vực từ du lịch, hạ tầng giao thông, hàng không, công nghệ, chế tạo, thực phẩm, dịch vụ, đồ uống...
Không chỉ tăng về lượng, kinh tế tư nhân còn được đánh giá tăng mạnh về chất. Điển hình là trong danh sách sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 công bố, có 7 doanh nghiệp tỷ USD của Việt Nam.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư tại Việt Nam.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết: “Các tập đoàn lớn trong đó có tập đoàn tư nhân bắt đầu có tên tuổi và giá trị tên tuổi của họ được định giá cao bởi các tổ chức chuyên nghiệp trên thế giới. Nhiều tập đoàn được định giá lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD. Điều đó cho thấy vị thế lớn mạnh của khu vực tư nhân.”
Thật khó có thể tưởng tượng Việt Nam cùng lúc đã nhanh chóng có được những tập đoàn kinh tế tư nhân mà chúng ta vẫn hay gọi là “sếu đầu đàn” như Vingroup, Sun Group, Vinamilk, Vietjet, Thaco, Masan…
Đây là thành công vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Đã đến lúc doanh nghiệp tư nhân có thể làm được những thứ mà trước đây chỉ nhà nước mới làm như xây dựng sân bay, cảng biển quốc tế trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp Việt có thể đầu tư những công trình du lịch được thế giới ngưỡng mộ, hay người Việt có thể tự sản xuất ô tô, … Như thế, không chỉ đóng góp cho nền kinh tế đất nước, kinh tế tư nhân mà đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn đã đưa tên tuổi của Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Tiếp sức cho kinh tế tư nhân
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu lớn, song vẫn phải nhìn nhận, kinh tế tư nhân chưa thực sự “bung” hết tiềm năng, sức mạnh.
Thực tế hiện nay vẫn còn không ít hạn chế về thực thi chính sách, các thủ tục hành chính rườm rà, dư luận còn có những cái nhìn soi mói, tiêu cực, không đúng về các tập đoàn kinh tế tư nhân…
Nhìn sang Nhật Bản, quốc gia này phát triển nền công nghiệp nhiều tầng, trong đó có các tập đoàn lớn, có doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các tập đoàn lớn phải đóng vai trò trụ cột như Honda, Toyota,…
Cơ chế, chính sách với tập đoàn và với doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự khác nhau. Hay ở Hàn Quốc, đất nước này cho thấy bài học cực kỳ rõ ràng về cách vươn lên thành cường quốc kinh tế với dân số chỉ bằng nửa Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nhiều lĩnh vực khó như hạ tầng giao thông.
Từ những bài học thế giới cho thấy, nhà nước không chỉ có chính sách, mà cần tạo môi trường để kinh tế tư nhân lớn mạnh. PGS. TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: “Muốn trở thành một thế lực kinh tế toàn cầu, một quốc gia không thể chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải có những Tập đoàn.
Doanh nghiệp phải phát triển thành lực lượng. Trong lực lượng, có các mô hình to - nhỏ - vừa, có cấu trúc chuỗi, cấu trúc mạng.
Ở Việt Nam, chúng ta chỉ phát triển doanh nghiệp chứ chưa hình thành lực lượng doanh nghiệp với sự liên kết bài bản, nên chính sách định hướng không rõ. Đừng vì quá thận trọng mà hạn chế doanh nghiệp phát triển. Cần nâng đỡ những doanh nghiệp có khả năng trở thành tập đoàn mạnh.”
Đồng quan điểm, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc thẳng thắn: “Để nhấn mạnh vai trò của tư nhân thì đồng thời cũng phải nhấn mạnh mối quan hệ đối tác công – tư, không chỉ là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng mà trong cả các dự án phát triển kinh tế xã hội và phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm.
Điều có đó có nghĩa, đề cao vai trò tư nhân thì nhà nước cũng phải lắng nghe, đối thoại và cùng “chụm đầu” với tư nhân để xây dựng chính sách, để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội.”
Cần khẳng định rằng, kinh tế tư nhân chính là động lực, là rường cột của nền kinh tế. Vì thế, trong quá trình phát triển đất nước, việc cần tạo thêm lực đẩy cho kinh tế tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn là yêu cầu cấp thiết.
Khi có sự chung tay của nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, nước ta mới có thể có những “sếu đầu đàn” bay cao, vươn xa, trở thành các tập đoàn kinh tế toàn cầu. Tất nhiên khi đó, nền kinh tế đất nước sẽ bước lên vũ đài lịch sử mới.